TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC
Các trường đại học và học viện cần được đặt làm trọng tâm của các chính sách cải cách, bởi tương lai nền kinh tế đất nước phải dựa vào nghiên cứu, cải cách, công nghệ và nguồn nhân lực được đào tạo tốt. Rõ ràng, cuộc "khủng hoảng đại học” đang phơi bày những điểm yếu trong hệ thống giáo dục của ta.
Tại hội nghị Giáo dục đại học (GD ĐH) tuyển sinh 2013 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều chuyên gia đã điểm mặt những tiêu cực, trì trệ khiến chất lượng GDĐH cứ mãi tụt dốc. Cùng ngày, một hội nghị do Liên hiệp Các hội KH&KT Viêt Nam (VUSTA) cùng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (VIPUA) tổ chức cũng đã phân tích những bất cập từ góc độ chính sách với GD ĐH ngoài công lập
Những háo hức về việc ào ạt mở trường ĐH gần đây đang dần qua đi trước vấn đề nan giải chất lượng chưa tương xứng của nhiều trường, sản phẩm đào tạo bị chê kém chất lượng. Một lần nữa các chuyên gia, nhà quản lý đang xem xét lại những mặt được, chưa hoặc không được để tìm lời giải mới cho hướng phát triển nhân lực cao.
Quy mô to nhưng khoảng cách lớn
Hiện nay, không có nhiều trường ĐH thành lập mới nữa. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong năm 2012 có 23 trường ĐH ra đời. Trong đó chỉ có 3 trường thành lập mới và đều là trường tư thục. Còn lại là các trường được nâng cấp từ bậc thấp hơn. Hà Nội là địa phương có nhiều trường được thành lập nhất, gồm 5 trường, trong đó có 4 trường là trường công lập được nâng cấp. Việc thành lập trường ĐH không dễ dàng vì duy trì hoạt động với tình hình hiện nay là một việc khó. Người học không còn hướng tới việc đạt mục tiêu vào ĐH mà hướng tới chất lượng học tập. Để thu hút học sinh vào học đang là vấn đề rất lớn. Trường ĐH lập ra phải có uy tín, chất lượng thì mới tuyển sinh được.
Tại diễn đàn hội nghị GD ĐH, Bộ GD&ĐT thừa nhận thời gian qua quy mô đào tạo tăng nhanh nên các điều kiện đảm bảo chất lượng không theo kịp. Các trường chậm đổi mới nội dung chương trình đào tạo, chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn. Phương pháp giảng dạy ở các trường còn nặng truyền đạt một chiều, thụ động.
Nhấn mạnh các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn hạn chế, Bộ cho biết kết quả rà soát đào tạo thạc sĩ năm 2012 có 161/1.002 ngành, chuyên ngành, thuộc 50 cơ sở đào tạo không đảm bảo điều kiện. Nhiều cơ sở đào tạo đã liên kết đào tạo thạc sĩ tại địa phương trái với quy định, không đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng. Chính vì chất lượng đào tạo yếu kém, từ giáo viên tới giáo trình, cơ sở vật chất đều xuống cấp nhiều năm nên sinh viên ĐH, cao học xuống dốc về trình độ khoa học, kiến thức chung, tinh thần và tư duy cũng xuống.
Đặc biệt, yếu kém trong công tác quản lý hệ đào tạo không chính quy dẫn đến đào tạo chất lượng thấp là nguyên nhân khiến cho các địa phương và người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng. Các trường này chủ yếu tuyển sinh các ngành dễ dạy, dễ học, ít phải đầu tư cơ sở vật chất, không phải thí nghiệm thực hành. Số trường đào tạo ĐH chiếm trên 80% so với tổng quy mô đào tạo không chính quy.
Trong khi đó, phần lớn các trường vẫn quan tâm tới việc tuyển đủ chỉ tiêu, chạy theo số lượng hơn chất lượng đào tạo. Với những trường ngoài công lập đã tuyển ở mức điểm sàn giờ lại xin hạ điểm dưới điểm sàn. Nếu khi vào học lại không sàng lọc được thí sinh ngay năm học đầu tiên, khó có thể lấy được lòng tin của xã hội.
Với các trường đảm bảo uy tín luôn có sự sàng lọc rất kỹ, như ĐH Bách khoa Hà Nội tiến hành sàng lọc nhiều trong quá trình đào tạo. Luật GDĐH có hiệu lực từ năm nay đưa vấn đề kiểm soát chất lượng và kiểm định chất lượng là một yếu tố quan trọng. Dù bằng cấp được Bộ công nhận như nhau, khoảng cách chất lượng đào tạo của các trường vẫn khá xa. Đó là ở trường thực dạy, giữa bằng cấp và cái thực biết gắn với nhau. Với trường kém dạy, bằng cấp vô nghĩa vì người học gần như vô dụng. Do đó, các nhà đầu tư buộc phải thận trọng trong việc thành lập trường.
Bí quyết của chất lượng cao?
Một trong các giải pháp mà Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện trong năm 2013 là siết chặt kỷ cương, tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng. Bộ sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh vừa học vừa làm, liên thông chính quy. Cụ thể, chỉ tiêu vừa học vừa làm còn 50% tổng chỉ tiêu đào tạo; chỉ tiêu liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy của nhà trường.
Ở lĩnh vực đào tạo sau ĐH, Bộ cũng tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế, xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ theo hai hướng nghiên cứu và ứng dụng; rà soát chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; nâng cao chất lượng luận văn, luận án thông qua quy trình đăng ký công khai, minh bạch. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, dừng tuyển sinh đào tạo đối với các ngành, chuyên ngành không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng; tiếp tục triển khai thẩm định luận án tiến sĩ, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
"Cần phải thay đổi một cách thực sự trong nhận thức và sau đó cụ thể thành hành động việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển dựa trên số lượng, quy mô sang tăng trưởng dựa trên chất lượng và hiệu quả” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định.
Trong xu thế đó, chỉ có những trường hội đủ các yếu tố cần thiết cho giảng dạy và nghiên cứu, bắt kịp nhu cầu xã hội là có những cơ may thành công. Các trường ĐH công có thương hiệu lâu nay hội đủ hầu hết các yêu cầu, như chất lượng đội ngũ giảng viên, thành tích nghiên cứu khoa học ngày càng cao, hạ tầng cơ sở vật chất tốt. Tuy nhiên, họ cũng vấp phải thách thức là thói quen chạy theo số lượng và tình trạng "liên kết” quá đà. Còn những thách thức đối với khối đào tạo ngoài công lập là thành tích nghiên cứu nghèo nàn, cơ sở trang thiết bị kém và nỗi đau "mất giá tuyển sinh” chưa nguôi ám ảnh.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo báo Đại Đoàn Kết