Không bằng lòng với lời phán của cô, học sinh gửi “lá đơn” xin cô "trả lại sự công bằng" - Ảnh: Thụy Hiền
Như một điều hiển nhiên, ai làm sai thì người ấy phải chịu trách nhiệm. Cô giáo mắng học sinh “ngu như bò” thì bị đình chỉ, cô giáo bạo hành trẻ đã bị pháp luật xử phạt. Chúng ta tạm hài lòng với những hình phạt ấy, nhưng thử nghĩ lại chúng ta dường như đang quên đi vai trò dạy dỗ con mình ở nhà.
Những người làm cha, làm mẹ sẽ hiểu được cảm giác chăm con và dạy dỗ con khi còn tấm bé lúc nào cũng canh cánh nỗi lo trong lòng và có ai dám chắc được chúng ta chưa một lần nổi nóng với con? Các vị phụ huynh có dám chắc chưa một lần đánh con?
Tất nhiên, cha mẹ đánh con, quát mắng được mặc nhiên là sự dạy dỗ cần thiết, nhưng người ngoài như những giáo viên đánh nhẹ một cái, nổi nóng một lần liền bị xem bạo hành giáo dục.
Trong câu chuyện trên báo “tại sao các cháu bị gọi là hỗn” khiến tôi liên tưởng đến cách dạy con của các bậc cha mẹ ở nhà. Có bao giờ ở nhà con bạn dám lớn tiếng với bạn chưa? Và khi con phản đối ý kiến của cha mẹ thì bạn làm gì, tôi không dám chắc bạn sẽ im lặng và nhỏ nhẹ nghe lời con. Nếu không nói có cha mẹ sẽ lớn giọng hơn mắng lại “ai cho phép mày cãi lời”.
“Dạy con từ thuở còn thơ” câu nói ấy ai cũng biết, những trước đến nay nhắc đến vấn đề dạy dỗ là chúng ta cứ mặc nhiên đó là trách nhiệm của nền giáo dục.
Cho nên, những câu chuyện của cô bảo mẫu, của giáo viên nổi nóng mắng con mình thì các bậc phụ huynh nên có một chút cảm thông chăng?
Nhìn con mình bị người dưng mắng ai cũng thương cũng xót nhưng họ là “người dưng”, không thể chịu đựng như mẹ ruột. Và trong một lớp học mấy chục em đang tuổi ăn, tuổi chơi, giáo viên cứ phải xoay như chong chóng thì khó lòng mà bình tĩnh được.
Chúng ta không hề muốn nhìn cảnh con mình bị cô giáo mắng “ngu như bò” hay nhìn đứa con còn nhỏ bị cô đánh, nhưng muốn “cứu” những đứa con của mình thì có lẽ chúng ta cũng nên học cách dạy dỗ con mình ở nhà trước đã.
Đừng cứ nghĩ việc dạy và học là ở trường, ở lớp, để rồi khi xảy ra chuyện mới thấy thương con. Dạy con từ thuở còn thơ, dạy con cách phản biện bằng cách nghe những phản biện từ con, dạy con học ăn, học nói…
Tôi thấy trên thực tế hiện nay các gia đình có hai phương pháp giáo dục con: hoặc quá cưng chiều con, muốn gì được nấy; hoặc quá nghiêm khắc với con, bắt con nghe răm rắp ý kiến của mình.
Cho nên, khi những đứa trẻ này bước vào trường học thì tiếp tục ứng xử như ứng xử với bố mẹ ở nhà.
Đứa thì quá ngoan, một dạ hai vâng không dám lên tiếng phản biện, đến lúc 18 tuổi đi thi đại học, giám thị ký sai cũng chỉ biết im lặng và khóc.
Đứa khác thì quá “quậy”, cứ một mực đòi quyền lợi của mình, cứ cho mình là những đứa trẻ đáng được sự chiều chuộng từ tất cả mọi người.
Dạy học cũng là một nghề như bao nghề khác. Thầy cô cũng cần kiếm cơm, xoay trở với những toan tính trong cuộc sống đời thường, cũng nhiều lần “giận cá chém thớt” như chúng ta.
Bởi thế, vấn đề ở đây là chúng ta không thể một mực nhất quyết rằng “dạy dỗ tụi trẻ là việc của nền giáo dục, của giáo viên”.
Trước khi đòi hỏi những giáo viên phải yêu thương, dịu dàng, chăm sóc con mình hết lòng, không được bạo hành con mình thì những bậc phụ huynh cũng nên biết cách dạy dỗ con khi ở nhà.
Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151018/co-noi-nong-mang-tro-cha-me-co-can-nhin-lai/987187.html