Ngoài số học vượt, đến cuối tháng 9-2010 trường mới chỉ xét tốt nghiệp cho 794 sinh viên của 18 ngành học khóa 2006-2010 theo đúng thời hạn. Trong đợt này, nhiều ngành học, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp rất thấp: thư viện - thông tin 13%, xã hội học 29%, văn học 31%... Hai ngành có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp cao nhất là ngữ văn Pháp 64,5% và Hán - Nôm 65%.
Và trong đợt xét gần đây nhất, có thêm 203 sinh viên của các khoa được công nhận tốt nghiệp.
Thiếu chứng chỉ ngoại ngữ
Nhưng có lẽ tỉ lệ sinh viên khóa này tốt nghiệp đúng hạn quá thấp như hiện nay là điều không quá bất ngờ đối với nhà trường và cả sinh viên.
Qua tìm hiểu của PV, hiện hầu hết số sinh viên khóa này chưa được công nhận tốt nghiệp do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ B theo quy định của nhà trường. Trước đó vào tháng 4-2010, hàng trăm sinh viên năm cuối của trường có chứng chỉ B tiếng Anh do Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thuộc ĐHQG TP.HCM cấp nhưng không được nhà trường chấp nhận.
Theo thông báo của nhà trường, trường công nhận chứng chỉ tiếng Anh do các trung tâm ngoại ngữ thuộc ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội hoặc ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sư phạm Hà Nội cấp.
TS Lê Hữu Phước - phó hiệu trưởng nhà trường - cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu do sinh viên chưa đầu tư đúng mức cho việc học ngoại ngữ nên đến nay họ vẫn thiếu chứng chỉ ngoại ngữ B theo quy định của nhà trường”.
Một nguyên nhân nữa, theo ông Phước, là ở một số khoa có những sinh viên chưa vội tốt nghiệp vì họ muốn cải thiện điểm.
“Theo học tín chỉ, sinh viên có quyền đăng ký học lại để cải thiện điểm môn học, nên thực tế đã có không ít sinh viên đóng tiền đăng ký học lại những môn học dù họ đã đạt điểm 5-6” - ông Phước cho biết.
Vừa qua, một số sinh viên có kiến nghị nhà trường cần tổ chức đào tạo ngoại ngữ như một học phần bình thường khác để họ có điều kiện học tập tốt cũng như có ý thức hơn trong việc học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, ông Phước cho biết đến nay nhà trường vẫn chưa có chủ trương này. Bản chất của học chế tín chỉ là mềm dẻo, cho sinh viên quyền tự lựa chọn cao. Trong khi đầu vào trình độ ngoại ngữ của sinh viên rất chênh lệch nên nhà trường để sinh viên tự lựa chọn thời khóa biểu học ngoại ngữ.
Nhà trường có chính sách miễn giảm học phí, lệ phí học tại trung tâm ngoại ngữ của trường cho sinh viên hệ chính quy đang theo học tại trường. Còn việc tổ chức dạy ngoại ngữ như một học phần sẽ đưa đến việc các sinh viên có trình độ ngoại ngữ khác nhau phải học chung một lớp thì không hợp lý.
Xét tốt nghiệp liên tục
Ngoài ra, ông Phước cũng cho rằng một số sinh viên hiện nay vẫn chưa thích ứng, còn nhiều lúng túng trong việc học theo tín chỉ. Việc đăng ký, lựa chọn môn học, sắp xếp thời khóa biểu học tập tối ưu hiện nhiều sinh viên vẫn chưa làm được.
TS Lê Khắc Cường, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cũng cho biết: “Bản thân sinh viên chưa quen với học chế tín chỉ, sự chủ động của sinh viên thấp. Không chỉ bị rào cản chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều sinh viên hiện còn thiếu một số chứng chỉ khác như: tin học, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng... Sinh viên cần phải chủ động hơn trong học tập, lên kế hoạch học tập, lựa chọn môn học, thời gian hợp lý... Học theo tín chỉ mà thụ động là thất bại. Việc tích lũy ngoại ngữ cũng phải chủ động chứ nhiều sinh viên đợi đến năm 3 mới học ngoại ngữ thì không kịp”.
Về số phận của các sinh viên khóa này hiện chưa được công nhận tốt nghiệp, ông Cường cho biết theo quy định của học chế tín chỉ, thời gian tối đa để sinh viên học đại học chính quy là sáu năm. Sau thời gian đó nếu sinh viên chưa hoàn tất các điều kiện để xét tốt nghiệp thì sẽ không được tốt nghiệp nữa.
Theo quy chế, nhà trường chỉ xét tốt nghiệp mỗi học kỳ/lần, nhưng do đây là khóa đầu tiên nên hiệu trưởng nhà trường đã quyết định từ nay đến hết năm 2010 xét tốt nghiệp cho sinh viên từng tháng.
“Tuy nhiên, nhà trường sẽ thực hiện xét từng tuần để đẩy nhanh tiến độ cho sinh viên ra trường sớm. Sau khi xét tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Sau đó khoảng một tháng, sinh viên có thể nhận được bằng tốt nghiệp” - ông Cường cho biết.
Theo 24H