>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm chuẩn đại học

Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, hơn 600 ngàn thí sinh trượt ĐH, CĐ

Sáng nay 8/8, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD-ĐT đã họp và chính thức đưa ra mức điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Điểm sàn năm nay tương đương năm trước, riêng khối C giảm 0,5 điểm. Với mức điểm sàn như vậy, năm nay có 610.088 thí sinh trượt đại học, cao đẳng.

Điểm sàn đại học, cao đẳng các năm như sau:

Khối/Năm

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

A

13

15

13

13

13

13

13

13

B

14

15

15

14

14

14

14

14

C

14

14

14

14

14

14

14,5

14

D

13

13

13

13

13

13

13,5

13,5

A1

 

 

 

 

 

 

13

13

Mức điểm sàn trên đây áp dụng đối với học sinh phổ thông, khu vực 3. Đối với mỗi khu vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên, điểm sàn cũng sẽ được áp dụng mức điểm ưu tiên theo qui định hiện hành. Với hệ liên thông, điểm sàn tương đương với mức điểm sàn hệ ĐH, CĐ chính quy của các khối thi. Điểm chuẩn do các trường tự xác định.

Bằng điểm sàn, thí sinh có cơ hội xét tuyển vào nhiều trường ĐH,CĐ

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, điểm sàn không nhân hệ số và điểm trúng tuyển của các trường không được thấp hơn điểm sàn. Thí sinh nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường.

Thí sinh tham gia xét tuyển lưu ý, năm nay, quy chế thi ĐH, CĐ có một số thay đổi liên quan đến xét tuyển.

Thứ nhất, là thời gian xét tuyển sẽ kết thúc sớm hơn một tháng so với năm 2012, cụ thể, bắt đầu từ 20/8 và kết thúc ngày 30/10/2013. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, thời gian xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển.

Thứ 2, năm nay, thí sinh không trúng tuyển vào trường dự thi nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm không) được nhận 3 giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh sử dụng giấy này để ĐKXT vào các trường ĐH, CĐ hoặc TCCN. Các trường ĐH, CĐ sẽ không nhận giấy chứng nhận kết quả thi phô tô như năm trước. Tuy nhiên, thí sinh có thể dùng bản sao hợp lệ giấy chứng nhận kết quả thi (nếu chưa trúng tuyển vào ĐH hoặc CĐ) để đăng ký xét tuyển vào các trường TCCN.

Thứ 3, Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Đối với thí sinh dự thi liên thông theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo liên thông của trường. Nếu không trúng tuyển được xét tuyển vào học liên thông các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển.

Hồ sơ ĐKXT gồm Giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi) và 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Lệ phí xét tuyển theo quy định của từng trường.

Theo Báo Dân Trí - Xem tin gốc