Theo Rosemary Haefner – PGĐ nhân sự của CareerBuilder, kỹ năng và trí thông minh là hai yếu tố quan trọng đối với người lao động. Nhưng trong điều kiện hiện nay, ngày càng nhiều người sử dụng lao động muốn có những nhân viên có khả năng độc lập giải quyết mọi vấn đề phát sinh, những tình huống căng thẳng và đồng cảm với nhu cầu của đồng nghiệp, khách hàng để tối ưu hóa lợi ích của họ cũng như của công ty. Điều đó khiến họ ưu tiên những ứng viên có chỉ số EQ cao.

 


Cách giúp bạn làm chủ tốt cảm xúc của mình ở nơi làm việc - Ảnh 1



Sau đây là cách giúp bạn rèn luyện chỉ số cảm xúc của mình nơi công sở



Kiểm soát cảm xúc

Theo cuộc khảo sát này, chủ đề được cho là khó nhất vẫn là việc kiểm soát cảm xúc trong mọi tình huống. GS Patricia Thompson, chuyên gia tư vấn tâm lý và quản lý doanh nghiệp ở Sperduto & Associates, Atlanta khuyên: “Để có thể giảm thiểu những phản ứng tiêu cực do căng thẳng, cho dù là trong cuộc họp ở công ty hay một buổi phỏng vấn xin việc, bạn cũng cần phải xác định nguyên nhân khiến bạn căng thẳng và từng bước hành động cụ thể để kiểm soát bản thân”. Nếu không nhận thức đúng vấn đề, rất có thể bạn sẽ có những hành vi không thể kiểm soát để rồi sau đó phải hối hận.

Thompson cũng gợi ý khi thấy mình bắt đầu có những phản ứng không tốt với mọi người xung quanh, hãy nghỉ ngơi một chút, hít thở thật sâu và đếm từ một đến mười để lấy lại bình tĩnh.



Tự nhận thức

Để điều tiết cảm xúc và tăng chỉ số EQ, bạn phải hiểu rõ thế mạnh cũng như điểm yếu của mình. Thompson cho rằng, bạn nên lập một danh sách những thế mạnh và hạn chế nổi trội, sau đó, bạn gửi danh sách này cho một vài người thân thiết và nhờ họ đánh giá thêm. Khi đã có sự thống nhất, bạn chọn ra hai hoặc ba điểm yếu quan trọng nhất để lên kế hoạch giải quyết chúng.

Nếu bạn ngày càng ý thức rõ hơn điểm yếu của bản thân và biết cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm đã mắc, bạn sẽ dễ dàng điều chế cảm xúc tại nơi làm việc một cách hiệu quả.



Lắng nghe

Theo khảo sát của CareerBuilder, kỹ năng lắng nghe cũng là một yếu tố nhà tuyển dụng xem xét để đánh giá chỉ số cảm xúc của ứng viên.

Theo Thompson, ứng viên có thể nâng cao kỹ năng lắng nghe bằng cách khi nghe người khác nói, bạn nên cố gắng nghe trên hai phương diện. Thứ nhất là lắng nghe để hiểu nội dung họ muốn truyền đạt, không làm gián đoạn câu chuyện của họ bởi những câu hỏi hoặc đánh giá của mình. Bạn nên để người ta chia sẻ hết những suy nghĩ, quan điểm của họ. Thứ hai, khi lắng nghe, hãy cố gắng hiểu những cảm xúc ẩn sau câu chuyện của họ, xem họ có cảm giác thế nào, họ coi trọng điều gì trong hoàn cảnh này và liệu bạn có đồng cảm với những xúc cảm của họ không…

Khi bạn lắng nghe người khác và thấu hiểu tâm tư của họ thực sự, bạn có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và giúp giải quyết xung đột có thể xảy ra, ngay cả khi các bạn bất đồng quan điểm.




Cách giúp bạn làm chủ tốt cảm xúc của mình ở nơi làm việc - Ảnh 2



Đồng cảm với đồng nghiệp

Với một số đồng nghiệp, sự đồng cảm của bạn đến một cách tự nhiên nhưng với nhiều người khác, bạn rất khó để chia sẻ, cảm thông. Thế nhưng, thực tế, không có gì là không thể, sự đồng cảm cũng có thể rèn luyện, phát triển mỗi ngày.

Thompson cho rằng, một số ứng viên rất khó đồng cảm và nắm bắt cảm xúc của mọi người. Với những người này, họ thường gặp khó khăn trong việc dự đoán phản ứng của người khác hoặc đôi khi, bạn không đủ nhạy cảm, nói những vấn đề động chạm đến họ hay vô tình xúc phạm đến đời tư của họ. Vì thế, bạn nên tìm cách chia sẻ, đồng cảm với đồng nghiệp, lắng nghe suy nghĩ, quan điểm của người ta và học cách chấp nhận cách nghĩ của người khác.

Nếu thực sự cảm thấy cần có người hướng dẫn về cách rèn luyện chỉ số EQ, Thompson cũng khuyên bạn nên tìm đến các chuyên gia, những người có thể giúp bạn hiểu hơn chính mình và về mọi người xung quanh.

 


Bí quyết kiềm chế cơn giận dữ nơi làm việc



Thực tế cho thấy sự giận dữ nơi công sở đang trở thành căn bệnh “quái ác” tồn tại song song với bệnh “tám chuyện”. Tuy nhiên hậu quả của “bệnh” giận dữ lại nặng nề hơn bệnh “tám chuyện” nhiều lần. Bởi sự giận dữ ở chốn công sở không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của tổ chức, đến năng xuất làm việc của tập thể, đến mối quan hệ giữa các nhân viên mà còn tổn hại đến sức khỏe của mỗi cá nhân. Đó là nguyên nhân phát sinh và phát triển các bệnh như trầm cảm, huyết áp cao và bệnh tim.

Học cách sống cùng căn bệnh này không phải là cách hay. Tốt hơn hết là tìm ra căn nguyên của bệnh và chế ra phương thuốc điều trị.




Cách giúp bạn làm chủ tốt cảm xúc của mình ở nơi làm việc - Ảnh 3



Nguyên nhân sinh ra sự giận dữ

Thông thường con người giận dữ khi họ không hài lòng về một vấn đề nào đó với những biểu hiện như đi đi lại lại, cau mày, cáu gắt và có phần hành xử thô lỗ. Sự giận dữ ở chốn công sở cũng có cùng nguyên nhân và biểu hiện trên.

Theo chuyên gia tâm lý Sarah thì có khoảng sáu nguyên nhân chính khiến các nhân viên văn phòng giận dữ đó là: Sếp (hoặc đồng nghiệp) hứa hẹn nâng đỡ, ủng hộ, khuyến mại một dự án quan trọng hoặc một vị trí cao hơn nhưng không thực hiện; bị vu oan hoặc phải chịu trách nhiệm về những việc mà mình không làm; được sếp kỳ vọng quá cao và bắt phải thay đổi liên tục để hoàn thành mong muốn của sếp; thường xuyên bị sếp chỉ trích nặng nề thậm chí là trước mặt các nhân viên khác; cảm thấy mình có tay nghề và khả năng cao hơn người quản lý nhưng vẫn không thể lên chức; và bị đối xử không công bằng đăc biệt là vấn đề tài chính (nhân viên khác được nhiều tiền lương hơn)…

Đó là những lý do chính khiến các nhân viên tức giận. Đôi khi sự tức giận có thể xuất phát từ các nguồn bên ngoài và “vác” đến công ty như: mất cân bằng cuộc sống, ly hôn, áp lực tài chính, mắc bệnh nghiêm trọng, gia đình lục đục,..tất cả những lý do đó cũng khiến sự giận dữ ở chốn công sở được đà tăng cao.



Phương thuốc điều trị




Cách giúp bạn làm chủ tốt cảm xúc của mình ở nơi làm việc - Ảnh 4



Nguyên liệu chính để bào chế nên thuốc điều trị sự giận dữ chính là sự kiềm chế và nhẫn nhịn. Theo Donald Gibson, giảng viên trường đại học Fairfield thì chiến lược kiểm soát sự giận dữ cũng khá đơn giản:

Thứ nhất, bạn không nên gom góp sự tức giận thành một khối bực bội trong lòng vì khi bạn tích trữ nhiều khó chịu, bạn sẽ là người ảnh hưởng đầu tiến sau đó là những đồng nghiệp khác. Giống như hiện tượng giọt nước làm tràn ly, nếu bạn cứ góp nhặt từng tí một thì chỉ cần một chuyện nhỏ cũng sẽ khiến tâm trạng bạn nổ tung.

Thứ hai, tránh những sự tức giận không đáng có. Điều này không có nghĩa là bạn dồn nén cảm xúc của mình mà đơn giản hãy suy nghĩ xem liệu việc đó có nên tức giận hay không và khi bạn biểu hiện sự bực bội ra bên ngoài nó có mang lại cho bạn lợi ích gì không hay chỉ làm mất hình ảnh của bạn trong mắt người khác.

Thứ ba, kiểm soát phản ứng vật lý của bạn để sự tức giận không có cửa phát sinh bằng cách ngủ đủ giờ, tập thể dục đều đặn và tránh các chất kích thích như rượu bia. Khi cơ thể khỏe mạnh đồng nghĩa với một tinh thần thoái mái, vui vẻ bạn sẽ có cách phản ứng thông minh hơn là tức giận và la hét với tất cả mọi người.

Thứ tư, luôn để cho tâm trạng thoải mái. Một câu thần chú mà bạn cần nhớ mỗi lần bạn định cáu gắt hay giận dữ về một điều gì đó là: “Nguôi giận nào! nguôi giận nào!” và sau đó nghĩ xem bạn có thể giải quyết được vấn đề hay không. Nếu được thì hãy giải quyết nó ngay bằng không hãy để cho nó qua. Đừng giữ mãi trong lòng, bạn sẽ luôn bị ám ảnh và sự giận dữ sẽ đeo đuổi bạn mãi mãi.




Cách giúp bạn làm chủ tốt cảm xúc của mình ở nơi làm việc - Ảnh 5



Cuối cùng, bạn hãy học cách ngăn cản sự tức giận không để nó có cơ hội bùng phát. Khi bạn bắt đầu cảm thấy “nóng mắt” về một vấn đề nào đó hãy thực hiện theo sáu bước sau: Hít sâu, thở ra từ từ; Lặp lại câu thần chú “nguôi giận nào!” hoặc “giữ bình tĩnh nào”; Đếm từ một đến mười; Tránh căng cơ bắp, thả lỏng cơ thể và nhắm mắt suy nghĩ; Nghe một bản nhạc yêu thích; Thay quần áo ngay khi bạn về nhà, đó là cách làm hiệu quả giúp bạn thay đổi tâm lý và trạng thái cảm xúc.

Với những phương thức điều trị trên cơn tức giận sẽ không có cửa để làm phiền đến công việc và cuộc sống của bạn. Giờ bạn đã có thể thoải mái lao động, thoải mái cống hiến và phát triển không cùng nỗi lo bị “bệnh” giận dữ “hỏi thăm”.

Theo Dân Trí