Đại Học Khoa Học Tự Nhiên

Đại Học Quốc Gia TP.HCM
(Ho Chi Minh City University of Science)
Thành lập năm: 1996
Địa chỉ:227 Nguyễn Văn Cừ, Quận 05, Thành phố Hồ Chí Minh & Thủ Đức

Văn bản - Quy chế

QUY CHẾ
ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ CHO HỆ ĐẠI HỌC & CAO ĐẲNG CHÍNH
QUY CỦA TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN
(Ban hành theo quyết định số575 /KHTN – ĐT, ngày 26/10/2009 của Hiệu Trưởng trường
ĐHKHTN)


CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Bản quy chế này quy định những điều chung nhất về đào tạo hệ Đại học và Cao đẳng chính quy của trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên (ĐHKHTN) thuộc ĐHQG TPHCM.

Quy chế này áp dụng đối với sinh viên các khóa đào tạo hệ chính quy ở trình độ đại học và cao đẳng của trường ĐHKHTN.

Điều 2: Mục tiêu và phương thức đào tạo:

2.1. Quá trình đào tạo của trường ĐHKHTN nhằm mục đích tạo ra những con người có trình độ đại học hoặc cao đẳng có chuẩn mực cao về kiến thức, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước theo định hướng XHCN.

2.2. Phương thức đào tạo của trường ĐHKHTN theo học chế tín chỉ, giúp cho sinh viên có thể tích lũy kiến thức trong mọi thời điểm, đồng thời cũng yêu cầu ở sinh viên tính tích cực, chủ động trong việc lập kế hoạch học tập cá nhân nhằm tạo nên một hiệu quả cao trong đào tạo.

Điều 3: Tín chỉ học tập – Tín chỉ học phí

3.1 Tín chỉ học tập là đơn vị dùng để xác định thời gian, khối lượng học tập của sinh viên và khối lượng giảng dạy của giảng viên, đồng thời là đơn vị dùng để đánh giá kết quả học tập của sinh viên dựa trên số lượng tín chỉ học tập đã tích lũy được. Một tín chỉ học tập được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết. Trong một học kỳ chính có 15 tuần thực học.

Cứ 30 tiết thảo luận trên lớp, thí nghiệm hoặc 45 – 60 tiết thực tập, kiến tập, chuẩn bị khoá luận được tính tương đương 1 tín chỉ học tập.

Đối với những môn học lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân (tự học) và giảng viên phải dành ít nhất 30
giờ để soạn giáo án, bài tập tình huống, soạn đề cương chi tiết, chấm bài tập về nhà, bài thi, giải đáp cho sinh viên hoặc phát triển môn học.

Số tiết, số tín chỉ, thời gian tự học, thời gian làm việc của giảng viên, cách đánh giá môn
học được quy định cụ thể trong đề cương chi tiết của từng học phần.
Sau đây tín chỉ học tập được gọi tắt là tín chỉ.
Một tiết học là 45 - 50 phút

3.2 Tín chỉ học phí (TCHP) là đơn vị dùng để lượng hóa chi phí của các hoạt động giảng dạy tính cho từng học phần. Số TCHP của mỗi học phần của chương trình giáo dục được Hiệu trưởng ban hành. Đầu năm học, nhà trường công bố mức học phí cho mỗi TCHP của từng hệ và bậc đào tạo. Học phí học kỳ của mỗi sinh viên được xác định bằng tích số của mức học phí mỗi TCHP với tổng số tín chỉ học phí của các học phần mà sinh viên đăng ký trong một học
kỳ.

Điều 4: Học phần

4.1. Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho người học tích lũy trong quá trình học tập, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn trong một học kỳ. Mỗi học phần thực hành có khối lượng từ 1 – 3 tín chỉ, mỗi học phần lý thuyết hoặc học phần có cả lý thuyết và thực hành có khối lượng từ 2 – 5 tín chỉ. Khoá luận tốt nghiệp là học phần đặc biệt có khối lượng tương đương 10 tín chỉ. Mỗi học phần được ký hiệu bằng một mã riêng, do trường quy định.

4.2. Các loại học phần:

- Học phần bắt buộc: là học phần bắt buộc mọi sinh viên phải học và tích lũy (đạt được) theo ngành hoặc chuyên ngành mình đã chọn.

- Học phần tự chọn: là học phần sinh viên có thể đăng ký học hay không tùy theo nguyện vọng.

- Học phần chung (Giáo dục Quốc phòng, Giáo dục Thể chất, Lý luận chính trị …) là các học phần được giảng dạy và học tập chung cho các ngành theo quy định của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của ĐHQG-HCM.

- Học phần tự chọn định hướng: là học phần mà sinh viên phải chọn trong các học phần quy định cho một ngành học cụ thể.

- Học phần tiên quyết: là học phần bắt buộc sinh viên phải học trước và thi đạt mới được học tiếp sang học phần có liên quan khác.

- Học phần học trước: là học phần sinh viên phải học trước khi học các học phần có liên quan khác mặc dù thi đạt hoặc không đạt.

- Học phần song hành: Hai học phần được gọi là song hành khi sinh viên đăng ký học phần này thì bắt buộc phải đăng ký học phần kia.

- Học phần thay thế: được sử dụng khi một học phần thuộc chương trình giáo dục thay đổi hoặc điều chỉnh, không còn tổ chức giảng dạy và được thay thế bằng học phần khác được mở trong học kỳ.

- Học phần tương đương: là học phần có cùng nội dung kiến thức và thời lượng với một học phần khác.

- Học phần tích lũy: là học phần có kết quả thi kết thúc học phần được từ điểm 5,0 trở lên.

Điều 5: Học kỳ, năm học 

5.1. Học kỳ là thời gian để sinh viên hoàn thành một số học phần của chương trình đào tạo. Trong mỗi học kỳ có quy định khối lượng kiến thức tối thiểu buộc sinh viên phải tích lũy.

Một học kỳ chính có 15 tuần thực học và 2 đến 3 tuần thi. Một học kỳ hè có 7 – 8 tuần thực học và 1 tuần thi.

5.2. Năm học có 2 học kỳ chính, tùy theo điều kiện, trường có thể tổ chức thêm học kỳ hè dành cho những sinh viên thi không đạt ở các học kỳ chính được đăng ký học lại và những sinh viên học giỏi có điều kiện kết thúc sớm chương trình đào tạo.

Đầu năm học, nhà trường công bố rộng rãi trên Website trường và bản tin hoặc sổ tay sinh viên về kế hoạch, thời biểu giảng dạy, học tập của mỗi học kỳ và năm học.