Trong khi các giám đốc và trưởng nhóm thường chia sẻ quan điểm về biểu hiện của nhân viên cũng như khả năng đáp ứng kỳ vọng trong suốt kỳ đánh giá, thì quá trình tự đánh giá lại cho phép các nhân viên trao đổi về những gì họ nhìn thấy như các dự án quan trọng đã hoàn thành, chia sẻ về việc trang bị kỹ năng và kỹ thuật mới cho nhu cầu công việc và nhắc nhở nhà tuyển dụng về những công việc tuyệt vời nhất mà họ từng thực hiện kể từ lần đánh giá trước đến nay.
Tự viết nên một bản đánh giá cá nhân là việc làm khá khó khăn với nhiều nhân viên. Mặc dù họ chính là người biết về bản thân và công việc của mình tốt hơn bất cứ ai, đôi khi họ cũng phải đấu tranh mạnh mẽ mới có thể tóm tắt mọi thông tin về quá trình làm việc một cách khách quan chứ không mang vẻ tự đề cao.
Dưới đây là một vài bí quyết giúp bạn thực hiện nhiệm vụ đánh giá dễ dàng hơn:
Hãy tự hào
Mục đích chính của việc tự đánh giá là làm nổi bật các thành tích của bạn. Mọi nhân viên đều cần điểm rõ những nhiệm vụ và dự án cụ thể mà nó là “nét son” đẹp nhất trong quá trình làm việc vừa qua. Khi miêu tả, bạn nên chắc rằng mình đã nhấn mạnh tác động của từng thành tựu lên toàn thể hoạt động của doanh nghiệp, để chứng minh cho công ty thấy rằng các công việc của mình giá trị như thế nào.
Julie Rieken, CEO của công ty kiểm định phần mềm Trakstar, lưu ý thêm rằng nhân viên nên kết nối hành động của họ với mục tiêu của người quản lý. “Nếu cấp trên của bạn muốn đạt được một con số nhất định, hãy chia sẻ bạn đã đóng vai trò như thế nào trong việc đạt được con số đó. Những thành tựu người tự đánh giá liệt kê ra phải luôn gắn với các mục tiêu của doanh nghiệp.”
Hãy trung thực
Trung thực là một khía cạnh quan trọng khác của việc viết tự đánh giá. Thường thì các sếp đã biết khá rõ về những công việc trong công ty được thực hiện tốt, thế nên cố gắng làm nổi bật những nhiệm vụ hay dự án bạn làm ổn, thay vì làm rất tốt, sẽ không có tác động nhiều.
Trung thực cũng có nghĩa là chỉ ra vài điều cần phải được cải thiện. Timothy Butler, thành viên cấp cao và là giám đốc chương trình phát triển nghề nghiệp tại Harvard Business School, đã khuyến người lao động nên sử dụng ngôn ngữ phát triển (developmental language) khi nêu lên các lĩnh vực mình cần phải cải thiện.
Butler chia sẻ với Harvard Business Review, “Bạn sẽ không muốn nói ‘Đây là nơi tôi thực sự vấp ngã’. Mà thay vào đó hãy nói, ‘Đây là các mảng tôi muốn làm tốt hơn. Nó là những điều tôi đã học hỏi được. Nó là những gì chúng ta nên hướng đến.’”
Hỏi về các cơ hội phát triển nghề nghiệp
Butler cũng khuyến khích các nhân viên sử dụng hoạt động tự đánh giá là lúc để hỏi sếp về những cơ hội phát triển nghề nghiệp. Cần làm điều này ngay cả khi công ty không yêu cầu bạn làm, bởi vì nếu không hỏi thì nó sẽ không xảy ra. Bằng cách thể hiện mối quan tâm, bạn đã đặt vào tâm trí người quản lý rằng mình rất nhiệt huyết với công việc, theo đó nhiều khả năng họ sẽ để mắt đến và dành các nhiệm vụ, sự phân công hoặc triển vọng đào tạo phù hợp cho bạn.
Hãy chuyên nghiệp
Cuối cùng, bạn cần nhớ rằng mình phải luôn chuyên nghiệp khi viết bản tự đánh giá. Điều này có nghĩa là nên tránh hành động xem đây như cơ hội để phê phán kỹ năng lãnh đạo yếu kém của sếp hay chỉ trích đồng nghiệp rồi khiến cho cuộc sống văn phòng trở nên khó khăn hơn.
Giữ tính chuyên nghiệp cũng có nghĩa là đưa ra những đánh giá với sự quan tâm đúng mực, đầu tư cho nó như bất cứ dự án quan trọng nào mà bạn phụ trách. Dominique Jones, giám đốc quản lý về con người của Halogen Software, đã tư vấn rằng bạn nên hành động với những đợt đánh giá như một tác phẩm nghệ thuật được xây dựng theo thời gian. Bạn sẽ hạnh phúc hơn với kết quả cuối cùng nếu bạn đã dành thời gian để phản ánh và cẩn thận thực hiện bản tự đánh giá của chính mình. “Sử dụng các ví dụ để làm rõ những lời khẳng định và luôn rà soát lại mọi giấy tờ nhằm chắc rằng mình trình bày đúng chính tả,” Jones viết trong một bài blog. “Đó là tất cả dấu hiệu cho thấy bạn nghiêm túc và xem nó quan trọng với mình thế nào khi bắt tay thực hiện quy trình đánh giá.”
Nguồn: Business News Daily