Bí quyết sử dụng ánh mắt hiệu quả trong kỹ năng thuyết trình

 

Tầm quan trọng của ánh mắt khi thuyết trình

“Ngôn ngữ của đôi mắt” là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của người khác đối với mình và làm gia tăng uy tín của người nói cũng như hiểu được cảm xúc của người khác thông qua ánh mắt để có cách ứng xử phù hợp. Nhiều nhà kinh doanh hàng đầu khẳng định rằng chính đôi mắt của bạn truyền tải nhiều nhất về con người bạn trong suốt thời điểm ban đầu của buổi gặp gỡ.

Vì vậy, một người có kỹ năng thuyết trình giỏi luôn phải đọc hiểu được người nghe: xem ngôn ngữ cơ thể của họ biểu hiện gì, họ có đón nhận những gì mình đang nói hay không, đó là nghệ thuật thuyết trình. Trong thuyết trình, ánh mắt cũng làm nhiệm vụ truyền đạt thông tin. Một số sai lầm về ánh mắt khi thuyết trình như:

 

  • Một người nói thiếu kinh nghiệm thì ánh mắt thường đảo liên tục, hay nhìn lên nhìn xuống, liếc ngang liếc dọc.
  • Ánh mắt hướng lên là biểu hiện của sự kiêu ngạo và coi thường người nghe, ánh mắt nhìn xuống, có nghĩa là diễn giả đang xấu hổ, sợ hãi hay hối hận vì một điều gì đó
  • Ánh mắt nhìn trái, nhìn phải là biều hiện của sự hốt hoảng hay lúng túng còn nếu khi nói mà nhìn ra cửa sổ thì diễn giả có lẽ không thèm để ý đến người nghe.

 

Một người nói có kinh nghiệm thường vận dụng ánh mắt của mình một cách thích hợp và khéo léo để thể hiện tình cảm của mình, ảnh hưởng và lan tỏa tới người nghe. Học viên có thể từ đôi mắt của người thầy mà cảm nhận được cái hồn của bài giảng và đọng lại một cách sâu sắc trong tâm trí họ.

Không chỉ nhìn để đọc hiểu khán giả, mà bạn phải tạo cho người nghe luôn có cảm giác bạn đang nói chuyện riêng với họ bằng cách nhìn khắp khán phòng, đừng bỏ sót bất cứ góc nào. Nếu nói ở nơi đông người, bạn phải phân bổ thời gian cho từng khu vực khán giả và di chuyển mắt theo nhiều hướng: từ bên trái, qua giữa, đến bên phải; từ trên xuống dưới; từ gần đến xa…

Nên nhớ, giữ được kết nối với người nghe suốt buổi nói chuyện là bạn đã nắm 80% thành công của bài thuyết trình.

Bí quyết sử dụng ánh mắt trong nghệ thuật thuyết trìnhBí quyết sử dụng ánh mắt trong nghệ thuật thuyết trình


Các cách biểu hiện ánh mắt trong kỹ năng thuyết trình

Thứ nhất, là cách nhìn thẳng.

Kỹ năng mềm này yêu cầu người nói luôn nhìn thẳng phía trước, điểm nhìn phải rơi vào giữa mặt người nghe. Nếu buổi đầu thuyết trình còn mang tâm lý ngại nhìn thẳng vào người đối diện, người nói có thể chọn một điểm cố định trên tường hoặc trên đầu người nghe và "treo" mắt vào đó. Trên cơ sở này, thay đổi tia nhìn, bao quát toàn bộ học viên. Như thế mỗi người đều cảm thấy thầy như đang nói với mình, từ đó thu hút sự chú ý của họ. Đồng thời cách nhìn này cũng có lợi cho thầy lúc nào cũng có thể quan sát được không khí toàn cuộc và thái độ người nghe mà điều khiển hành vi, kỹ năng thuyết trình của mình cho phù hợp.

Thứ hai là cách nhìn theo hình vòng tròn

Yêu cầu ánh mắt khi thuyết trình của diễn giả phải quét từ phải sang trái, từ trước ra sau của toàn cuộc, phải tiếp xúc ánh mắt của toàn thể người nghe, tăng cường liên hệ ánh mắt giữa hai bên. Cách này được áp dụng khi cần bao quát nhanh toàn bộ lớp học nhằm tạo cơ sở giao tiếp ban đầu. Trên nền tảng của cách nhìn thẳng, cộng thêm với cách nhìn theo hình vòng tròn có thể thu được hiệu quả tốt.

Thứ ba là cách nhìn điểm.

Đó là cách nhìn ngẫu nhiên, ánh mắt chăm chú quan sát một người riêng biệt, hoặc một góc riêng biệt. Đây là cách nhìn có chủ ý của giáo viên nhằm gây một hiệu ứng nào đó, chẳng hạn, đối với người nghe chăm chú thì phương pháp này có tác dụng dẫn dắt, còn đối với người nghe chưa tập trung thì có tác dụng phê bình, nhắc nhở.

Thứ tư là cách nhìn lướt.

Đây là cách mà có vẻ như giáo viên đang nhìn học viên nhưng thực sự là không thấy các em. Tại sao như vậy? Lớp học có nhiều học viên và mỗi em có những biểu hiện thái độ khác nhau như cười, ngáp, nhăn mặt, đăm chiêu... khi ngồi nghe giảng. Người thầy khi nói thì có thể bị phân tâm khi chứng kiến những biểu lộ như vậy, nhất là giáo viên mới, nhưng nếu khi giảng mà không nhìn học viên thì lại không đạt hiệu quả cao nhất có thể. Và để tránh bị mất tập trung khi giảng thì giáo viên có thể áp dụng cách nhìn này. Khi đó học viên có cảm tưởng như thầy đang nhìn mình, nhưng thực ra người thầy "nhìn" mà không thấy và đang rất tập trung vào bài giảng.

Cuối cùng là cách nhắm mắt.

Khi cần thể hiện một tình cảm hay thái độ nào đó thì người nói có thể nhắm mắt tạm thời và im lặng trong một khoảnh khắc. Ví dụ có thể dùng cách nhắm mắt tạm thời này để thể hiện niềm tiếc thương đối với những hy sinh, mất mát hoặc thể hiện sự khâm phục đối với những người có cống hiến to lớn...


Những điều cần lưu ý để sử dụng ánh mắt hiệu quả trong thuyết trình

Để sử dụng ánh mắt khi thuyết trình cho thực sự hiệu quả, ngoài các biểu hiện ở phía trên, các bạn cần lưu ý những điều quan trọng trong kỹ năng thuyết trình sau đây:

  • Chân thực: Một sự tiếp xúc bằng ánh mắt đầy thuyết phục phải là cái nhìn trực tiếp, nhìn thẳng và chân thực.
  • Giữ sự tập trung: Bạn không nên thay đổi hướng nhìn quá nhanh. Hãy quan sát thật kỹ những người đang nghe mình nói với một khoảng thời gian vừa đủ dài.
  • Không ngừng chuyển tiếp: Không nên chỉ tập trung nhìn chăm chăm vào duy nhất một người nào đó. Nếu bạn làm như vậy, cả bạn và đối tượng đều cảm thấy rất khó chịu mà bản thân bạn không biết.
  • Thường xuyên thay đổi: Không nên chĩa cái nhìn ra đa đầy soi mói về phía người nghe. Cái nhìn của bạn phải là cái nhìn thiện cảm, thể hiện sự tự nhiên và chân thành.
  • Giữ sự trao đổi qua lại với người nghe: người nghe đến nhìn bạn và nghe bạn nói, họ cần được bạn quan tâm do đó bạn không nên chỉ nhìn chăm chăm vào một ai đó hay người ngồi hàng ghế cuối cùng hoặc bức tường cuối phòng, mà hãy đảo mắt liên tục để có thể quan sát được tất cả mọi người.
  • Tạo không khí thân thiện, vui vẻ: Khi bạn cảm thấy căng thẳng hoặc xấu hổ bạn sẽ tìm cách lảng tránh ánh mắt của những người đang nghe đang chiếu vào bạn? Bạn phải vượt qua nó bởi vì bạn càng lảng tránh sẽ để cho người nghe biết rằng bạn đang không tự tin vào chính những thông tin mà bạn muốn truyền đạt cho họ. Hãy tạo không khí thoải mái, lấy lại bình tĩnh và đừng lảng tránh, nếu muốn tránh nhìn vào mắt của họ lúc này, bạn hãy nhìn vào một điểm nào đó trên khuôn mặt của họ, lúc này thoải mái cho bạn hơn.
  • Cố gắng tạo sự tiếp xúc bằng ánh mắt với tất cả mọi người: hãy hướng cái nhìn đến tất cả mọi người trong buổi thuyết trình, để mọi người biết rằng bạn quan tâm đến tất cả các biểu cảm của họ cho đề tài của bạn.
  • Khi xem bản thảo: Lúc này bạn vẫn có sự giao tiếp bằng ánh mắt chứ không phải nhìn chằm chằm vào tài liệu và nói thao thao bất tuyệt, bạn nên tránh điều này nhé.
  • Khi bạn dụng các công cụ tác động, hỗ trợ thị giác: Khi bạn đưa mắt lên để chỉ các số liệu các hình ảnh mình họa trên máy chiếu, hay các biểu đồ, bức tranh, bạn vẫn phải đưa mắt nhìn xuống người nghe.

Kết luận

Để thuyết trình trước đám đông hiệu quả, bạn phải chú ý và rèn luyện cách sử dụng ánh mắt của mình. Vì sự giao tiếp phi ngôn ngữ này góp một phần không nhỏ vào việc bạn thành công hay thất bại trong bài thuyết trình của bạn. Hơn thế nữa, giao tiếp bằng mắt hiệu quả khi thuyết trình còn là chìa khóa để bạn xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp sau khi buổi thuyết trình kết thúc.

Tổng hợp

Bài viết theo chủ đề: kỹ năng thuyết trình, nghệ thuật thuyết trình, sử dụng ánh mắt khi thuyết trình, các cách sử dụng ánh mắt hiệu quả, biểu hiện ánh mắt trong thuyết trình.