Đã bao giờ bạn đọc email từ đồng nghiệp và hiểu nhầm ý của những con chữ trên màn hình chưa? Bạn cảm thấy nó có vẻ như đang chỉ trích bạn và công việc của bạn, nhưng thật lòng người ta không có ý như vậy. Hoặc một dịp nào đó bạn nói chuyện điện thoại với khách hàng ,và chỉ qua âm điệu giọng nói của họ, bạn biết chuyện làm ăn kỳ này có rắc rối rồi.



Học cách giao tiếp thật rõ ràng

Quá trình đối thoại không đơn chỉ có những từ ngữ. Nó còn bao gồm các yếu tố chủ đạo: âm điệu giọng nói, nét mặt, và ngôn ngữ cơ thể. Những yếu tố này giúp người khác hiểu chính xác ý ta muốn nói. Cho nên phải thật cẩn thận nếu chúng ta buộc phải giao tiếp trong những tình huống không thể sử dụng chúng (qua điện thoại, qua internet…).

Công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học Albert Mehrabian ở thập niên 60 đã chỉ ra rằng chất lượng của một đoạn hội thoại phụ thuộc đến 93% vào sắc thái giọng nói và ngôn ngữ cơ thể, trong khi vai trò của từ vựng chỉ chiếm 7% ít ỏi còn lại. Nhưng điều này thường bị hiểu sai nên phải thật cận thẩn.

Dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Mô hình giao tiếp của Mehrabian và cách sử dụng nó trong đời sống hàng ngày.

 


Bí quyết giúp bạn luôn chuẩn mực và khôn khéo trong giao tiếp - Ảnh 1



Mô hình giao tiếp của Mehrabian

Công trình nghiên cứu “Kết luận về những sắc thái trong giao tiếp không lời“ của nhà tâm lý học Albert Mehrabian cho biết được mối liên hệ mật thiết giữa giao tiếp bằng nói và không lời.

Trong bản nghiên cứu đầu tiên, Mehbrabian phân ra ba loại sắc thái “tích cực”, “trung lập”, “tiêu cực” trong âm điệu và nét mặt.

Lấy ví dụ, ông cho những người thử nghiệm dùng từ “có thể”. Mục đích của ông là để kiểm tra việc đánh giá sắc thái của một người , bởi từ “có thể” nghĩa của nó rất trung tính. Người nói sẽ sử dụng cả 3 loại sắc thái, và người nghe có nhiệm vụ đánh giá được đó là loại sắc thái gì dựa trên âm điệu của giọng nói.

Nghiên cứu trên cho phép Mehrabian đánh giá được tầm quan trọng giữa 3 trong số các yếu tố chủ đạo trong giao tiếp: từ ngữ, âm điệu và vẻ mặt. Ông muốn biết được yếu tố nào đứng đầu trong đối thoại giữa người với người.

Cuối cùng nhà tâm lý học đi đến kết luận, trong những tình huống liên quan đến cảm xúc và thái độ, nét mặt đóng vai trò trọng yếu nhất, tiếp theo đó là âm điệu giọng nói, còn từ ngữ chỉ đứng ở vị trí “em út”.

Bên cạnh đó, Mehrabian còn tìm hiểu về tác động của “mâu thuẫn trong giao tiếp”. Vậy “Mâu thuẫn trong giao tiếp” là gì? Là khi nét mặt và giọng điệu của chúng ta rõ ràng lại chẳng đi đôi với lời ta nói. Và nếu trường hợp đó xảy ra, người ta sẽ chú ý và phản ứng lại yếu tố nào mạnh nhất: nét mặt? giọng điệu? hay từ ngữ? Một lần nữa Mehrabian vẫn chọn nét mặt và giọng điệu.

Ví dụ cụ thể: Ta nói “Go away!” nhưng với giọng điệu tích cực (mặc dù nghĩa của từ này là tiêu cực), người nghe vẫn hiểu được thiện ý của ta.

Đúc kết lại tất cả những điều trên, Mehrabian đã đưa ra được công thức sau:

Tổng cộng chất lượng tình cảm/ thái độ được truyền đạt trong giao tiếp = 7% lời nói + 38% âm điệu + 55% nét mặt.




Bí quyết giúp bạn luôn chuẩn mực và khôn khéo trong giao tiếp - Ảnh 2



Thường bị hiểu sai

Kể từ khi được công bố, nghiên cứu của Mehrabian trở nên rất nổi tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên nó lại thường bị hiểu nhầm do người ta nghĩ công thức của Mehrabian có thể áp dụng với tất cả các hình thức giao tiếp.

Mehrabian đã đính chính lại trên trang web của mình rằng nghiên cứu của ông chỉ phù hợp với những tình huống giao tiếp trong đó có sự tham gia của cảm xúc và thái độ. Ông cho hay: “Những điều trên sẽ không thể được áp dụng trừ khi người giao tiếp đó nói về cảm xúc hay thái độ của họ”



Làm thế nào để dùng được nó

Vậy làm thế nào để ta có thể áp dụng chính xác Mô hình giao tiếp Mehrabian trong đời sống?

Nắm được những kiến thức của Mô hình Mehrabian sẽ rất có lợi trong việc trao đổi email, khi bạn đang muốn truyền tải những thông tin có tính nhạy cảm hay cảm xúc.

Nét mặt hay giọng điệu của bạn đều vô dụng trong tình huống này, cho nên cần cẩn trọng hơn nữa trong việc chắt lọc từ ngữ cho phù hợp. Bởi vì việc thiếu đi hai công cụ đắc lực kia rất có thể khiến cho thông điệp của bạn bị hiểu sai. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn phải nói về những vấn đề có dính líu đến tình cảm.

Mô hình Mehrabian cũng tỏ ra hữu ích khi giao tiếp trên điện thoại. Hãy nhớ kỹ một điều: khi không thể biểu đạt được vẻ mặt thì giọng điệu và vốn từ của bạn lại đóng vai trò cốt lõi. Cẩn thận tối đa hai yếu tố này, đảm bảo sao cho chúng khớp với mục đích và thông điệp thật sự của bạn.




Bạn có thể sử dụng Mô hình Mehrabian để làm kim chỉ nam cho hành động của mình.

VD: Thử tưởng tượng khi bạn phải thông báo một tin không mấy dễ chịu cho đồng nghiệp của mình. Bạn buộc phải phê bình phong cách làm việc của anh ta. Nhưng thay vì gọi điện hay email cho nhanh thì bạn chọn cách đối thoại trực tiếp, bởi bạn biết rằng khi đối thoại trực tiếp sẽ được tự do thể hiện nét mặt, giọng nói cũng như ngôn ngữ cơ thể thể để có thể hoàn toàn chuyển tải được thông điệp với độ chính xác cao nhất, tránh được những rủi ro không đáng có. Từ đó bạn nhanh chóng đánh giá được phản ứng của người đồng nghiệp để điều chỉnh cách trình bày thông điệp một phù hợp hơn.



 

Bí quyết giúp bạn luôn chuẩn mực và khôn khéo trong giao tiếp - Ảnh 3



Mô hình Mehrabian còn áp dụng được trong những cuộc họp. Hãy hình dung cảnh bạn đang thuyết trình một dự án đầy tâm huyết, khi bạn đưa ra cam kết về dự án đó, chính ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của bạn sẽ tăng thêm sức thuyết phục cho lời bạn nói bởi nó giúp bạn bộc lộ được nhiệt huyết của mình.

Trong các buổi phỏng vấn, Mô hình Mehrabian cũng đóng góp không nhỏ. Hãy chú ý vào biểu hiện của các ứng cử viên khi họ trả lời những câu hỏi khó bạn đưa ra.

VD: “Bạn cảm thấy thế nào về khả năng làm việc cho công ty chúng tôi”. Vẻ mặt và giọng nói của họ sẽ giúp bạn đánh giá được rằng họ có thật tâm khao khát công việc này không, hay chỉ đơn thuần là kiếm việc làm.



Điểm cốt lõi

Mô hình giao tiếp Mehrabian giúp chúng ta ý thức được tầm quan trọng to lớn của nét mặt và âm điệu giọng nói về việc giúp truyền tải chính xác thông điệp ta đưa ra. Tuy nhiên điều này chỉ có thể áp dụng khi bạn nói về cảm xúc và thái độ.

Trong các tình huống nhạy cảm, cần đảm bảo rằng sắc mặt cũng như giọng điệu của bạn phải “nặng ký” hơn từ ngữ bạn dùng. Bạn sẽ hạn chế được những hiểu nhầm trong giao tiếp nếu nắm vững được điều này.


Theo baomoi.com