Sự kiện: Tuyển Sinh, Giáo Dục

Ở Pa Ủ vẫn còn hơn 200 hoc sinh tiểu học chưa đọc thông viết thạo. Thậm chí còn phải ngăn ngừa các em hút thuốc phiện theo cha mẹ.

Trận mưa đêm chùm lấy ngôi trường. Nhớ nhà, nhớ con, không ngủ nổi, thầy Nguyễn Hữu Trường dậy chong đèn tâm sự với tôi về cái nghiệp lên núi đưa đò. Bắt đầu vào học kỳ này, các thầy trường  Pa Ủ (Mường Tè - Lai Châu) lại bước thêm một học kỳ đầy khó khăn và thử thách.

“ Đêm qua mưa to, nhà bị dột mái, vở ướt hết rồi cô giáo ạ!”

noi kho cua hoc sinh vung cao

Sáng hôm sau, trời đã ngớt mưa. Thầy Trường lại ra đầu bản Thăm Pa ngóng xem học sinh của mình đi nương qua đây không để mà vận động các em đi học. Lỳ Na Nu đi qua, thấy thầy giáo liền xin phép chỉ lên nương đào ít sắn về làm bữa trưa cho gia đình rồi lên lớp ngay. Bố Na Nu đã nghiện nhiều năm nay, đói thuốc, suy kiệt qúa nên không thể đi nương được nữa rồi. Mẹ  ốm quặt quẹo, sau Na Nu còn 3 em nhỏ, nếu sáng nay không có sắn của Na Nu thì bữa trưa cả gia đình sẽ nhịn đói.


Thầy Trường  ngán ngẩm nói với tôi: “ Na Nu nói vậy thôi chứ ít nhất 9h  thằng bé mới về được đến bản vì nương xa lắm”.


Điểm trường bản Thăm Pa có hai lớp học. Một lớp do cô giáo Bùi Thị Hợp phụ trách dạy bồi dưỡng cho những học sinh yếu. Một lớp phổ cập lớp 9 do thầy Trường dạy. Ngay cả 3 phòng học bằng tranh tre ở điểm trường Thăm Pa cũng mới được các thầy cô trong trường và các anh bộ đội biên phòng Pa Ủ giúp tu sửa lại vào đầu mùa mưa. Nhưng nó có thể tồn tại được đến cuối năm học hay không thì thầy Trường không dám khẳng định. Nếu mưa, gió cứ kéo dài như những ngày qua thì sẽ bay mái và đổ vách bất kỳ lúc nào.


Ba gian lớp học này không chỉ là lớp học mà còn là nơi ngủ rất lý tưởng cho các em nhỏ ở bản Thăm Pa.  Kê bàn ghế sát lại, mang vài mảnh chăn rách, là các em có thể đánh giấc qua đêm mà không bị mưa phả vào người. Nhiều ngôi nhà của các em sau trận mưa đầu mùa đã mất mái, thông thốc với trời, đụng mưa là ướt át tứ bề, không có chỗ mà nằm nữa.


di hoc nhung van phai cong em

Đi học nhưng phải cõng cả em nhỏ đến lớp

Thầy Trường đã đánh được ba hồi trống mà mới lác đác vài em đến lớp. Còn cô Hợp thì quần sắn quá bắp chân, đội mưa đôn đáo đến từng nhà để vận động các em. Đi từng nhà từ đầu đến cuối bản thì tìm được hơn 10 em học sinh chưa kịp đi nương. Hơn 10 em học sinh ấy kéo theo là một bầy em nhỏ quần áo rách tả tơi, cáu bẩn, có em còn không có quần áo trần như nhộng lẽo đeo theo anh chị đến lớp.


Đếm đi đếm lại mới chỉ có 16 em học sinh và các em nhỏ ngồi xen kẽ với các anh chị nó. Cô Hợp bảo: Mới chỉ có 2/3 học sinh đến lớp thôi anh ạ. Số các em còn lại chắc đi nương từ mờ sáng rồi”.


Còn có em Lý Mỳ Đô đã 16 tuổi, đến lớp không thấy mang vở, cô giáo hỏi thì Mỳ Đô ngọng ngiụ trả lời: “ Đêm qua mưa to, nhà bị dột mái, vở ướt hết rồi cô giáo ạ!”. Cô Hợp lại về phòng lấy vở, bút phát cho Mỳ Đô. Cô Hợp quay sang tâm sự: “Phải nịnh các em học sinh lớp 5 này như nịnh đứa trẻ lên ba ấy. Nếu nói nặng lời một tí thôi là các em bỏ học đi lên lán nương ở hàng tháng trời ngay. Có lên vận động, khuyên giải mấy cũng không về bản đâu”.


Sau khi những tiếng đọc bài bi bô đã vang lên bên lớp cô Hợp, thầy Trường mới kịp thay chiếc áo sơmi ướt đẫm mưa, ngồi tâm sự với tôi: “Bản Thăm Pa có 49 nóc nhà thì có hơn 40 nhà có người đàn ông nghiện thuốc phiện, phần lớn số này coi như không còn khả năng lao động. Cả bản hơn 80% hộ đói, lao động chính trong gia đình mùa mưa này là phụ nữ và các em học sinh. Hôm nay có chiếc máy ảnh của nhà báo nên các em thấy lạ, đến lớp nhiều hơn mọi ngày đấy”.

Học ban đêm thì lớp đông hơn, nhưng HS toàn... ngủ gật

Thỉnh thoảng các giáo viên cắm ở những bản xa như: Cờ Lò I, Cờ Lò II, Pha Mu...  ra trung tâm xã mua lương thực dự trữ lại chụm đầu nhau bàn cách vận động các em đến lớp. Trong dịp nghỉ hè vừa rồi, các thầy cô đã về xuôi vận động, quyên góp người thân quần áo cũ mang lên Pa Ủ phân phát cho các em. Nhìn vào đống quần áo ngồn ngộn đủ các kích cỡ, thầy Trường biết có thầy cô còn bỏ cả tiền lương của mình ra mua những bộ quần áo mới cho các em.

Cho đến bây giờ thỉnh thoảng nhà trường vẫn nhận được những thùng quần áo cũ của người nhà các giáo viên từ dưới xuôi gửi lên để các em có mảnh vai che thân, bớt đi nhếch nhác và giá lạnh trong mùa đông tới.


Trước tiên, các thầy cô trường THCS Pa Ủ ứng trước từ tiền lương của mình ra mua gạo hỗ trợ các em trong lớp phổ cập rồi thanh toán sau bằng chương trình 186 của chính phủ. Nhưng cách này cũng ít hiệu quả vì các em cứ nhận gạo xong thì lại bỏ lớp lên nương.  Thầy Trường ở bản Thăm Pa đã ứng dụng sáng kiến: Bỏ tiền túi mua máy phát điện nước để thắp sáng dạy học vào ban đêm. Mặc dù cái bóng 60W chỉ đủ soi sáng mỗi cái bảng viết nhưng các em đến lớp có khá hơn vì ban đêm các em không phải đi nương.

giao vien vung cao day hoc cung hoc sinh

Thầy Trường đang hướng dẫn các em nhỏ từng nét chữ

Nhưng cái khó ló cái.... khổ, học tối nhiều em vừa học vừa ngủ gật. Ban ngày đi nương mệt quá, lại còn thêm cái đói, nhìn thấy con chữ nhảy múa là mắt díp lại. Thầy Trường mỗi tháng ba thùng mì tôm, ăn một phần, phần nhiều  để san sẻ cho các em có hoàn cảnh quá khó.

Để vận động các em đi học hè, Thầy Nguyễn Tiến Dũng quê ở Hà Tây, dạy ở điểm trường Cờ Lò I lại có cách khác. Lớp thầy có 11 học sinh, em nào học đủ cả tháng, thầy trích từ tiền lương hỗ trợ ngay 50 ngàn đồng. Tâm sự với tôi, thầy Dũng vẫn buồn rười rượi, tháng 6 vừa qua thầy chỉ phải trích tiền lương thưởng cho 6 học sinh. Như vậy lớp của thầy chỉ hơn một nửa học sinh đến lớp đầy đủ.

Ngoài giờ dạy học, thầy Dư Thế Anh ở bản Pha Bu còn lang thang đến từng nhà tuyên truyền vận động các gia đình có người nghiện đi cai. Phân tích mãi, nói mãi về cái khổ của bản đều do hút thuốc phiện mà ra thì có người hứa: Tao sẽ bỏ thuốc phiện, đi cai để vợ con tao đỡ khổ.Người ta nể thầy mà nói vậy nhưng đâu rồi lại vào đấy. Vậy nhưng thầy vẫn hy vọng mưa dầm thấm lâu, may ra có người hiểu.

Bây giờ, điều mà hơn 30 thầy, cô ở Pa Ủ quan tâm là toàn trường vẫn còn hơn 200 hoc sinh tiểu học chưa đọc thông viết thạo. Thậm chí còn phải ngăn ngừa các em hút thuốc phiện theo cha mẹ. Trước khi chia tay tôi ở cuối con đường mòn xuyên rừng, thầy Trường khẳng định chắc nịch: “ Chúng em sẽ cố gắng trong năm năm để vực dậy nền giáo dục nơi đây. Nếu không thành công, em sẽ thôi việc anh ạ!”.

 

Tuyển sinh, Thông tin tuyển sinh, Trường quốc tế

Kenhtuyensinh (theo: giaoduc.net.vn)