Chiều 15/08, tỉnh Cà Mau đã công bố kết quả bước đầu về công tác rà soát, sắp xếp trường, lớp học và giáo viên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hơn 1.400 giáo viên đang bị rà soát và có khả năng bị cắt hợp đồng nếu không đạt chất lượng.
> Học sinh THCS sẽ chính thức được miễn học phí vào năm học 2019
> Quảng Nam yêu cầu cán bộ, giáo viên cam kết không dạy thêm trái quy định
Xóa điểm trường lẻ, cắt hợp đồng giáo viên
Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, đến nay đã xóa được 148 điểm trường lẻ. Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm này, tổng số lớp sau khi sắp xếp lại, so với thời điểm cuối năm 2017 - 2018 đã giảm 691 lớp, tương ứng với 1.145 giáo viên.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, mục đích chính của địa phương rà soát, sắp xếp lần này để xóa những điểm trường lẻ không còn phù hợp, sắp xếp lớp trên cơ sở số lượng học sinh đã được tỉnh quy định là bình quân 33 đối với tiểu học, 42 đối với bậc THCS và THPT.
Cụ thể, tổng số lớp đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông quy đổi ra hệ số giáo viên tương ứng với từng cấp học, môn học. Sở GD&ĐT sẽ rà soát số biên chế được giao cho ngành để tiến hành sắp xếp đến từng trường học, bậc học, môn học cụ thể.
Theo người đứng đầu ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau, đây là dịp để rạn lọc lại đội ngũ, kể cả đối với giáo viên đang là viên chức. Trường hợp tới tuổi nghỉ hưu, sức khỏe kém phải sắp xếp lại. Trước mắt sẽ đảm bảo đủ giáo viên cho năm học 2018 - 2019.
“Sở sẽ đề xuất tiếp tục hợp đồng đối với những giáo viên được đào tạo bài bản, trẻ tuổi, triển vọng phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và đề xuất tổ chức thi tuyển viên chức bổ sung cho ngành giáo dục”, ông Nguyễn Minh Luân cho biết.
Ông Nguyễn Đức Thánh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, về 606 điểm trường lẻ, số lượng này phần lớn là do trước đây do là sông nước, đi bằng đường thủy khi giao thông đường bộ chưa phát triển. Đây cũng là điều kiện khách quan, sau khi điều kiện giao thông phát triển, kinh tế phát triển thì từ điểm lẻ không còn vài trò như trước đây.
"Tuy nhiên, có những điểm lẻ vẫn còn phù hợp. Chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh là không phải xóa hết 606 điểm lẻ, mà phải rà soát thật kỹ.
Đối với 1.405 giáo viên, tức là các địa phương tự ký hợp đồng thì không đúng quy định, nên xem xét xử lý cho đúng. Mình rà soát trong 1.405 giáo viên, nếu ai đạt chuẩn, chất lượng dạỵ tốt thì mình tiếp tục hợp đồng, sau đó tổ chức thi tuyển viên chức.
Một mặt thông báo và một mặt rà soát. Nếu có trường hợp không đảm bảo thì đến cắt hợp đồng vẫn đủ điều kiện cắt.”, ông Thánh nói.
Nỗi lo của các giáo viên
Trước thông tin hơn 1.400 giáo viên tại Cà Mau có thể bị chấm dứt hợp đồng, nhiều giáo viên đang mất ăn mất ngủ.
Cô Nguyễn Ngọc Trinh - Giáo viên trường Mầm non Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, lúc nghe tin cô tưởng như "sét đánh ngang tai". Cô Trinh cho biết, cô bắt đầu “gõ đầu trẻ” vào đầu năm 2013. Trong thời gian công tác, cô luôn cố gắng để giảng dạy tốt cho các em.
Năm 2017, cô Trinh là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, cô còn được chọn là 1 trong 2 giáo viên tiêu biểu của tỉnh Cà Mau được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2017. Dù vậy, cô Trinh vẫn là giáo viên trong diện hợp đồng.
Đứng trước ngưỡng cửa có thể mất việc, cô Trinh chia sẻ: “Khi nghe tin này mình rất buồn, buồn muốn rơi nước mắt luôn. Từ trước giờ công sức mình bỏ ra rất nhiều. Đồng lương nhận không được bao nhiêu nhưng vì sự yêu nghề, mến trẻ thôi. Bây giờ nếu hợp đồng bị cắt chưa biết làm gì…”
Hai vợ chồng cô Nguyễn Hồng Lạc - Giáo viên Trường THCS Khánh Hải I (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Hai vợ chồng cô Lạc về xã Khánh Hải dạy đã được 8 năm. Lương của hai vợ chồng tuy ít nhưng đủ để trang trải cuộc sống. Cứ ngỡ đã có công việc ổn định để lo cho hai đứa con nhỏ nhưng không ngờ cả hai vợ chồng cô lại nhận được thông tin bị cắt hợp đồng.
Cô Lạc cho biết, khi nhà trường phổ biến thông tin có cho biết dù cắt nhưng sau đó sẽ xem xét ký hợp đồng lại vì cả trường THCS Khánh Hải I chỉ có 2 vợ chồng cô dạy môn công nghệ. Nhưng cô vẫn băn khoăn vì không biết hợp đồng được ký lại thì ký như thế nào, có đảm bảo quyền lợi được cho giáo viên hay không.
“Hai vợ chồng tôi đều trong diện bị cắt hợp đồng. Chủ trương cắt hợp đồng vợ chồng tôi cũng đồng ý như các giáo viên khác. Nhưng sau khi cắt thì nghe sẽ hợp đồng lại, vậy hợp đồng lại như thế nào? Hợp đồng ở bậc lương hiện tại chúng tôi được hưởng hay hợp đồng mới chỉ 85% lương. Nếu hợp đồng lại chỉ 85% lương thì chúng tôi rất thiệt thòi", cô Lạc tâm sự.
Theo VietNamNet - Kênh Tuyển Sinh
> Đề xuất thi tốt nghiệp THPT riêng tại TP.HCM được đánh giá khả quan
> Lương thấp, số trẻ đông: Nỗi lo của những giáo viên mầm non tương lai