Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – TPHCM, một trong số ít trường phổ thông củacả nước có được các phòng thí nghiệm đạt chuẩn, phục vụ tốt việc dạy và học. Ảnh: TẤN THẠNH
Tại các trường THCS, 20% giáo viên chưa nắm được các kỹ thuật sử dụng thiết bị dạy học; 44% giáo viên chưa biết sử dụng kính hiển vi…; 49% học sinh thỉnh thoảng được tự làm thí nghiệm theo nhóm; nhiều học sinh chưa biết đọc bản đồ, lược đồ ở môn địa lý…
“Phương pháp và kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục THCS”. Đó là nhận định của PGS-TS Vũ Trọng Rỹ và các cộng sự thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam qua thực tế khảo sát tình hình sử dụng thiết bị dạy học ở 24 trường tiểu học và 24 trường THCS tại 6 tỉnh - thành mới đây.
Thầy và trò đều mù mờ
Kết quả khảo sát cho thấy có tới 20% giáo viên bậc THCS chưa nắm được các kỹ thuật sử dụng thiết bị dạy học, đặc biệt là kỹ thuật thí nghiệm. Ở môn hóa học, có đến 17% giáo viên chưa nắm chắc kỹ thuật thực hiện thành công thí nghiệm sắt tác dụng với lưu huỳnh, nhiều giáo viên chưa biết kỹ thuật khử hiện tượng phụ điện phân. Ở môn sinh học, 44% giáo viên chưa biết sử dụng kính hiển vi. Ở môn vật lý, có 61,9% giáo viên không nắm được các thứ tự thao tác khi tiến hành thí nghiệm nghiên cứu mạch điện mắc nối tiếp và mạch điện mắc song song…
Qua khảo sát đối với học sinh, có đến 42,4% học sinh nói chưa bao giờ hoặc thỉnh thoảng mới được sử dụng mô hình, mẫu vật để tìm thông tin, 49% học sinh chưa bao giờ hoặc thỉnh thoảng được tự làm thí nghiệm theo nhóm. Theo đó, tỉ lệ học sinh có kỹ năng sử dụng thiết bị học tập ở mức yếu kém rất cao: 25,4% ở môn hóa học, 73,5% ở môn địa lý, 56,9% ở môn sinh học, 32% ở môn vật lý. Nhiều học sinh chưa biết vận dụng kiến thức đọc bản đồ, lược đồ ở môn địa lý; chưa biết cách lắp bình thu khí ôxy, thực hiện kỹ thuật đốt nóng ống nghiệm trong một thí nghiệm điều chế ôxy ở môn hóa học; 69,9% học sinh không vẽ được sơ đồ mạch điện của thí nghiệm tìm hiểu về sự phụ thuộc của cường độ dòng điện và hiệu điện thế giữa hai đầu dây dẫn ở môn vật lý…
Thiếu chuẩn và nặng sức ì
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Bình Dương, cho rằng thầy cô giáo sử dụng thiết bị dạy học còn lúng túng là do đa số giáo viên kiêm nhiệm chưa có nghiệp vụ, trình độ chuẩn về sử dụng thiết bị, các kỹ năng hầu hết là do giáo viên tự mày mò nghiên cứu, một số giáo viên chỉ được hướng dẫn qua loa, không được đào tạo một cách bài bản và kỹ lưỡng nên rất lúng túng khi kết hợp giảng bài và hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm.
Theo cô Thu Hà, sức ì của một thời “dạy chay” vẫn tồn tại trong không ít giáo viên. Nhiều giáo viên có tâm lý lo sợ sẽ không thành công, sợ mất nhiều thời gian chuẩn bị dẫn đến việc ngại sử dụng hoặc chỉ sử dụng thiết bị dạy học đối phó khi cần. Đôi khi với các thiết bị đắt tiền, giáo viên sợ học sinh làm hỏng nên chỉ muốn học sinh quan sát chứ không cho sử dụng.
Một số giáo viên cho biết thiết bị dạy học hiện nay có khá nhiều chi tiết nhỏ và đòi hỏi sự chính xác cao, muốn có một mô hình, một thí nghiệm cho một tiết học, giáo viên phải bỏ ra vài giờ để chuẩn bị trước. Ngoài ra, sự chính xác của các thiết bị trong thí nghiệm đòi hỏi phải rất cao, nhưng thực tế ngay cả những thiết bị đo đạc đơn giản nhất như vol kế, ampe kế… cũng đã không đáp ứng được. Vì vậy, cô và trò làm thí nghiệm 3-4 lần để quan sát và ghi kết quả nhưng chẳng lần nào giống lần nào và cũng chẳng giống với mô tả trong sách giáo khoa.
Ngoài thiếu chuẩn, việc cung cấp thiết bị dạy học cho các nhà trường hiện còn rất chậm, do đó nhiều thiết bị không được sử dụng trong năm học đó. Cô Lê Thị Hồng Gấm, giáo viên Trường THPT Phú Riềng, Bình Phước, cho biết chất lượng thiết bị dạy học còn kém cũng dẫn đến tình hình sử dụng thiết bị dạy không thành công.
Lãng phí lớn
Từ thực tế khảo sát của một số trường thuộc 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, cô Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng hầu hết trường chưa xây dựng được phòng học riêng cho từng bộ môn, thiết bị để chồng chất lên nhau gây nên tình trạng bể, gãy, hư hỏng. Đôi khi có nhiều thiết bị dạy học cả năm để trong kho và bụi bẩn bám đầy mà không hề được sử dụng, nhiều thiết bị hư hỏng, nằm im một chỗ không được sửa chữa nhưng các trường cứ đi mua cái mới.
Cô Thu Hà dẫn chứng: “Loại máy tính bỏ túi Casio FX570 được các trường nhận về hàng thùng nhưng giáo viên không dùng đến, còn học sinh lại không được mượn, đây là một sự lãng phí rất lớn”.
Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế
Kenhtuyensinh (Giaoduc.edu.vn)
Bài: Bối rối vì học chay