Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

chat_luong_dai_hoc_con_yeu_kem

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Hà.


Chất lượng giáo dục đại học còn yếu kém\'

"So với nhu cầu hiện đại hóa đất nước, chất lượng giáo dục đại học còn yếu kém. Chính vì vậy Đảng ra chỉ thị phải đổi mới căn bản và toàn diện bậc học này", Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội.

 

8h sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn về chất lượng giáo dục đại học, việc nở rộ đại học, cao đẳng, thi tốt nghiệp THPT, chính sách với giáo viên mầm non...

 

Trước thực trạng ngày càng nhiều học sinh đi học nước ngoài trong khi các trường trong nước không tuyển đủ sinh viên, đại biểu Phan Văn Tường đặt câu hỏi phải chăng do chất lượng giáo dục đại học yếu kém?

 

Cùng chung bức xúc, đại biểu Lê Nam cho rằng đầu vào đại học khá dễ và cứ vào đại học là "tất yếu đến hẹn sẽ ra" với tỷ lệ bằng khá giỏi nhiều. "Chất lượng đào tạo thấp, nhiều trường cung cấp hàng giả, hàng nhái. Vậy Bộ trưởng có biện pháp gì? Có thể bỏ bớt một kỳ thi để nâng cao chất lượng và giảm bớt tiền của?".

 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, theo thống kê từ năm 2006 tới 2011, 84 trường đại học được thành lập, trong đó thành lập mới 33 trường và nâng cấp 51 trường từ CĐ lên ĐH (trong đó có 59 trường công lập, 35 trường tư thục). Hiện cả nước có 202 trường đại học và 218 cao đẳng. Càng ngày Bộ càng thắt chặt việc mở mới các trường.

 

"Việc không tuyển đủ sinh viên không phải chỉ năm nay mà trong những năm vừa rồi một số trường cũng không tuyển đủ. Nguyên nhân một số ngành học mặc dù có nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội nhưng do đầu ra không đảm bảo nên khó tuyển, ví dụ: sư phạm, nông lâm...", ông Luận cho hay.

 

Bộ trưởng dẫn ra hàng loạt lý do, như nhà đầu tư của một số trường, nhất là trường mới thành lập không thực hiện nghiêm việc đảm bảo chất lượng, thiếu thầy cô, trường lớp khiến không tuyển đủ sinh viên. Cộng với việc mở ngành tràn lan, giống nhau nên trường nào cũng có ngành kế toán, tài chính ngân hàng... làm phân tán nhu cầu học. Rồi việc thực hiện 3 công khai giúp người học tìm hiểu rõ chất lượng của trường... nên nhiều người từ chối những trường, ngành, lĩnh vực không đảm bảo chất lượng.

 

"Đi học nước ngoài, không phải giờ mới có mà từ nhiều năm trước. Cha ông chúng ta cũng đưa người trẻ đi học ở nước ngoài. Khi mở cửa, việc đưa con cháu đi học nước ngoài cũng là dấu hiệu đáng mừng của thời đổi mới", người đứng đầu ngành giáo dục cho biết thêm.

 

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Nam, ông Luận cho hay, xếp hạng sinh viên là việc của các trường nhưng phải theo quy định của Bộ. Để giải quyết chất lượng đầu ra thấp, Bộ sẽ chú ý tăng cường kiểm tra, đưa kiểm định chất lượng vào các trường. Và ông Luận cho rằng, việc gắn thương hiệu, uy tín của trường với văn bằng mà trường phát ra sẽ giúp giải quyết tình trạng này.

 

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cũng phải thừa nhận: "So với nhu cầu hiện đại hóa đất nước, chất lượng giáo dục đại học còn yếu kém. Chính vì vậy Đảng ra chỉ thị phải đổi mới căn bản và toàn diện bậc học này".


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Tienphong)


Bài: Chất lượng đại học còn yếu kém