Sự kiện: Tiếng anh, Ngoại ngữ, Trung tâm anh ngữ

Tin liên quan:

 

Trong gần 20 năm làm việc ở Việt Nam, Khalid Mumood là nhà đầu tư miệt mài cho các dự án trong lĩnh vực giáo dục, bắt đầu với trường Anh ngữ Apollo, Tổ hợp British Education Partnership và mới đây là trường đại học quốc tế British University Vietnam. Vì sao nhà đầu tư lựa chọn lĩnh vực giáo dục? Doanh nhân mang hai dòng máu Anh và Iraq chia sẻ cái nhìn về câu chuyện đầu tư vào giáo dục.

- Tại sao ông lựa chọn giáo dục và chỉ đầu tư vào giáo dục?

Cha mẹ tôi đều hoạt động trong lĩnh vực này, vì thế tôi đã rất quen thuộc và làm việc trong lĩnh vực này từ rất sớm. Sau 20 năm, hầu hết mọi điều tôi làm đều liên quan đến giáo dục.

Đầu tư vào giáo dục không dễ và thường không được đánh giá đúng mức. Nhiều người nghĩ rằng, việc lập ra một trường hoặc một trung tâm ngoại ngữ chẳng hề khó, nhưng ta có thể thấy được những thử thách rất lớn của việc này bằng cách nhìn vào bài học từ những trường ngoại ngữ buộc phải đóng cửa trong thời gian gần đây tại TP.HCM.

- Một vài nghiên cứu cho thấy, giáo dục và y tế là hai lĩnh vực an toàn và có lợi nhất để đầu tư trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Ông nghĩ gì về nhận định đầu tư giáo dục mang lại lợi nhuận cao?

Đại diện nhiều quỹ đầu tư nói rằng, họ đầu tư vào giáo dục chủ yếu bởi giáo dục luôn được ủng hộ và cũng khá dễ kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên nếu bạn nhìn vào lịch sử, không có nhiều quỹ thật sự thành công khi đầu tư vào các dự án giáo dục. Đầu tư vào giáo dục cần có tầm nhìn và nguồn vốn dài hạn. Hầu hết các quỹ đầu tư lại không được xây dựng theo hướng này.

Quỹ đầu tư tài chính cơ bản thường được lập ra để đầu tư vào những dự án có thể thoái vốn trong vòng 3 năm. Tôi nhớ các đây vài năm trong một cuộc họp, giám đốc điều hành một quỹ đầu tư giải thích với tôi rằng, không giống các quỹ khác, họ có một tầm nhìn đầu tư dài hạn. Khi tôi hỏi họ định nghĩa thế nào là dài hạn, họ giải thích là 3 năm! Đầu tư vào giáo dục có thể mang lại những khoản lợi lớn, nhưng nhà đầu tư nhất thiết phải có tầm nhìn dài hạn hơn.

Từ xưa đến nay, người Việt Nam thường quan niệm học hành là việc quan trọng. Vấn đề chính đối với đầu tư giáo dục là các nhà đầu tư thường quá vội vã trong việc khởi động các dự án bởi họ muốn đảm bảo giữ được phần đầu tư xây dựng trường mà bỏ qua những thách thức trong việc điều hành ngôi trường ấy. Đó chính là một lý do khiến cho một số lượng lớn các trường phổ thông và đại học tư thục có chất lượng đào tạo thấp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của mảng giáo dục tư thục, mặc dù cũng có rất nhiều trường tư thục có chất lượng giáo dục rất cao.

- TP.HCM thường là điểm đến đầu tiên của nhiều trường quốc tế. Tại sao ông lại chọn Hà Nội làm điểm đặt chân đầu tiên của British University Vietnam?

Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, nơi đặt trụ sở của Đại sứ quán Anh. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng ở đây, nên chúng tôi quyết định khởi đầu trường của mình tại đây. Ngoài, ra, trước khi đưa ra quyết định chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tiền khả thi và nhận thấy, Hà Nội có nhu cầu lớn về một trường Đại học Anh quốc có chất lượng. Nhưng chắc chắn, chúng tôi cũng sẽ mở rộng quy mô của trường tại TP.HCM. Việc Đại học Anh quốc chính thức hoạt động tại cả hai thành phố này chỉ còn là vấn đề thời gian.

- Việt Nam không có nhiều trường đại học nằm trong top các trường đại học danh tiếng thế giới. Ông nghĩ gì về điều này?

Để được xếp hạng top 100 trường đại học hàng đầu thế giới, đó có thể là mục tiêu lâu dài, nhưng tôi nghĩ đó chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam bây giờ. Điều Việt Nam cần ở thời điểm này là những trường đại học và đào tạo nghề chất lượng, có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Thậm chí, những tiêu chuẩn được dùng để đánh giá và xếp hạng top 100 trường quốc tế cũng gây không ít tranh cãi. Tôi biết một vài trường đại học xuất sắc không nằm trong danh sách top 100 đó, nhưng họ vẫn là những điểm đến tuyệt vời cho các sinh viên học tập và phát triển.

- Có vài trung tâm Anh ngữ vừa phải đóng cửa. Có phải các trung tâm Anh ngữ đã hết thời rồi không?

Vấn đề quan trọng là chọn dự án đầu tư đúng. Tôi nghĩ một số trung tâm đóng cửa có lẽ do vấn đề điều hành chứ không phải là do "hết thời".

- Có kinh nghiệm gì từ Apollo có thể áp dụng cho việc thành lập trường British University Vietnam?

Tôi đã và đang tham gia thành lập ba trường tại Việt Nam, bao gồm: Trường Anh ngữ Apollo, Tổ hợp Hợp tác Giáo dục Anh Quốc - British Education Partnership và trường Đại học quốc tế British University Vietnam.


Mặc dù các trường này độc lập với nhau, nhưng việc xây dựng các trường đều cần có một số kỹ năng chung. Ví dụ, tôi đã rút ra được kinh nghiệm quý báu từ việc xây dựng Apollo, đó là ở Việt Nam để xin được giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục thì nhà đầu tư cần phải biết kiên nhẫn. Cần phải biết chờ đợi vì mọi việc thường không bao giờ đến nhanh như mong muốn. Sự thực, chúng tôi đã chờ đợi hơn 7 năm từ lúc chúng tôi bắt đầu dự án trên giấy đến ngày mở cửa British University Vietnam. Về khía cạnh điều hành, cả trung tâm Anh ngữ và đại học đều có điểm chung là bạn cần phải chắc chắn là có một đội ngũ quản lý giỏi. Nếu bạn chọn được đúng người thì hầu hết mọi việc sẽ đi vào trật tự của nó. Người làm được việc sẽ xử lý các vấn đề một cách rất nhanh chóng; ngược lại công việc sẽ trở nên chậm chạp và quẩn quanh không lối thoát.

 

Tiếng anh thiếu nhi, Tiếng anh du học, Tiếng anh thiếu niên

Đăng ký nhận thông tin Tiếng anh, ngoại ngữ khác qua email tại ô bên dưới

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Diendandoanhnghiep)