Quốc học Huế là trường chuyên nổi tiếng trên toàn quốc với chất lượng giáo dục hàng đầu Việt Nam. Vậy về những học sinh chuyên Anh của trường này thì như thế nào? Để biết rõ được điều này thì ngày hôm nay, Kênh tuyển sinh sẽ giới thiệu với bạn về một nam sinh chuyên Anh trường Quốc học cũng như chiến thuật giành 9.0 IELTS của chàng trai này nhé!
1. Giới thiệu về chàng trai gốc Huế - Nguyễn Lê Đăng Khoa
Nguyễn Lê Đăng Khoa hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đăng Khoa cho biết, năm lớp 8 cậu mới bắt đầu học tiếng Anh một cách nghiêm túc. Nhưng Khoa gặp không ít khó khăn, khó tiếp thu vì từ vựng và lượng kiến thức quá rộng. Để cải thiện dần, Khoa thường xuyên tạo môi trường tiếp nhận tiếng Anh qua video và luyện đề.
Nam sinh cũng chia sẻ, nhờ có cơ hội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh nên rèn được thói quen luôn luyện tập liên tục để không mất đi độ nhạy trong kỹ năng làm bài. “Khi làm nhiều đề và bài tập, em có thể nhận ra bản thân đang yếu ở dạng bài cụ thể nào và tập trung làm dạng bài đó, cải thiện số điểm”.
Trước khi bắt đầu luyện IELTS, Khoa cho rằng cần phải đánh giá bản thân đang ở mức độ nào để , chọn tài liệu và đưa ra kế hoạch ôn tập phù hợp ,tránh tình trạng học khó quá dễ nản.
Chiến thuật đạt 9.0 trong 2 kỹ năng của nam sinh Quốc học Huế
2. Kinh nghiệm chinh phục 8.5 IELTS
Đối với kỹ năng Writing (Viết), Khoa sử dụng phương pháp phân loại để học và làm bài. “Muốn làm bài viết tốt hơn cần có kiến thức xã hội rộng nên em đã phân loại thành chủ đề lớn như môi trường, giáo dục, pháp luật,... Sau đó tìm các video minh họa liên quan từ Vox, BBC, Tedx, mở phụ đề (caption) ghi chú lại từ vựng, đồng thời chép lại các kiến thức liên quan về chủ đề đó”, Khoa nói.
Sau khi đã ghi chú lại, Khoa thực hành tập viết theo các dạng bài, vừa học được từ mới chuyên ngành liên quan, vừa có kiến thức nền mỗi khi tập viết hoặc ôn thi.
Bên cạnh đó, Khoa còn tìm hiểu về các tiêu chí chấm điểm bài thi Writing như: Task response/achievement (cách triển khai, ý tưởng); Coherence and cohesion (cấu trúc bài, tính mạch lạc, liên kết giữa các phần); Lexical resources (cách sử dụng từ vựng, diễn giải từ); Grammatical range and Accuracy (cách sử dụng ngữ pháp, cấu trúc câu).
“Bạn phải nắm chắc được mỗi tiêu chí yêu cầu những gì mới có thể đáp ứng được. Giả sử, trong Task response, cần phải phát triển đủ ý và các dẫn chứng, luận điểm liên quan một cách đồng đều mới có thể đạt được điểm cao cho tiêu chí này”.
Còn kỹ năng Listening (Nghe), Khoa học song song cùng kĩ năng Writing qua việc xem nhiều video, đọc tài liệu theo các chủ đề. “Em cố gắng tạo môi trường như đang thi thật, chuẩn bị tai nghe riêng và một căn phòng yên ắng. Và in bài kiểm tra ra, làm bài với bút chì để khi đi thi không bị bất ngờ hay lạ lẫm”.
Để luyện tập kỹ năng Reading (Đọc), Khoa phân loại thành các dạng bài tập và tìm ra điểm yếu của bản thân luyện tập thường xuyên. Đối với cậu các bài đọc cũng chính là nguồn từ vựng, kiến thức phong phú để học và bổ trợ thêm cho các kỹ năng khác.
Đặc biệt, đối với 2 kỹ năng Writing và Speaking, Khoa cho rằng nên ôn tập cùng bạn bè hoặc các anh chị, thầy cô đi trước đã có kinh nghiệm thực chiến IELTS để được góp ý khách quan.
Khoa cũng đưa ra một số gợi ý về tài liệu ôn IELTS chia theo từng mức như: Trình độ cơ bản (2.5-4.0) có thể sử dụng cuốn Destination B1 cho ngữ pháp và từ vựng; Trình độ trung cấp (4.5-6.0) có các cuốn sách Mindset for IELTS, Collins for IELTS; Mức độ cao hơn (6.5+) có sách Mindset 3 for IELTS cùng với các bài kiểm tra của bộ Cambridge.
3. Những lưu ý và lỗi sai hay gặp trong bài thi IELTS
Trải qua thời gian ôn tập và thi, Khoa nhận ra có một vài lỗi sai các bạn dễ gặp phải. Ví dụ trong phần Writing, mọi người thường cố gắng đưa những từ khó, hàm ý học thuật cao.
“Nhưng từ vựng chỉ chiếm 1/4 tổng số điểm, khi cố gắng sử dụng những từ cao hoặc khó sẽ có thể ảnh hưởng đến độ liên kết logic của bài. Thậm chí bạn có thể dùng sai nghĩa khiến cho luận điểm yếu đi hay sai dạng từ dẫn tới ngữ pháp không đúng”, Khoa chia sẻ.
Vì thế, nam sinh nghĩ rằng khi thi Writing hãy sử dụng những từ vựng vừa phải nhưng chắc chắn về mặt ngữ nghĩa. Bên cạnh đó, tập trung vào độ đa dạng ngữ pháp và tính liên kết của bài.
Với phần thi Speaking trong IELTS, theo Khoa nếu như bị giám khảo ngắt giữa câu thì thường là vì đã hết thời gian. Phản ứng đầu tiên của nhiều người là sẽ lo lắng, dẫn tới nói không được trôi chảy. Nếu gặp tình huống này, theo Khoa cần giữ bình tĩnh và nhớ rằng, giám khảo sẽ không trừ điểm sự cắt ngang đó. Sau đó thực hiện tốt phần nói còn lại.
Ngoài ra, Khoa chia sẻ, cậu học tốt hơn khi cố truyền tải kiến thức lại cho các bạn khác. “Đây là cách em luôn trau dồi kiến thức, khi chỉ cho người khác, bản thân cũng học lại kiến thức lần thứ hai, thứ ba với mức độ sâu và đi vào bản chất hơn. Nhờ các kinh nghiệm đi dạy thêm, hỗ trợ các bạn nhỏ mà em đã nắm chắc hơn các kỹ năng và quy luật bài thi”.
Nam sinh cũng nhấn mạnh rằng, để học IELTS hiệu quả hơn nên có người bạn học cùng, tạo thêm động lực học. “Khi có bạn cùng tiến, quá trình học sẽ đỡ nản vì có người cùng đồng hành và cùng luyện tập kỹ năng Speaking và Writing tốt hơn. Áp dụng mô hình peer-to-peer learning (học từ bạn)”.
> Lộ trình 6 bước tự học IELTS cùng cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân
> Hành trình tự học TOEIC đạt 980 điểm của nam sinh ngành Quản lý đất đai
Theo Việt Nam Net