Bằng cấp có quan trọng?
Ở Việt Nam, đa phần mọi người nghĩ rằng cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu trên là phải có 1 tấm bằng đại học đẹp, như một cái vé thông hành sau 12 năm học ở phổ thông. Đây dường như là rào cản lớn mà các bậc phụ huynh và xã hội tự dựng ra để buộc con em họ phải gồng mình vượt qua.
Cũng như tâm lý đa phần các bậc phụ huynh khác, đỗ đại học dường như là mục tiêu, mệnh lệnh và cũng là điều bắt buộc mà chị Hà đưa ra cho cậu con trai. Đỗ để được hãnh diện với họ hàng, bạn bè, và đó là lý do ngoài giờ học chính, giờ học thêm, Thăng, con trai của chị Hà lại phải “vùi đầu” vào sách vở ở nhà. Cho dù những kiến thức trên lớp và bên ngoài đã đủ khiến Thăng rơi vào mệt mỏi.
Chị Nguyễn Thị Hà, Xuân Thủy, Gia Lâm, Hà Nội nói: “Con cái vào đại học thì bố mẹ mới có thể mừng được. Tôi sợ con tôi trượt nên ngoài giờ học trên lớp tôi phải cho cháu đi học thêm, nghỉ ngơi chút là phải nhắc cháu ôn và học bài ngay lập tức. Sợ cháu quên hết kiến thức".
Chắc chắn, Thăng không phải là trường hợp duy nhất phải chịu sự căng thẳng do áp lực mà các phụ huynh tạo nên. Mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu thí sinh tham dự các kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, thế nhưng con số đỗ đạt lại chỉ chiếm khoảng 1/5 số đó. Nếu như theo quan điểm của chị Hà, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc, mỗi năm có hàng triệu thí sinh chỉ là nỗi thất vọng của gia đình và xã hội!
Theo TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lí, Đại học KHXH&NV Hà Nội: “Quan niệm phải vào và học ĐH thì mới có nghề nghiệp tốt, còn lại học CĐ, trung cấp sau này sẽ rất khó khăn để có một sự nghiệp vững vàng, không hẳn là chính xác. Và chính vì vậy nó tạo ra một áp lực rất là lớn đối với mỗi học sinh”.
Tâm lý coi trọng bằng cấp đã ăn sâu vào xã hội
Tâm lý đó, không chỉ tồn tại ở học sinh và phụ huynh, nó còn ăn sâu cả vào chính sách tuyển chọn, sử dụng nhân lực ở các cơ quan, đặc biệt là các đơn vị nhà nước. Trong đợt thi tuyển dụng công chức của tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết “Tỉnh Nam Định không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức”.
Rất nhiều ý kiến dư luận trái chiều với quan niệm này, trong đó, có ý kiến cho rằng tư tưởng nặng về bằng cấp là nguyên nhân chính dẫn đến việc các bậc cha mẹ tạo áp lực cho con cái.
GS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Chúng ta phải quan niệm lại bằng cấp chỉ là một cái đánh giá. Mà đánh giá đó phải thật. Học để cho mình, học để lao động, làm ra của cải vật chất xã hội, làm ra tiền nuôi gia đình. Chứ không phải làm lấy cái bằng để làm quan”.
Việc “coi trọng bằng cấp” đã trở thành căn bệnh cố hữu của các cơ quan tuyển dụng. Và nó đã dẫn đến hệ lụy về xã hội đua theo thành tích. Nhiều bậc phụ huynh ép con em đỗ đại học để làm rạng rỡ bộ mặt gia đình, dòng họ.
Rất nhiều em không vượt qua nổi áp lực này, dẫn đến tình trạng lo sợ, trầm cảm, thậm chí tự tử. Đó là một sự thật đau lòng mà các bậc cha mẹ, những nhà quản lý phải giải quyết sớm, nếu muốn thế hệ trẻ đi đúng đường, trở thành người có ích thực sự, phù hợp với từng người trong tương lai.
Bạn muốn biết về:
Bằng giả đại học: Cứ kiểm tra là phát hiện
Giáo viên dùng bằng giả đại học để được nâng lương
Tin bài gốc: ANTĐ
kenhtuyensinh
Theo: ANTĐ