Tuy nhiên, đến tháng 6-2010, sau hơn 5 năm thực hiện, chỉ có 200 ứng viên đã được đào tạo và đang học tập ở nước ngoài…

Nhiều tỉnh không “mặn mà” với chương trình
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chương trình, có nhiều nguyên nhân làm cho chương trình phát triển chậm, trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là tiến độ thực hiện ở các địa phương không đồng đều, một số nơi vẫn chưa triển khai được chương trình. Chẳng hạn như, TP. Cần Thơ - địa phương có ứng viên được cử đi học nhiều nhất (98 ứng viên). Trong khi các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang vẫn chưa có ứng viên nào được cử đi học. Riêng tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh đã không tiếp tục xét tuyển mới và cử ứng viên đi học theo đề án Hậu Giang - 160. Dự kiến đến năm 2013, chương trình Mekong 1.000 sẽ có khoảng 1.000 ứng viên được cử đi học về nước và đang học tập ở nước ngoài. Nhưng đến thời điểm này, số lượng ứng viên cử đi học chỉ mới có được 1/5. Trình độ ngoại ngữ của cán bộ, sinh viên ĐBSCL cũng là nguyên nhân làm cho tiến độ đề án phát triển chậm. Nhiều ứng viên chưa đáp ứng được yêu cầu ngoại ngữ nên phải đào tạo lại. Gần đây, khi một số nước nâng điểm ngoại ngữ từ 5.5 IELTS lên 6.0 hoặc 6.5, số lượng ứng viên đủ yêu cầu còn ít hơn.
Đừng để lãng phí!
Điều bất hợp lí là chương trình đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật nhưng ứng viên theo học nghiên cứu còn thấp, chỉ đạt chiếm 5-10%. Trong khi đó, số ứng viên theo học các khối ngành kinh tế, khoa học xã hội chiếm khá cao, nhóm ngành kinh tế, luật chiếm 175% (vượt 75% so với kế hoạch). Vì vậy, gần đây, Ban chủ nhiệm đề án đã phải điều chỉnh cơ cấu ngành nghề theo hướng ưu tiên các nhóm ngành: công nghệ sinh học, y tế và sức khỏe cộng đồng, kiến trúc quy hoạch đô thị và cảnh quan môi trường, công nghệ vật liệu - công nghệ hóa, công nghệ chế biến…


Chương trình Mekong 1.000: Còn nhiều khó khăn - Ảnh 1

Một trong những vấn đề đáng lo khi một số ứng viên đi học nước ngoài về nước phục vụ nhưng không đủ điều kiện phát huy những kiến thức đã học. Anh D.N.Đ (ở TP. Cần Thơ) học xong chương trình của đề án băn khoăn: “Thực tế, chúng tôi không có điều kiện phát huy tối đa vốn ngoại ngữ đã học nên ít nhiều hạn chế trong công việc”. Số người khác học kỹ thuật lại không đủ trang thiết bị để thực hành. Tuy nhiên, điều đáng lo là “ý thức” của những ứng viên sau khi về nước. Khi được phân công công tác ở các cơ quan, nhiều người chê lương thấp, so đo, tính toán; người thì xin chuyển công tác, người thì bỏ việc… cho dù để đầu tư cho họ đi học ở nước ngoài, ngân sách nhà nước phải tốn hàng tỷ đồng.

ĐBSCL rất cần nguồn nhân lực có trình độ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và chương trình Mekong 1.000 đã đáp ứng được nhu cầu này. Thế nhưng thực tế cho thấy cần có những điều chỉnh hợp lý và biện pháp chế tài thích hợp để tránh lãng phí?!

Theo giaoduc