>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm sàn đại học 2013, điểm chuẩn đại học

Trước ý kiến nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đang nghiên cứu việc có nên duy trì hay không kỳ thi tốt nghiệp THPT, xây dựng đề án lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định.

Thi tốt nghiệp THPT Nhiều bất cập

Tại cuộc họp do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phát biểu đề nghị Bộ GD - ĐT nghiên cứu việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không. Theo Phó Chủ tịch nước, không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học. “Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thường kết quả tốt nghiệp rất cao, không phải ánh đúng thực tế. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%, chỉ duy nhất một năm khi thực hiện cuộc vận động “Hai không” là thắt chặt, có trường chỉ đỗ tốt nghiệp 10 - 20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ”, Phó Chủ tịch nước nói.

Trong những năm qua, Bộ GD - ĐT đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như đổi mới phương pháp dạy và học, sử dụng thiết bị dạy học hiện đại, ban hành nhiều chính sách chăm lo đội ngũ giáo viên… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nền giáo dục nước nhà đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, trong đó vấn đề tiêu cực trong các kỳ thi được nhắc tới nhiều nhất. Có lẽ không ai quên được cảnh phụ huynh “trèo tường ném phao” cho thí sinh tại trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội) gây xôn xao dư luận vào năm 2006, và sau khi kỳ thi này diễn ra, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường THPT Phùng Khắc Khoan xấp xỉ 100%. Từ ngày 31/7/2006, Bộ GD - ĐT đã phát động phong trào “Hai không”: Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nhờ đó, từ năm 2007, tiêu cực trong ngành giáo dục nước ta đã giảm được phần nào.

Trong những năm 2010 - 2011, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước là hơn 90%; nhiều trường, địa phương có kết quả đậu tốt nghiệp tăng vọt so với năm đầu tiên thực hiện chủ trương “Hai không”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, vụ việc tại trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) và clip tiêu cực tại trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) năm 2013 lại một lần nữa gây xôn xao dư luận và đặt ra nghi vấn về chất lượng của những kỳ thi tốt nghiệp này.

Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp?

Đánh giá kết quả các kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, nhiều tỉnh đỗ chót vót như hiện nay thì rõ ràng là chưa đánh giá đúng thực tế. Nếu làm nghiêm thì hầu hết các tỉnh đều giảm tỷ lệ đỗ.

Về vấn đề nên hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, đã học thì cần phải có thi để đánh giá chất lượng học sinh cũng như chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta cần thay đổi để làm sao đạt được hiệu quả tốt nhất. Chúng ta có thể sát nhập hai kỳ thi ĐH - CĐ và thi tốt nghiệp THPT làm 1 để tiết kiệm chi phí và để học sinh cùng một công ôn học thi thì tốt hơn, tránh được tình trạng học sinh học để đối phó. Bởi thực tế, các em phải học 6 môn thi tốt nghiệp, bên cạnh đó lại phải học ôn 3 môn thi ĐH. Đôi khi môn thi tốt nghiệp trùng với thi ĐH thì học sinh đỡ vất còn nếu không thì năm lớp 12 các em phải căng sức ra học 7 - 8 môn nên gây quá tải và mệt mỏi.

Còn Trần Hiếu, thủ khoa Đại học Kinh tế quốc dân năm 2013 cho biết: “Em hoàn toàn đồng tình với việc bỏ kì thi tốt nghiệp THPT. Như chúng ta thấy, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp mấy năm gần đây lúc nào cũng rất cao (trên 95%) nên việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp là không cần thiết mà chỉ cần điều chỉnh lại các chỉ tiêu đánh giá trong trường phổ thông. Việc tổ chức thi khi học sinh ai cũng nắm chắc phần kết quả thì quả thực là tốn kém chi phí, gây áp lực về mặt thời gian ôn thi đại học cho thí sinh”.

Việc bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, câu hỏi “Tại sao đất nước chậm đổi mới và nguy cơ tụt hậu trong khi lại mâu thuẫn với số học sinh ra trường ngày một đông, lượng tiến sĩ ngày một tăng? Phải chăng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực về giáo dục đào tạo dù đã có đủ chủ trương, nghị quyết?...” của Phó Chủ tịch nước khiến nhiều người làm giáo dục không khỏi trăn trở.

Đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề này, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh) cho rằng, cần xác định lại mục tiêu của giáo dục phổ thông. Nếu học xong THPT đi làm ngay thì học chương trình hiện hành là không cần thiết, rất lãng phí khi thực tế chương trình hiện tại chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là vào đại học. Do vậy, nên cấu trúc lại chương trình THPT, phân ra hai nhánh: Một nhánh trường THPT như mô hình hiện nay và một nhánh là trường THPT có dạy nghề (chiếm khoảng 40%). Chương trình học ở trường hướng nghiệp, dạy nghề chỉ có 5 môn học kiến thức, thể chất và kỹ năng sống bắt buộc với những kiến thức thiết thực, đơn giản nhất, ngoài ra là các môn tự chọn và dạy nghề kỹ thuật với thời lượng học tập kiến thức văn hóa và dạy nghề ở mức cân bằng 50/50. Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng, giao về các sở, không cần tổ chức một cuộc thi căng thẳng, nặng nề như hiện nay. Kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng nên giao cho các trường tự chủ.

 

Theo: Tintuc - Tin bài gốc