Ông Nguyễn Vinh Hiển phân tích: Cụ thể phổ điểm phân bố đều hơn, mỗi môn thi đều thấy đa số là học sinh (HS) điểm trung bình, ít dần đi ở những HS điểm thấp và HS điểm cao hơn. Phổ điểm được phân bố rộng từ điểm 1 đến điểm 10. Điều này đánh giá được trình độ HS khác nhau và tạo điều kiện cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ được thuận lợi.

Thí sinh phải tham khảo phổ điểm mà Bộ vừa công bố để biết được có bao nhiêu người bằng hoặc thấp hơn, cao hơn điểm của mình để lựa chọn trường xét tuyển cho phù hợp" Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiền cho biết.

Phổ điểm môn toán phân bố không được đẹp như các môn khác nhưng vẫn đảm bảo được độ phân hóa để phục vụ cho việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT giảm

* Tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn, đặc biệt là hệ GDTX, phải chăng là do hệ GDTX phải làm chung đề thi với hệ THPT chứ không làm đề riêng như các năm trước?

- Tôi không nghĩ như vậy. Năm nay thì cả hệ THPT và GDTX đều thấp hơn so với năm trước. Mọi năm thì kết quả tốt nghiệp của hệ GDTX vẫn thấp hơn so với hệ THPT do chất lượng của hệ này từ đầu vào là thấp hơn.

Kết quả thấp hơn các năm trước cũng phản ánh đúng chất lượng của kỳ thi. Năm nay tính chất của kỳ thi này có hai mục đích nên thí sinh ở trong cùng một phòng thi ít tư tưởng “giúp đỡ” nhau hơn trước.

Đề thi đã ra theo hướng yêu cầu hạn chế ghi nhớ máy móc. Đề mở và phải vận dụng kiến thức thực tiễn của HS nhiều hơn nên điều đó cũng phản ánh trong kết quả thi.

Đáng lưu ý, tỷ lệ tốt nghiệp đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì cao hơn ở các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì. Điều này phù hợp với thực tế là ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì có nhiều thí sinh có kết quả học tập cao hơn. Chứng tỏ không có cơ sở để khẳng định những băn khoăn lo lắng về việc các cụm thi do địa phương tổ chức coi thi, chấm thi lỏng hơn cụm do các trường ĐH chủ trì.

* Có hội đồng thi hoặc cụm thi nào có kết quả bất thường khiến Bộ cảm thấy nghi ngờ và phải chấm thẩm định lại không, thưa ông?

- Hiện nay Bộ chưa phân tích kỹ đến phổ điểm đến từng phòng thi hay hội đồng thi. Nhưng nhìn chung thì chúng tôi thấy không có chỗ nào phản ánh một kết quả tăng hay giảm đột biến, bất thường.

Điểm thi cũng phản ánh rất rõ những địa phương nào có điều kiện dạy và học tốt hơn thì chất lượng đỗ tốt nghiệp THPT cao hơn. Điều này cũng phản ánh rằng chất lượng dạy học phù hợp với kết quả thi cử.

Nếu phát hiện thấy dấu hiệu nghi ngờ, chúng tôi sẽ cho tiến hành chấm thẩm định để “truy” ngược lại quá trình coi thi và chấm thi ở hội đồng thi cụ thể nào đó. Đây là công việc vẫn được tiến hành hằng năm.

Tham khảo phổ điểm để lựa chọn trường xét tuyển phù hợp

* Bộ có tiếp tục phân tích dữ liệu điểm thi để làm căn cứ đưa ra những quyết định phù hợp về dạy, học cũng như thi cử trong các năm tới?

- Một mặt Bộ sẽ tự phân tích, đánh giá; một mặt sẽ tiếp thu ý kiến đánh giá của các chuyên gia, của xã hội… Trên cơ sở đó, Bộ sẽ phân tích đánh giá để rút kinh nghiệm hoàn thiện các công việc về tổ chức thi, đồng thời nghiên cứu đề xuất các biện pháp chỉ đạo kỳ thi cho những năm tiếp theo.
* Ông có lời khuyên nào đối với thí sinh đủ điểm tốt nghiệp trở lên?

- Với những HS đã đủ điểm tốt nghiệp THPT, các em phải tham khảo phổ điểm mà Bộ vừa công bố để biết được có bao nhiêu người bằng hoặc thấp hơn, cao hơn điểm của mình để lựa chọn trường xét tuyển cho phù hợp. Mặt khác cũng nên cân nhắc về nguyện vọng, sở thích cá nhân, điều kiện gia đình… để quá trình học ĐH không gặp phải những khó khăn do không có hứng thú học tập hoặc điều kiện học tập không đảm bảo.

Tỷ lệ tốt nghiệp chung 91,58%

Hôm qua Bộ GD-ĐT cũng đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015. Theo đó, so với năm 2014, tỷ lệ tốt nghiệp THPT giảm ở cả khối THPT và GDTX. Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của khối THPT đạt 93,42% (năm 2014 là 99,02%), khối GDTX đạt 70,08% (năm 2014 là 89,01%), bình quân chung là 91,58%.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đối với thí sinh dự thi tại các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì là 84,45% và ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì là 94,74%.

Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết kết quả sơ bộ cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay của Hà Nội là 92,2%, giảm hơn 6% so với năm 2014 (năm 2014 là 98,54%) nhưng vẫn nhiều trường đỗ tốt nghiệp 100%. Đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết đúng như dự đoán ban đầu, số lượng thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm nay nhiều hơn hẳn năm ngoái.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trước ngày 27.7 các sở GD-ĐT hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho HS. Sở GD-ĐT nhận đơn xin phúc khảo trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo.

Bất thường môn toán và ngoại ngữ

GS Hà Huy Bằng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cho rằng nhìn qua phổ điểm môn toán có thể thấy đề thi môn này phân loại TS không tốt lắm. GS Bằng phân tích: Môn toán là môn có nhiều TS bị điểm liệt, rất ít điểm cao. Số TS điểm kém và mức trung bình quá nhiều và bị ríu ở vùng 6 - 6,5 điểm. Như vậy những trường ở mức làng nhàng thì nguồn tuyển rất dồi dào, còn trường yêu cầu cao hơn sẽ thiếu nguồn tuyển. Phổ điểm môn ngoại ngữ rất không bình thường. Với một phổ điểm bình thường, đỉnh của phổ phải nằm ở mức 5 - 6 nhưng với môn này lại nằm ở vùng 2,5 - 3 điểm. Dốc bên phải, ở vùng từ 5 cho đến 9 lại quá thoai thoải, điều đó chứng tỏ mức phân loại ở vùng này không tốt, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng tuyển sinh của các trường ĐH.
Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi THPT quốc gia: Phải tham khảo để chọn trường xét tuyển - ảnh 4

 

Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi THPT quốc gia: Phải tham khảo để chọn trường xét tuyển - ảnh 5

Những phổ điểm đẹp nhất thuộc về các môn xã hội: văn, sử, địa. Đỉnh của phổ ở mức trung bình (5 - 6,5), độ dốc cả hai bên thấp và cao lại đều thoai thoải. Phổ điểm có sự khác biệt khá lớn giữa các môn. Do đó những năm sau có lẽ cần sự chỉ đạo thống nhất về việc ra đề, để mức độ phân hóa cũng như độ khó của các môn đồng đều, đặc biệt là với những môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT, tránh việc kết quả của HS phụ thuộc vào sự may rủi đối với đề thi của từng môn.

Ông Phạm Văn Hoan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội), cũng cho rằng “phổ điểm môn toán có vấn đề dù nó được rải khá đều từ 0 đến 10 nhưng phân cách giữa HS trung bình khá và khá không rõ ràng. Nghĩa là điểm từ 6,5 (là đỉnh của phổ điểm) lên đến 10 có độ dốc quá cao, tụt xuống rất nhanh. Như vậy những HS đạt điểm 5 - 6 - 7 rất gần nhau. Mặt bằng chất lượng HS trường tôi không khá lắm so với một số trường bạn nhưng số em đạt mức 6 - 7 điểm chẳng kém gì so với HS các trường có mặt bằng học lực khá hơn. Đây sẽ là một thách thức với các trường ĐH trong khâu xét tuyển sắp tới, nhất là những trường tốp trung”.

Trong khi đó cô Lê Thu Hương, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) cho biết: “Phổ điểm môn ngoại ngữ quá xấu. Điều này phản ánh 2 vấn đề, hoặc chất lượng TS quá kém hoặc đề thi không tốt. Lẽ ra một đề thi được xem là công cụ đo lường tốt thì đỉnh của phổ phải ở mức 5 - 6 điểm, đằng này lại chỉ là mức 2,5 điểm. Là người trực tiếp dạy luyện thi, tôi nhận thấy đề thi năm nay không khó so với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước. Như vậy phổ điểm phản ánh mức độ phân hóa về trình độ ngoại ngữ trong HS quá sâu sắc, khoảng cách quá lớn. Khoảng 10% HS vượt hẳn lên, 90% còn lại là học kém, trong đó rất nhiều HS gần như không biết gì. Các trường ĐH tuyển thí sinh khối D năm nay phải chấp nhận hiện tượng vàng cám lẫn lộn”.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2015 thấp nhất trong 4 năm qua

Trong khi năm 2012, 2013, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt trên 97%, thậm chí năm 2014, tỷ lệ này là 99% thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay là trên 93%.

Chiều nay (23/7), Bộ GD-ĐT đã có kết quả tổng hợp kỳ thi THPT Quốc gia 2015 được thực hiện theo phương thức mới so với mọi năm. Năm 2012, 2013, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt trên 97%, thậm chí năm 2014, tỷ lệ này là 99%. Trong khi đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay là trên 93% đối với khối Trung học phổ thông, giảm gần 6% so với năm ngoái, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở khối Giáo dục thường xuyên cũng chỉ là 70%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Con số này nói lên điều gì? Bức tranh toàn cảnh của kỳ thi THPT quốc gia năm nay như thế nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia năm 2015.

Thưa Thứ trưởng, ông có cho rằng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 93% ở khối THPT và 70% ở khối Giáo dục thường xuyên đã phản ánh đúng chất lượng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nói khái quát, kỳ thi năm nay đã đạt mục tiêu chúng ta theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương là kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực cho xã hội, gia đình và thí sinh. Đồng thời cũng phản ánh đúng chất lượng giáo dục, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ và có tác dụng thúc đẩy việc đổi mới dạy và học trong các nhà trường. Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay thấp hơn năm trước gần 6%. Điều này thể hiện sát hơn với chất lượng giáo dục.

Như chúng ta biết, năm nay điểm thi vừa dùng xét tốt nghiệp, vừa dùng để tuyển sinh Đại học nên cũng hạn chế tình trạng học sinh giúp đỡ nhau trong phòng thi. Mặt khác cũng phụ thuộc vào đề thi, đề thi có tính chất mở, yêu cầu vận dụng năng lực chứ không phải chỉ nhớ một cách máy móc nên học sinh làm được với chất lượng như vậy thì tôi cho rằng rất là tốt.

Trước khi diễn ra kỳ thi, dư luận tỏ ra băn khoăn về chất lượng coi thi và chấm thi ở các cụm thi do địa phương chủ trì. Theo số liệu mà Bộ GD-ĐT cung cấp, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp ở cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%, còn tỷ lệ này ở cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì là 84,45%. Thưa Thứ trưởng, ông nhìn nhận như thế nào về con số này?

Những con số này phản ánh được thực chất chất lượng của hai loại cụm thi khác nhau. Các em học sinh học tốt hơn thường dự thi ở các cụm thi do trường Đại học chủ trì, các em học sinh chỉ thi để lấy kết quả tốt nghiệp thi ở địa phương trong đó có nhiều học sinh của hệ giáo dục thường xuyên. Chúng ta đã từng lo ngại rằng, có thể các cụm thi địa phương coi thi không nghiêm túc như cụm thi do các trường Đại học chủ trì thì tỷ lệ này cho thấy, lo ngại đó không có cơ sở.

Với các môn Sinh học, Địa lý, Ngữ văn, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, đa phần thí sinh đạt điểm trung bình từ 4 - 7 điểm. Riêng môn Ngoại ngữ điểm khá thấp, phần lớn chỉ từ 1,5 – 5 điểm. Đối với môn Toán, phổ điểm không "đẹp" như các môn khác. Thứ trưởng nhận định như thế nào về phổ điểm của các môn, đặc biệt của môn Ngoại ngữ và môn Toán?

Phân tích phổ điểm năm nay, Bộ GD-ĐT thấy rằng, phổ điểm năm nay "đẹp" hơn năm trước. Cụ thể, thể hiện tính phân hóa hơn, đa số học sinh đạt điểm trung bình, một số ít hơn học sinh điểm thấp, một số ít hơn là điểm cao. Điều này thể hiện đúng thực chất phân bố chất lượng. Tất nhiên, với từng môn có sự khác nhau. Môn Ngoại ngữ, nhiều học sinh đạt điểm thấp đã phản ánh thực trạng chất lượng dạy và học Ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu và đây cũng là nguyên nhân mà chúng ta đang thực hiện đề án đổi mới dạy và học Ngoại ngữ. Đối với môn Toán, điểm cũng phân bố nhưng phân bố không "đẹp" như những môn khác tuy nhiên, nó không ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh nhiều như các môn khác.

Phổ điểm không tốt ở môn Toán và Ngoại ngữ, như vậy tập trung vào khối D. Nhìn tổng thể, ông cho rằng có ảnh hưởng như thế nào đến điểm xét tuyển vào Đại học năm nay? Các em khối D có chịu thiệt?

Việc xét tuyển Đại học phụ thuộc vào việc phân bố điểm chứ không phụ thuộc vào điểm cao hay điểm thấp. Khi điểm đã phân bố thì những em học sinh nào điểm cao hơn sẽ được xét tuyển trước chứ không phải vì điểm thấp mà các em học sinh bị thiệt thòi trong tuyển sinh.

Kinh nghiệm nào được Bộ GD-ĐT rút ra sau khi nhìn thấy phổ điểm do chính Bộ tổng hợp?

Có được kết quả như năm nay là quá trình nhiều năm qua chúng ta cố gắng thay đổi cách thức ra đề thi, áp dụng những kỹ thuật mới hiện đại của thế giới trong việc ra đề. Việc phân tích phổ điểm, phân tích các câu hỏi để rút kinh nghiệm trong việc ra câu hỏi như thế nào để đánh giá trình độ học sinh khác nhau.

Đến ngày 1/8, công tác xét tuyển Đại học, Cao đẳng sẽ chính thức khởi động với lần xét tuyển nguyện vọng 1. Ông có lời khuyên nào với thí sinh khi xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng?

Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm trước hết để phục vụ các em học sinh tham khảo. Các em học sinh nhìn điểm của mình đứng ở vị trí nào, có bao nhiêu người điểm cao hơn mình, bao nhiêu người điểm thấp hơn mình, bao nhiêu người điểm bằng mình để lựa chọn trường có điểm chuẩn phù hợp.

 

Theo :

  • Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/bo-gddt-cong-bo-pho-diem-thi-thpt-quoc-gia-phai-tham-khao-de-chon-truong-xet-tuyen-588795.html
  • Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/ty-le-do-tot-nghiep-thpt-2015-thap-nhat-trong-4-nam-qua-887522.tpo