Trường ĐH chỉ mới quan tâm đào tạo cái mình có

Đó là nhận định của phần lớn các doanh nghiệp khi giải thích lý do sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc trong thực tế.

Theo thống kê, hiện có khoảng 50% sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm không đúng với ngành nghề đào tạo. Theo các đại biểu tham gia  hội thảo “Hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và địa phương” do Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tổ chức tuần qua, nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có sự gắn kết hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

 

hoc nghe, dao tao, ky nang mem, sinh vien, truong dai hoc, doanh nghiep, nhu cau xa hoi, tirnh do dai hoc, sinh vien tot nghiep, that nghiep, thanh nien

 

Theo các doanh nghiệp, nếu có sự hợp tác tốt thì các doanh nghiệp không phải mất chi phí đào tạo lại, sinh viên cũng không phải mất thời gian để “bơi” sau khi tốt nghiệp. Bởi hầu hết sinh viên ra trường chỉ nắm về lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tế, phải mất vài năm mới tiếp cận được công việc.

Ông Phạm Đức Thành, Giám đốc Chi nhánh MobiFone Kon Tum, dẫn chứng: “Một sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng tốt nghiệp loại khá nhưng khi được phỏng vấn cách thức rút tiền, thanh toán thanh khoản... lại không đưa ra đúng quy trình. Điều đó cho thấy sinh viên vẫn chưa nắm và chưa có kinh nghiệm thực tế nên doanh nghiệp rất khó tuyển dụng được người đáp ứng ngay công việc”.

Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kon Tum, cho rằng nhiều sinh viên ra trường dù được trang bị tốt kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nhưng vẫn bối rối với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Số sinh viên đáp ứng ngay với công việc rất ít. Nhiều sinh viên phải đi làm trái ngành nghề đào tạo. Nguyên nhân là do đa số các trường đại học mới chỉ quan tâm đào tạo cái mình có, theo chỉ tiêu mà chưa chú trọng cả về số lượng, chất lượng, ngành nghề theo nhu cầu xã hội và doanh nghiệp.

Trường cần định hướng đào tạo theo nhu cầu

Theo ông Phương, các trường đại học cần có sự phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương để nắm nhu cầu, có chương trình mời các cán bộ doanh nghiệp có năng lực thực tế, trình độ, kiến thức, kinh nghiệm tham gia giảng dạy một số học phần, chuyên đề phù hợp, giúp gắn chặt giữa lý thuyết với thực tế. Nhà trường cần bố trí nhiều thời gian cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp để hiểu, vận dụng lý thuyết vào thực tế công việc.

Theo tiến sĩ Đoàn Gia Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), phải tăng cường hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp, địa phương.  Điều này không những giúp nhà trường có những thay đổi bền vững chương trình, nội dung đào tạo, phù hợp với thực tiễn cuộc sống mà còn giúp việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học đi đúng hướng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây.

Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: Thanhnien