Chọn ngành nghề nào?Các ngành liên quan đến công nghệ thông tin luôn có nhiều cơ hội việc làm. ẢNH: MỸ QUYÊN

Cơ hội với nhiều nhóm ngành mới


Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thời kỳ hội nhập sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp với nhiều nhóm ngành mới, trên cơ sở của những nhóm ngành cũ kết hợp, lồng ghép.

Chẳng hạn nhóm ngành công nghệ thông tin trong giai đoạn hội nhập ASEAN sẽ có cơ hội phát triển và hình thành một số nhóm nghề mới như bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Những ngành này vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn.

Thứ hai là nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật. Sự kết hợp giữa hai nhóm ngành này sẽ dẫn đến sự xuất hiện một số nhóm ngành khác như kỹ thuật thương mại, quản trị viên của các ngành kỹ thuật.

Bên cạnh đó còn có xu hướng kết hợp giữa các chuyên ngành tạo ra những nhóm ngành nghề mới như quản trị rủi ro, quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp - công nghệ kỹ thuật và y tế, quản lý hệ thống thông tin, kế hoạch và dự báo kinh tế - nhân lực - xã hội - kinh doanh, tư vấn tài chính cá nhân, quản lý dự án khoa học môi trường - hàng không, logistics, quản lý văn phòng cao cấp…

Học làm game ở đâu ?

Tại TP.HCM có nhiều trung tâm, trường học dạy ngành này. Có thể kể như: Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Trung tâm đào tạo công nghệ và nội dung số VTC Academy, Học viện CNTT NIIT, Trường ĐH Hoa Sen, Trung tâm đào tạo FPT, Arena... Có nhiều chuyên ngành đào tạo như: họa sĩ 3D game, lập trình viên chuyên nghiệp trên thiết bị di động, lập trình iOS - Android - Windows Phone...
Cũng có sự kết hợp giữa ngành tâm lý học, khoa học xã hội với pháp luật, giáo dục để có các ngành mới như tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý… Hiện nay có xu hướng ứng dụng các kỹ thuật cao vào y tế để hình thành các nhóm ngành mới như quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, chuyên viên nghiên cứu các vấn đề về gien…

Chính những nhóm ngành mới này sẽ đem lại cơ hội việc làm dồi dào cho sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, trong giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng 270.000 chỗ làm việc (130.000 chỗ làm việc mới). Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật 18%, trình độ cao đẳng 15%, trình độ đại học 17%, trên đại học 2%.


Làm game, thiết kế đồ họa dễ kiếm việc làm


Nhiều chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) nhìn nhận, CNTT vẫn là một trong những ngành dễ kiếm việc làm hiện nay, bởi các công ty, cơ quan đều muốn áp dụng CNTT. Chính vì thế SV học các ngành lập trình web, lập trình mobile, lập trình game... đều có thể xin được việc.
Một trong những ngành về CNTT là ngành game đang phát triển rất mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Đồng, Tổng giám đốc Công ty One World, cho biết: “Ngành game ở VN đang phát triển rất nhanh, nên SV học ngành này khi ra trường có rất nhiều cơ hội để kiếm việc làm”.

“Việc làm về game thì khá đa dạng và phong phú, như làm về các mảng hỗ trợ đường truyền, phụ trách sản phẩm, giám sát trong game, thiết kế game, thiết kế đồ họa... Có thể làm ở các công ty game hoặc tự làm game với tư cách cá nhân. Không chỉ làm việc ở trong nước, hiện tại có nhiều công ty game nhận gia công dựa trên các yêu cầu của đối tác nước ngoài nên người làm game còn có cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế, được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến từ Mỹ, Nhật và có nhiều cơ hội phát triển...”, ông Đồng thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Đông Hải, Giám đốc sản phẩm của Công ty VNG, cho biết hiện nay ngành game đang phát triển rất mạnh mẽ và các công ty game tuyển dụng rất nhiều. “Ở công ty từng có khá nhiều SV dù đang học vẫn được tuyển dụng, do vậy SV học ngành này khi tốt nghiệp có thể yên tâm về việc làm”, ông Hải nói thêm.

3 nhóm ngành ưu tiên phát triển

Trong chiến lược phát triển công nghiệp VN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Quy hoạch đề ra mục tiêu, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tập trung vào 10 ngành công nghiệp chủ yếu: cơ khí - luyện kim; hóa chất; điện tử, công nghệ thông tin; dệt may - da giày; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện; than; dầu khí. Điểm mới của quy hoạch giai đoạn này là định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 3 ngành: cơ khí - luyện kim, điện tử - tin học, dệt may - da giày.

Cũng theo các chuyên gia, thì các SV có khả năng thiết kế đồ họa, biết thiết kế các nội dung như: infographic, corporate website/microsite/app, icon, name card, ad banners, poster, layout, brochure, catalogue, flyer... sẽ có nhiều lợi thế khi xin việc làm, bởi nhu cầu tuyển dụng rất nhiều. Đặc biệt là những ai giỏi mảng infographic (mô tả dữ liệu bằng đồ họa), có thể dễ dàng xin việc ở các công ty quảng cáo, cơ quan báo chí...

“Để theo đuổi và thành công trong ngành game thì cần có đam mê, và nhất là phải có khả năng tư duy sáng tạo, logic”, ông Đồng chia sẻ thêm.

Ngành ngôn ngữ lương cao


Ông Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), cho biết một trong những ngành học có nhiều cơ hội việc làm nhưng ít người học là nhóm ngành ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Các công ty nước ngoài của các nước này tuyển dụng nhiều. Chưa kể SV học ngành này còn có thể làm hướng dẫn viên du lịch với mức lương khá cao, mới ra trường có thể nhận lương vài trăm USD”, ông Hiển nói.

Ngoài ra, tâm lý cũng là một trong những ngành có vị trí việc làm khá đa dạng và phong phú. Có thể trở thành giáo viên giảng dạy tâm lý học, chuyên viên tham vấn tâm lý trong các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lý, hoặc làm nhân viên bộ phận nhân sự, tiếp thị, quảng cáo, nghiên cứu thị trường… trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp các lĩnh vực xã hội khác nhau. Chưa kể SV ra trường còn có thể làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học, cơ quan pháp luật, điều tra tâm lý tội phạm.


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/chon-nganh-nghe-nao-724539.html