>> Giáo dụcđào tạothông tin tuyển sinhhọc đường

Ông Ngô Trần Ái, TGĐ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho biết: NXBGD đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần, nhân lực, vật lực để chuẩn bị làm bộ sách giáo khoa (SGK) mới.

Sách mới có thay đổi phương pháp bảo thủ của giáo viên?

PGS.TS Trần Đức Tuấn (NXBGDVN) cho biết: Quan điểm và tầm nhìn của chúng tôi khi đổi mới SGK sau năm 2015 là: SGK phổ thông mới phải là công cụ hữu hiệu để tổ chức dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm theo hướng tăng cường dạy học, hợp tác và tương tác; SGK mới cũng phải là sản phẩm của công nghệ giáo dục đồng thời SGK mới phải là công cụ đắc lực của giáo dục phát triển bền vững.

sách giáo khoa

Đổi mới sách giáo khoa: mục tiêu cơ bản là người học

Yêu cầu là thế, nhưng có một thực tế trước khi thay đổi là chúng ta cần nhìn vào thực trạng của việc dạy và học hiện nay.

**Sách giáo khoa cần đậm giá trị cuộc sống

GS.TS Mike Horsley, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục (IARTEM) trong phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới và hiện đại hóa chương trình SGK theo định hướng phát triển bền vững” tại Hà Nội ngày 30-10 đã trình bày quan điểm cho rằng: “Về bản chất, việc giảng dạy chứa đựng yếu tố bảo thủ. Trong thực tế phương pháp giảng dạy tương đối khó thay đổi. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như sử dụng SGK thường đòi hỏi sự trợ giúp về mặt chuyên môn và các nguồn lực mới, sự hỗ trợ và đầu tư. Một số khía cạnh trong phương pháp giảng dạy chuyên môn của giáo viên có xu hướng khiến cho (nếu không muốn nói là phần lớn) họ có phần bảo thủ hơn và phản đối việc thay đổi giáo trình và SGK cũng như tài liệu dạy học. Xét cho cùng thì giáo viên chính là sản phẩm của hệ thống giáo dục mà họ đang dạy, kể cả về mặt giáo trình và SGK cũng như tài liệu dạy trên lớp”.

Để khắc phục sự bảo thủ vốn có của giáo viên, các giáo viên cần trao đổi nhiều hơn với các giáo viên khác về phương pháp, nên có nhiều đối thoại giữa giáo viên và các tác giả viết SGK hơn. Giáo viên phải hiểu được chương trình mới, cấu trúc của chương trình SGK, nếu họ không hiểu thì làm sao có thể thay đổi được” – GS. Mike Horsley nói.

Theo ông Nguyễn Huy Đoàn (NXBGDVN – nguyên chủ biên bộ sách Đại số nâng cao từ lớp 10 đến lớp 12) cho rằng: Ở Việt Nam, tính bảo thủ của giáo viên còn rất nặng nề. Mặc dù có sách mới, yêu cầu của đổi mới phải đi song song: Đổi mới nội dung và phương pháp dạy nhưng nhiều giáo viên còn mang giáo án cũ ra để dạy. Công tác khắc phục tính bảo thủ này quan trọng nhất là ở đào tạo và quản lý, chứ SGK chỉ có thể tham gia được phần nào. Ví dụ như khi thiết kế sách, thì trong sách sẽ có phần hướng dẫn giáo viên phải chú ý kỹ vào những nội dung gì, yêu cầu gì. Đồng thời cần đổi mới thi cử, nhất là thi ĐH. Lâu nay chúng ta cứ căn cứ vào chương trình SGK, rồi giáo viên nào luyện thi có đề luyện sát với đề thi ĐH nhất, nhiều học sinh đỗ ĐH nhất thì học sinh theo nhiều, như vậy khó đổi mới được phương pháp dạy của giáo viên”.

Nên có một hay nhiều bộ SGK?

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) và TS Bùi Việt Phú (NXBGDVN) thì mô hình SGK mới ở Việt Nam cần tuân theo định hướng xây dựng chương trình sau năm 2015. Kiến thức sẽ chú trọng vào giải quyết tình huống trong cuộc sống hàng ngày, chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh biết giải quyết các vấn đề và tình huống trong cuộc sống thường nhật. Vì vậy, GS. TS Nguyễn Hữu Lộc cho rằng: Với một chương trình quốc gia nên có nhiều bộ SGK, Bộ GD&ĐT là cơ quan trực tiếp thẩm định SGK, cho phép sử dụng nếu đảm bảo chất lượng.

***Đổi mới chương trình SGK 2015: Khắc nhập khắc xuất

Tuy nhiên, theo GS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội, phương án có nhiều bộ GSK hay một bộ đều có những mặt yếu, mặt mạnh riêng, vì mỗi phương án chỉ tối ưu cho một bối cảnh tương ứng với các điều kiện nhất định của thực tiễn nhà trường phổ thông. Chẳng hạn, nếu chương trình chuẩn quốc gia được thiết kế chi tiết và tường minh thì có thể dạy học theo các bộ SGK, tài liệu khác nhau (nếu giáo viên biết thiết kế các hoạt động học tập cho học sinh) để đạt được hiệu quả giáo dục, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình.

“Phương án nhiều bộ sách này đòi hỏi: Trình độ giáo viên phải tinh thông kỹ năng sư phạm; một sự mô tả chuẩn đầu ra của kết quả học tập; đòi hỏi các cơ quan quản lý tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu xét như vậy, hiện tại trường phổ thông của chúng ta chưa đáp ứng được. Vì vậy phải có một bước quá độ tiệm cận đến phương án chương trình có nhiều bộ sách” – GS. Đinh Quang Báo nói.

Theo tác giả Phan Thùy, phapluatxahoi