Vừa qua Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ sớm thông báo về công tác thi tốt nghiệp THPT với chương trình phổ thông mới 2018.
Điều này đồng nghĩa khi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành với học sinh lớp 12 vào năm 2025 thì sẽ có phương thức thi tốt nghiệp THPT mới?Như vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn giữ đến năm 2024.
1. Nhiều phương án tuyển sinh vào đại học
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập, chất lượng dạy, học của trường phổ thông để các nhà trường có cơ sở điều chỉnh phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ tuyển sinh đại học. Nhưng hiện các trường đại học đã áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh mà không phụ thuộc nhiều vào kết quả thi tốt nghiệp vậy có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không?
Thực tế tuyển sinh đại học những năm qua đã có sự thay đổi, nói cách khác các trường đại học dần được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh, nên một số trường đại học hiện nay đã thực hiện nhiều phương án tuyển sinh khác nhau, không chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa. Đó là các phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, xét điểm học bạ, xét tuyển thẳng… để xét tuyển sao cho phù hợp với mục tiêu đào tạo khác nhau của các trường đại học.
Mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ tuyển sinh đại học không còn là phương án duy nhất. Trong khi đó tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT luôn đạt ở mức cao tăng dần đều: năm 2019 là 94,06%; năm 2020 là 98,34%; năm 2021 là 99,37%. Vậy có cần tổ chức một kỳ thi mà tỷ lệ tốt nghiệp cao như vậy cùng với nhiều tốn kém cho xã hội, áp lực căng thẳng cho học sinh và phụ huynh?
Có nên tiếp tục thi tốt nghiệp THPT khi tỷ lệ đỗ tăng dần?
2. Nên giao về địa phương?
Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT nên chăng Bộ GD-ĐT giao về cho các địa phương tự tổ chức thực hiện và việc tuyển sinh đại học là trách nhiệm của các trường đại học, Bộ GD-ĐT không phải lo tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.
Có như vậy mới hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng nhẹ nhàng, ít tốn kém và giảm bớt áp lực thi cử diễn ra hàng năm. Không nhất thiết Bộ GD-ĐT phải đợi đến năm 2025, khi lứa học sinh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thay đổi phương thức tuyển sinh vì như thế là chậm so với thay đổi của tình hình thực tế tuyển sinh của các trường đại học.
3. Kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT
Sở GD-ĐT của 5 TP trực thuộc trung ương đã có những kiến nghị với Bộ GD-ĐT về việc tuyển thẳng lớp 10 và phương án thi tốt nghiệp.
Trong hội nghị cụm thi đua số 1 bao gồm 5 sở GD-ĐT của 5 TP trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ GD-ĐT tổ chức trong hai ngày 27 và 28.7, với cương vị là cụm trưởng, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã đại diện đề xuất về việc tuyển thẳng vào lớp 10 và phương án thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH.
Các sở kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để các sở GD-ĐT thuận lợi trong công tác xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
> Hai trường Công an Nhân dân công bố kết quả thi đánh giá năng lực 2022
> Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học phía nam theo điểm thi tốt nghiệp 2022
Theo Báo Thanh Niên