Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Minh họa: Hàng ngày, muốn đi học, các em lại phải nhờ các thầy cõng qua suối để đến lớp
Không muốn các em bỏ lỡ con chữ, hàng ngày các thầy giáo phải thay nhau cõng các em qua suối để đến trường.
Cảnh tượng cảm động trên được chúng tôi ghi lại tại trường tiểu học Bắc Lý 2, điểm trường bản Phia Khắm 2, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Do đây là bản 100% đông bào dân tộc Khơ – Mú, cuộc sống đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Cả bản gần 100 % là hộ đói nghèo nên người dân chỉ lo cho “cái bụng” khỏi đói chứ chưa nói gì đến việc học chữ. Vì vậy, quanh năm người dân nơi đây chỉ biết lên rẫy trồng ngô, trồng lúa.
Gian nan hơn khi ngôi trường này lại nằm cách bản một con suối. Để các em không mất cái chữ, không bỏ học theo bố mẹ lên rẫy, các thầy các cô hàng ngày đã trở thành người "người đưa đò", cõng các em qua suối.
Cứ đều đặn ngày 4 lần, không kể mùa nào, những ngày hè oi ả hay mùa đông buốt giá, buổi sáng cứ 6h30, các thầy lại chuẩn bị lội suối sang bên kia bờ khi những học sinh ngóng thầy sang cõng qua suối. Buổi chiều có những hôm mùa đông, trời tối như mực, các cô lại phải dọi đèn cho các thầy cõng các em quay trở về nhà.
Buồn lắm chú ạ! Người dân còn khổ quá!
Để HS và thầy cô bớt vất vả, người dân đã dùng tre nứa làm cầu tạm cho các cháu đi học. Nhưng cứ đến mùa mưa cây cầu tạm lại bị lũ cuốn trôi. Làm lại bao nhiêu lần cũng bị nước cuốn, khiến cả bản nản, chẳng muốn làm nữa.
"Nếu không có sự tận tình của các thầy, các cô, có lẽ cả bản này không biết đến con chữ nó như thế nào”, anh Lương Văn Thanh – Trưởng bản Phia Khắm 2 tâm sự.
Khổ nhất là vào mùa đông, khi những cơn rét cắt da, cắt thịt của miền núi kéo đến, mỗi khi lội qua sông cõng các em là cả một thứ thách lớn với các thầy. Thầy trò kéo nhau qua suối xong, lên được bờ thì người nào người nấy run lập cập, không thể cử động được.
Thầy Phan Văn Khanh bộc bạch: “Nhiều hôm mùa đông cõng các em xong lên tôi không cầm nổi phấn để viết vì lạnh, tối đến lên cơn sốt li bì. Nhiều lúc nghĩ lại thấy cũng chán nhưng nhìn các em mà không được đi học tôi lại không đành lòng nên lại cố gắng thôi. Tôi xem như đó chính là nguồn động viên, niềm vui để hi sinh giúp cho đồng bào có cái chữ”.
“Những ngày đông đến, chúng tôi lại chuẩn bị sẵn một đống lửa cho các em sưởi trước khi vào lớp. Nhưng trường lớp cũng mục nát hết rồi, nên ngôi trong lớp mà cứ như ngồi ngoài sân, em nào cũng co rúm không học nổi”, cô Lữ Thị Mai – giáo viên lớp 2, điểm trường Phía Khắm 2 bùi ngùi.
Trong năm 2011, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn lại liên tiếp bị hai trận lũ quét tàn phá. Mỗi lúc như vậy, con suối lại như một hung thần ngăn cản bước chân đến trường của các em. Do thiên tai liên tục đến như vậy nên cả trường hiện tại đang chậm mất gần 4 tuần học so với chương trình. Để kịp thời gian học và không để cho các em thua thiệt, các thầy cô nơi đây lại tranh thủ ngày nghỉ dạy bù cho các em.
Vậy là, một cách thầm lặng, để có những tiếng bi bô đọc sách, các thầy cô nơi đây đã phải đánh đổi sức khỏe, tuổi thanh xuân của chính mình.