Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh


“Chú bé tí hon”…

Kiên và bố được ở trọ trong khu ký túc xá ĐH Bách khoa Hà Nội. Mới lần đầu gặp cậu, người ta cứ ngỡ cậu là đứa bé "theo đuôi" anh chị lên Thủ đô dự thi. Khuôn mặt trắng trẻo và thư sinh của chàng trai quê ở Hải Dương này khiến nhiều người tưởng cậu là học sinh cấp 1.

 

tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, chi tieu tuyen sinh

Hình minh hoạ, chủ đề tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2011

 

“Em sinh năm bao nhiêu? Sao nhỏ thế này” – khi chúng tôi ngạc nhiên hỏi cậu như vậy thì Kiên chỉ cười tủm, mãi sau mới bẽn lẽn đáp: “Em sinh năm 93. Đủ tuổi thi ĐH mà. Còn nhỏ thì chắc do bố em cũng nhỏ”.



Bố của Kiên là thợ xây dựng, làm việc nhiều năm ở Hà Nội, chuyên đi phụ xây nhà cửa. Ông không cao lớn nhưng rất nhanh nhẹn. Ông bảo, ngày trước ở quê cũng “cục mịch” lắm, nhưng lên Hà Nội làm việc một thời gian thấy người tháo vát hơn.


“Thằng Kiên cũng thế, sau này lên đây học cũng sẽ nhanh nhẹn thôi. Chứ ở nông thôn không được giao tiếp nhiều nên còn nhút nhát” – người bố gần 60 tuổi ấy bắt đầu trò chuyện với chúng tôi khi cơn mưa “giải nhiệt” ập tới, xua tan cái nóng bức của ngày sát thi ĐH.



…và ước mơ thành kỹ sư IT

Ông kể rằng, hồi nhỏ Kiên đã học rất giỏi, từng đoạt giải cuộc thi giải toán trên máy tính của thành phố. Nhưng cả nhà đều làm nông nghiệp nên dù muốn mà chưa thể mua được chiếc máy tính cho con học công nghệ thông tin.



"Chú bé tí hon" thi ĐH Bách khoa Hà Nội, Giáo dục - du học, tuyen sinh 2011, thi dai hoc 2011, diem thi, de thi, thi sinh, tin tuc

Bố con Kiên trong ký túc xá ĐH Bách khoa Hà Nội



Ông lên Hà Nội làm thuê xây dựng để kiếm tiền nuôi hai mẹ con ở nhà và 3 cô con gái cũng đang học ĐH ở Thủ đô. “Cũng may, Nhà nước cho vay vốn và mấy đứa vừa học, vừa đi dạy thêm nên hai vợ chồng tôi đỡ vất vả” – người bố ấy kể.



Ông biết Kiên có dáng vóc không cao to nên mới định hướng cậu theo ngành công nghệ thông tin. “Nó nhỏ quá, không ngoại giao làm kinh tế được nên theo kỹ thuật là phù hợp. Chứ bây giờ kinh tế mới kiếm được nhiều tiền hơn kỹ thuật” – người thợ xây dựng nói lên nhận xét ấy, dựa vào công việc của mình khi thấy nhiều kỹ sư xây dựng không có thu nhập cao bằng “những tay làm kinh tế”.



Còn với Kiên, cậu bảo thích theo nghề IT vì nhiều người giỏi toán như cậu cũng theo nghề đó mà lại hay được ca ngợi trên tivi… Cậu chọn ĐH Bách khoa vì bây giờ, các trường kỹ thuật không còn lấy điểm cao như trước, nên nếu không đỗ ngành này có thể chọn ngành khác thấp điểm hơn.

Ở lớp của Kiên, đa số các bạn chọn ngành kinh tế, chỉ có vài người thi kỹ thuật, trong đó mỗi mình cậu thi Bách khoa.



“Bây giờ học ĐH dễ mà”

Đó không phải là lời của một giáo sư ĐH mà là nhận xét của một người nông dân làm thợ xây như bố của Kiên. Cùng như ông, nhiều bậc cha mẹ khác ở quê sau mỗi mùa tuyển sinh vẫn thấy có rất nhiều “giấy mời” con mình đi học từ nhiều trường “lạ hoắc”. Thời buổi ĐH mọc lên không ngừng, ai cũng hiểu, cơ hội vào ĐH bây giờ không khó, miễn là phải có tiền để đóng học phí những trường dân lập.



“Thi vào những trường của Nhà nước như này mới khó vì không phải đóng nhiều tiền. Chứ học ĐH dân lập thì tốn kém lắm. Gần nhà tôi có đứa cũng học như thế, tốn gần 3 triệu một tháng mà vẫn chưa đủ” – một bà mẹ ở trọ cùng phòng với bố con Kiên tâm sự.


Hằng ngày, những người nông dân ấy vẫn luôn nghe ngóng thông tin về thi cử, học hành cho con cái. Thế nên khi nghe chúng tôi kể về em Minh Vượng – nữ Thủ khoa ĐH Y năm ngoái, các ông bố, bà mẹ ở đây đều bảo là có biết trên tivi.


“Nhà mình có người đi học mà nên chú ý đến những cái đó lắm” – bố của Kiên tâm sự. Nên đến khi có một nhóm sinh viên vào các phòng ký túc, giới thiệu học bổng cho các đối tượng nghèo đỗ ĐH trong kỳ thi này, người cha ấy đã lấy giấy bút ghi chép cẩn thận địa chỉ và số điện thoại của công ty cấp học bổng, hy vọng sau này con mình cũng được người ta giúp như vậy.



Còn Kiên, sau khi đi cùng bố ra ngoài ăn suất cơm bình dân 15 nghìn đồng, cậu lại tranh thủ giở những trang sách để ôn lại kiến thức trước ngày thi. Bởi cậu hiểu rằng, mình là niềm tin của mẹ cha, là khát vọng thoát nghèo, không phải sống cuộc đời nông dân lam lũ…

 

Thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2011, tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh

Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email mới nhất tại ô bên dưới.

Kenhtuyensinh (Nguồn VTC News)