Sự kiện: Giáo dục / tuyển sinh / tỉ lệ chọi / diem thi dai hoc


Hội thảo do Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam GS. NGND Phan Huy Lê chủ trì, với sự tham dự của GS. Đinh Xuân Lâm, ông Dương Trung Quốc, GS Vũ Dương Ninh, GS Đỗ Thanh Bình và nhiều giáo sư đầu ngành, cùng các giáo viên chuyên sử ở trường phổ thông trong cả nước góp mặt.

Trước thực trạng vị thế của môn Lịch sử hiện nay đang bị xã hội xem nhẹ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đứng đầu là GS. NGND Phan Huy Lê (một trong tứ trụ của nền Sử học Việt Nam) đã không kìm được sự bức xúc khi nói rằng, chừng nào môn Sử chưa xác lập đúng vị thế thì chừng đó vẫn còn có những chuyện xé đề cương Sử như vừa qua.

Sự  khô cứng của SGK đã chiếm chỗ sinh động của Lịch sử

Các chuyên gia một lần nữa khẳng định môn học Lịch sử trong nhà trường phổ thông là tối cần thiết đối với sự hình thành lòng yêu nước, yêu dân tộc. Môn Lịch sử là một trong những môn không bao giờ được xem nhẹ, bất kể trong hoàn cảnh nào và trong thời đại nào, lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó.
Cấu trúc nào cho sách giáo khoa Lịch Sử? - Ảnh 1

GS Vũ Dương Ninh ví von nội dung SGK giống như “trói voi bỏ rọ”, thậm chí ở nhiều chỗ trong sách tác giả đành đưa khái niệm để thay thế cho sự kiện, đưa lí thuyết chung để thay thế cho thực tiễn lịch sử. Ảnh Xuân Trung


GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội, ủy viên đoàn chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) cho biết, hiện đang tồn tại các ý kiến cho rằng SGK đang nặng và học sinh học đang “chán”. Quan điểm của ông cho rằng SGK Lịch sử hiện nay nhấn mạnh quá nhiều vào việc cung cấp kiến thức mà coi nhẹ các mục tiêu khác, nhưng ngay cái kiến thức được coi trọng ấy cũng không đạt được mục tiêu của môn học. Vì sao? Theo GS Ninh đó là do khi vận dụng vào chương trình và SGK chúng ta quá tham, thấy không thể bỏ được điều này, điều kia, do vậy học sinh vẫn phải tiếp nhận một khối lượng rất nhiều, rất phức tạp các sự kiện và trở nên rối rắm hơn.

Nhiều ý kiến thẳng thắn nói rằng, hiện SGK Lịch sử của chúng ta nội dung truyền tải quá ít, quá ngắn và không hấp dẫn. GS Vũ Dương Ninh lại ví von nội dung SGK giống như “trói voi bỏ rọ”, thậm chí ở nhiều chỗ trong sách tác giả đành đưa khái niệm để thay thế cho sự kiện, đưa lí thuyết chung để thay thế cho thực tiễn lịch sử. Do vậy, cái khô cứng của sách đã chiếm chỗ sinh động của lịch sử, như vật thì học sinh không thể không chán học.

Cấu trúc nào cho sách giáo khoa Lịch Sử? - Ảnh 2
PGS. TS Đỗ Bang nhận định, đây không những có lỗi của người lớn mà còn cả hệ thống. Ảnh Xuân Trung

Với những quan điểm trên, PGS. TS Đỗ Bang – Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng bày tỏ, SGK Lịch sử hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh sợ học sử. PGS Bang nhận định, đây không những có lỗi của người lớn mà còn cả hệ thống. Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm trước xã hội về sự sa sút của môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay.

Mọi vấn đề trong SGK Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay đều đi chậm và không được cập nhật những kiến thức mới. Cụ thể, hình minh họa trong SGK Lịch sử chỉ có hai loại bản đồ và ảnh vừa xấu vừa ít, hình ảnh mờ, nhòe, không diễn tả được nội dung, đem lại sự khó chịu, phản cảm cho người đọc, còn lại là những trang chữ dày đặc. Ngay từ hình thức SGK Lịch sử đã thiếu hấp dẫn cả người dạy lẫn người học, trong khi đó sách Địa lí (là hai môn có sự tương thích lẫn nhau) ngoài bản đồ còn có biểu đồ, sơ đồ, mô hình,...Đây cũng là nguyên nhân có sự phân hóa học sinh lớp 12 trong việc chọn khối, ngành và môn thi vào đại học và là sự phản ứng tức thời của học sinh lớp 12 sau khi Bộ bỏ môn thi Lịch sử năm nay.

Đồng quan điểm, GS. NGND Phan Huy Lê khẳng định: “Lịch sử là một dòng chảy không ngừng, nếu cắt đoạn lịch sử ra từng 5 năm theo nhiệm kỳ đại hội thì không còn là lịch sử nữa và cuốn SGK sẽ không còn là SGK lịch sử. Vì lịch sử có quá trình vận động theo quy luật của nó, có thời gian, có không gian, con người, sự kiện. SGK này đã không thể hiện đúng là một SGK lịch sử với tiêu chí của nó”.

Cấu trúc nào cho SGK Lịch sử?

Một trong những nội dung được các chuyên gia mổ xẻ nhiều nhất là xác định vị trí, cấu trúc nội dung thể hiện trong SGK Lịch sử ở trường phổ thông. Nội dung đó được GS. Vũ Dương Ninh đề nghị là “nguyên tắc cấu trúc” của chương trình và SGK, đi theo nguyên tắc đồng tâm, đường thẳng hay kết hợp cả hai?

Theo GS. Vũ Dương Ninh ở bậc tiểu học hầu hết ý kiến đều tán thành xu hướng tích hợp giữa lịch sử, địa lí, giáo dục công dân; thiết kế chương trình lịch sử dưới dạng câu chuyện lịch sử, các truyền thuyết dân gian, các nhân vật lịch sử cùng biến tích, công trạng và tài năng của họ, các địa danh lịch sử và văn hóa từ đất liền tới hải đảo.

Cấu trúc nào cho sách giáo khoa Lịch Sử? - Ảnh 3
Hội thảo quy tụ nhưng chuyên gia đầu ngành của giới sử học Việt Nam. Ảnh Xuân Trung
Đó là cấp tiểu học, tuy nhiên ở cấp THCS và THPT sẽ có những giải pháp khác nhau để thực hiện. Một trong những giải pháp đó là chương trình đều đi từ cổ đại đến hiện đại theo vòng đồng tâm với hai hướng tiếp cận khác nhau: ở cấp THCS tiếp cận ở góc độ lịch sử văn minh thế giới và văn hóa Việt Nam; ở cấp THPT tiếp cận từ góc độ lịch sử chính trị- kinh tế, xã hội thế giới và Việt Nam.

Việc chọn giải pháp nào để thực hiện có ý nghĩa quyết định đến phương hướng xây dựng chương trình và viết SGK, vì vậy cần được xác định rõ ràng ngay từ đầu. Nếu theo phương án phân ban ở bậc THPT thì cần phải bàn thảo cụ thể hơn” GS. Vũ Dương Ninh nêu quan điểm.

Ở góc nhìn khác về SGK Lịch sử, PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ và các cộng sự tại Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cấu trúc của SGK Lịch sử hiện nay chủ yếu vẫn theo Chương – Bài. Cấu trúc các chương khá giống nhau, bài đầu tiên của chương đa phần là bài khái quát. Trong sách còn có một số thuật ngữ trừu tượng, nội dung ôm đồm, nặng nề. Một số thuật ngữ, số liệu, sự kiện thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng của môn học hoặc giữa một số môn, dung lượng một số bài chưa phù hợp với thường lượng dạy, chưa tạo điều kiện tốt nhất để học sinh học độc lập.

Cấu trúc nào cho sách giáo khoa Lịch Sử? - Ảnh 4
PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, cấu trúc của SGK Lịch sử cần thể hiện được xu hướng chung của SGK so với các nước. Ảnh Xuân Trung
Nước ta chưa có mô hình tổng thể thống nhất của bộ SGK, ngay cả với những môn học cũng chưa có một mô hình thống nhất về cấu trúc và cách thể hiện SGK ở từng cấp học trong khi SGK điện tử chưa có điều kiện thực hiện”.

Vẫn theo PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, cấu trúc của SGK Lịch sử cần thể hiện được xu hướng chung của SGK so với các nước. Một bài giảng có thể hình tượng hóa bằng phim, sách và cho học sinh đi thăm bảo tàng để tăng tính trực quan môn học.

Ngoài tính trực quan, cấu trúc của sách phải được biên soạn theo định hướng phát triển năng lực người học, có thể viết dưới dạng chuyên đề, chủ đề. Cấu trúc cụ thể có thể có những phương án: Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới viết riêng; Lịch sử thế giới, lịch sử khu vực và lịch sử Việt Nam cùng trong một quyển; hoặc viết tổng hợp cả Lịch sử Việt Nam, lịch sử khu vực, lịch sử Việt Nam trong  một bài.

Phần kết thúc chương có tóm tắt các yêu cầu cơ bản hoặc ôn luyện, bổ sung tư liệu giúp học sinh mở rộng hiểu biết.

Cấu trúc nào cho sách giáo khoa Lịch Sử? - Ảnh 5
GS. TS Đỗ Thanh Bình – Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Cấp tiểu học trước mắt tích hợp với địa lí và giáo dục công dân, bỏ hẳn chương trình thông sử hiện hành, thiết kế một chương trình lịch sử dưới dạng các câu chuyện lịch sử. Ảnh Xuân Trung

GS. TS Đỗ Thanh Bình – Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, SGK Lịch sử cần có một chương trình phù hợp với độ tuổi và từng cấp học. Lấy ví dụ tại cấp tiểu học, theo GS Bình, chương trình lịch sử phải chú ý tới xu hướng tích hợp, trước mắt tích hợp với địa lí và giáo dục công dân, bỏ hẳn chương trình thông sử hiện hành, thiết kế một chương trình lịch sử dưới dạng các câu chuyện lịch sử…

Cấp THCS và THPT thiết kế chương trình theo thông sử (cả Việt Nam và thế giới), kết hợp giữa đường thẳng và đồng tâm. Đường thẳng ở hai đầu chương trình còn đồng tâm ở chỗ giao nhau giữa hai cấp học. “Sở dĩ vẫn duy trì một phần đồng tâm vì có những học sinh chỉ theo học hết lớp 9” GS Bình nhận định.

Với các cấu trúc này GS. NGND Phan Huy Lê nhận định đây chưa phải là những phương án cuối cùng, nhưng cũng đủ để nói lên cấu trúc của chương trình và SGK Lịch sử cần được thay đổi, thay đổi cả trong nhận thức và trong tư duy của xã hội. Vấn đề này Bộ GD&ĐT có đủ thẩm quyền để làm điều đó.

Theo Báo giáo dục