Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Cơm đủ no, nhưng không phải lúc nào cũng được ăn thịt
Thịt chuột trở thành món ăn "cải thiện" hàng ngày của các em học sinh người Mông thuộc diện nội trú xã vùng cao Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Là một trong ba xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, Kim Bon là địa bàn cư trú chủ yếu của người Mông và Người Dao. Tại trung tâm xã, có 3 điểm trường chính gồm mầm non, tiểu học và trung học. Ngoài ra còn có các điểm trường lẻ, điểm xa nhất cách trường tới 18 cây số. Do điều kiện đi lại khó khăn, nhiều học sinh cấp 1 và 2 phải ở nội trú và được gia đình chu cấp tiền, lương thực hàng tháng.
Mỗi tháng được "phát" vài chục nghìn đồng
Thào A Sênh đã học tới lớp 5 nhưng không thể nhớ mình bao nhiêu tuổi. Biết gia đình khó khăn nên: “Bố mẹ cho bao nhiêu chỉ biết lấy bấy nhiêu thôi!” – Sênh nói.
Sênh cho biết, số tiền nhận được hàng tháng từ gia đình thường chỉ vài chục nghìn đồng. Với ngần ấy tiền, việc duy trì bữa ăn đã khó, chuyện mua sắm quần áo hay những đồ dùng phục vụ sinh hoạt càng trở nên xa xỉ.
Thờ A Chang, 17 tuổi, đang học lớp 9 tại trường trung học cơ sở Kim Bon, thì khá khẩm hơn. Bản Đá Đỏ của Chang cách trường tới 10 cây số, thêm phần đi lại khó khăn nên ở nội trú là lựa chọn duy nhất để cậu học sinh người Mông được học văn hóa. Mỗi tháng từ 2 đến 3 lần về thăm gia đình và lấy thêm gạo nên Chang thường không phải chịu đói.
Số tiền mà gia đình Chang chu cấp đều đặn nằm trong khoảng 200 nghìn đồng một tháng. Dù biết số tiền ấy không đủ để chi tiêu cho sinh hoạt và học tập, nhưng Chang không hề có ý đòi hỏi thêm.
Thịt chuột "cải thiện"
Chủ nhật, nhiều học sinh tại cụm trường Kim Bon tranh thủ về thăm gia đình và lấy thêm đồ dùng. Trong khi đó, Thào A Sênh, Thờ A Chang và một số ít học sinh ở lại. Các em đang loay hoay trong khu bếp kí túc với lũ chuột vừa bẫy được tối hôm trước.
Thờ A Chang kể lại, buổi chiều sau giờ tan học, đám học sinh nội trú chia nhau đi vào các ngả rừng hay những ruộng nương của bà con khu vực gần trường để đặt bẫy thú rừng. Sáng hôm sau, chúng lại chia nhau tìm tới những bẫy và hầu như chẳng có mấy học sinh phải về tay không.
Thịt chuột được Giàng A Ninh làm sạch trước nguồn nước chính của học sinh nội trú
Bẫy chuột của học sinh Kim Bon rất đơn giản. Một chiếc kẹp sắt có hình bán nguyệt, một mẩu ngô hay một mẩu sắn kẹp vào chính giữa chiếc bẫy để làm mồi nhử.
“Bẫy chuột dễ lắm!” - cậu học trò Thào A Sênh hào hứng. Nhiều em học sinh không cần dùng bẫy cũng có thể bắt được chuột ngay trong kí túc của trường.
Hôm nay, Thờ A Chang được giao nhiệm vụ làm thịt chuột. Đầu tiên, Chang hơ qua con chuột trên bếp củi. Sau khi chuột đã cháy trụi lông, Chang mang ra vòi nước phía sau khu kí túc để mổ bụng, làm sạch và chặt ra thành từng miếng nhỏ.
Cạnh hai nồi cơm đầy, đám bạn của Chang và Sênh đã có thêm hai món ăn cải thiện từ thịt chuột. Chang có món thịt chuột xào với hành tây, còn Sênh đun lên để nấu với mì tôm. Đám bạn không còn lạ lẫm nên không vây quanh nhìn chúng nấu nữa. Chỉ có những vị khách từ miền xuôi lên là vây kín Chang và Sênh cùng hai nồi thịt chuột đang được đun trên bếp với những ánh mắt đầy lạ lùng.
Khi nhóm bạn của Chang và Sênh vừa ăn xong bữa sáng thì Giàng A Ninh, 15 tuổi, học sinh lớp 9 mới bắt đầu chế biến món thịt chuột của mình. Nước từ trong khe núi chảy từng giọt, Ninh kiên nhẫn chờ đợi để rửa cho bằng được món thịt. Hôm nay, Ninh và các bạn của mình vừa bẫy được 3 con chuột, số thịt chuột ấy sẽ được rang lên và ăn trọn trong bữa cơm sáng.
Hơn 3 năm gắn bó với học sinh vùng cao, thầy Hà Trọng Nghĩa, hiệu trưởng trường cấp 2 Kim Bon cho biết: “Hầu hết gia đình của các em chỉ có thể chu cấp gạo. Ngoài việc tự nấu cơm hàng ngày, học sinh nội trú ở cụm trường Kim Bon tự kiếm thêm thức ăn ở rừng vì số rau quả các em tự trồng không đáp ứng đủ”.
1400 học sinh trong tổng số hơn 5000 dân của Kim Bon vẫn đang kiên trì đến lớp. Chưa một em học sinh nào kêu lấy một tiếng khổ. Các thầy cô tại điểm trường chính Kim Bon cũng không thể làm gì giúp các em, vì bản thân thầy cô và nhà trường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.