Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường
Con tôi phấn đấu thế nào để được chọn "đi khai giảng"?
Ngày khai giảng, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, nhưng tôi phải đôn đáo đưa con đi gửi vì con không được chọn đến trường... dự lễ khai giảng. Cứ đến mỗi mùa thu về, đúng ngày 5-9 đi qua các trường nhìn cờ hoa rực rỡ, nghe tiếng trống trường... bỗng dưng lòng tôi cũng thấy nao nao rộn ràng, nhớ lại những ngày đi học. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng chia sẻ cảm xúc như vậy khi đi qua một ngôi trường, khi được đưa con đến dự lễ khai giảng.
Nhiều cháu đã không được dự khai giảng
Đọc báo, xem ti vi thấy có trường ở Hà Nội chật hẹp, thiếu sân chơi, tất cả học sinh phải xếp hàng dưới lòng đường để dự lễ khai giảng. Hay ở Lào Cao Yên Bái, vì lốc xoáy, sạt lở mà không tổ chức khai giảng đúng 5-9, nhưng thầy cô và học sinh cùng nhau dọn dẹp chuẩn bị để tổ chức lùi lại vào ngày sau đó... Còn trường con tôi học ở trung tâm TP.HCM, mới xây lại khang trang, sân trường rộng thênh thang nhưng rất nhiều cháu đã không được dự khai giảng.
Phụ huynh cũng không được thông báo hay giải thích tại sao cô bé cùng lớp cạnh nhà được còn con em họ không được đi dự lễ khai giảng. Đi dự lễ bế giảng thì “con phải nằm trong số 15 bạn điểm tổng kết cao nhất lớp”. Năm nào con tôi cũng đủ tiêu chuẩn được dự bế giảng, nhưng khai giảng thì không? Tiêu chí gì được chọn đi dự lễ khai giảng cho con tôi phấn đấu?
Khi được hỏi lý do, cô giáo chủ nhiệm trả lời “sân trường rộng nhưng nắng nóng lắm anh ạ, cây cao thì ít, thuê dù che hết cả sân thì trường không đủ kinh phí... ”! Nhưng nhìn con về buồn thông báo con giơ tay mà cô không chọn đi khai giảng mà thấy buồn và thương con...
Không lẽ trường mới xây, còn thiếu cây xanh che bóng mát nên đã quy định mỗi lớp chỉ được chọn 10 học sinh đi dự khai giảng hay bế giảng (trừ khối đầu vào và đầu ra)?
Cũng không biết đây là chủ trương của Ban giám hiệu trường con trai tôi hay là của Sở mà một số trường khác cũng cùng cách tổ chức ngày hội đến trường của học sinh như vậy?!
Học sinh Trường THCS Trần Quang Khải (Q.Tân Phú, TP.HCM) trong ngày khánh thành và khai giảng năm học 2013-2014
Đã 3 năm con tôi không biết khai giảng là gì. Không biết có phải do các thầy cô giáo chưa bao giờ phải xa môi trường nhà trường, đã quá quen hoặc nhàm chán với ngày khai giảng, bế giảng nên cảm thấy những ngày lễ hội của học sinh là ngày bình thường, tổ chức gọn nhẹ an toàn sao cho xong? Không biết các cháu học sinh chỉ được dự vài lễ khai giảng cho xong trong cả 12 năm đi học thì sau này, ký ức và cảm xúc khi đi qua mỗi mùa khai trường sẽ như thế nào?
Tuy chất lượng chuyên môn nhà trường khá cao, các thầy cô tình cảm tận tình với học sinh, tâm huyết thực sự với nghề nhưng không lẽ con đến trường chỉ để học và học, để thi và lên lớp rồi nghỉ hè?
Những năm tháng cùng các hoạt động nhà trường bên thầy cô bạn bè là một phần ký ức tuổi thơ. Nhà trường là nơi cho con kiến thức và những niềm vui để xây dựng hình thành tâm hồn tình cảm, cho trẻ phát triển toàn diện.
Thiết nghĩ, nhà trường gặp khó khăn, thiếu sáng tạo vận động trong công tác tổ chức các hoạt động cho học sinh thì nên cởi mở, công khai chia sẻ thông tin với phụ huynh để cùng chung tay lo cho các cháu. Ban phụ huynh lớp hay trường cũng phải do chính những phụ huynh nhiệt tình tâm huyết xung phong làm chứ không phải Ban phụ huynh do cô giáo chỉ định, rồi cả năm chỉ biết thu tiền quỹ cho các cháu liên hoan.
Mỗi ngày lễ, hoạt động của nhà trường khi cùng có tâm, cùng suy nghĩ lo cho mỗi con trẻ thì sẽ có những lễ hội vui ý nghĩa, đồng thời sẽ gắn kết thầy cô, phụ huynh và học sinh.
Theo Báo Tuổi Trẻ