Tại sao kể chuyện trong kỹ năng thuyết trình luôn có sức hấp dẫn?

Bạn vẫn nhớ câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ bạn được nghe kể hồi nhỏ chứ? Bạn có nhớ bất kỳ bài thuyết trình nào bạn được nghe vài năm trước không? Tất cả những bài thuyết trình hiệu quả đều được bắt đầu bằng cách tiếp cận kể một câu chuyện. Vì sao lại như vậy?

1. Các câu chuyện dễ nhớ đối với bộ não con người bởi chúng khơi dậy cảm xúc và kích hoạt thị giác, thính giác và tâm tư tình cảm.

Ba năm trước, một phụ nữ đã kể cho tôi nghe một câu chuyện qua điện thoại tại một hội thảo trực tuyến. Câu chuyện kể về khoảng thời gian cô làm y tá tại một bệnh viện, trong lúc thành phố của cô bị oanh tạc trong chiến tranh. Không hề có bất kỳ điểm mâu thuẫn hay một kết luận rõ ràng, nhưng dù nhiều năm trôi qua, tôi vẫn có thể kể lại tường tận câu chuyện này.

Đây chính là quyền năng của những câu chuyện. Nếu bạn nghi nhớ chỉ một điều duy nhất trong cuốn sách này, điều tôi muốn bạn nhớ sẽ là: “Hãy kể một câu chuyện và liên kết nó với luận điểm”.

2. Đôi khi bạn có thể trả lời trực tiếp một câu hỏi bằng cách kể một trong những câu chuyện xảy ra trong đời bạn.

Ví dụ: “Hãy kể cho tôi nghe về ngày đầu tiên bạn tới trường”. Bạn có thể dễ dàng trả lời bằng cách kể một câu chuyện về ngày đầu tiên của bạn ở trường.

Nếu bạn nhớ một số câu chuyện nhất định, bạn có thể chuyển tiếp từ bất kỳ câu hỏi nào sang chúng bằng những cụm như: “Việc này nhắc tôi nhớ đến” hay “Điều quan trọng hôm hay”.

Kiến tạo một câu chuyện hư cấu khi đang nói. Hãy tạo ra một câu chuyện tưởng tượng để hỗ trợ luận điểm của bạn. Bạn có thể nói: “Thử tưởng tượng” hoặc ‘Giả sử…” và thả mình theo sự tưởng tượng.

Chẳng hạn, bài thuyết trình của bạn có thể bắt đầu bằng: “Tôi chưa từng đi câu, nhưng tôi hình dung rằng…”. Hãy thử xem, cách tiếp cận này rất hiệu quả và thú vị. Nhiều khán giả rất thích cách tiếp cận này.

Bí quyết để bài thuyết trình hấp dẫn: Kể một câu chuyệnBí quyết để bài thuyết trình hấp dẫn: Kể một câu chuyện

3. Các câu chuyện có sức mạnh to lớn khi truyền cảm hứng bởi chúng tạo nên những khung hình trong trí tưởng tượng của khán giả.

Một người có kỹ năng thuyết trình và nói trước đám đông chính là người biết dùng các chi tiết để khiến các câu chuyện trở nên chân thực trong trí óc khán giả.

Hãy hình dung một diễn giả nói rằng: “Tôi đã thua trận đấu đầu tiên trong một cuộc thi karate, nhưng tôi rất quý trải nghiệm ấy”. Bạn có thấy câu này thú vị không? Bạn có thấy nó dễ nhớ không? Nó có giúp bạn hình dung được câu chuyện không?

Tôi sẽ nhắc lại một phân đoạn trong câu chuyện: “Trận đấu kéo dài một phút rưỡi. Tôi đấm, đá và đỡ, nhưng hầu hết tôi chỉ có ăn đấm. Sau 45 giây, tôi thấy kiệt sức hoàn toàn, như thể tôi không nhấc nổi tay lên, những cú đấm của tôi giảm đi nhiều. Khán giả hò reo: “Andrii!Andrii”. Khi bạn nghe thấy tên mình vang lên, hẳn điều đó sẽ tiếp thêm sức lực và sức mạnh cho bạn để chiến thắng, nhưng trường hợp của tôi thì ngược lại hoàn toàn. Tin được không? Đối thủ của tôi cũng tên là Andrii! Cậu ta đã lên đai xanh và có hơn 7 năm kinh nghiệm tập karate. Tôi thua trận ấy. Tôi bị đánh te tua. Nhưng tôi thật sự thấy rất vui!”.

Lần mô tả thứ 2 về cùng một trận đấu cung cấp cho bạn nhiều chi tiết hơn hẳn. Bạn biết được lai lịch đối thủ karate của tôi, khán giả cổ vũ cho ai, trận đấu kéo dài bao lâu và tôi cảm thấy điều gì trong lúc thi đấu. Tất cả các chi tiết này khiến câu chuyện trở nên dễ nhớ. Bạn sẽ quên đi các câu từ nhưng bạn sẽ ghi nhớ những khung hình hiện lên trong trí tưởng tượng của bạn nhờ những câu từ ấy.

Chú ý: Chi tiết là yếu tố quan trọng nhất của bất cứ câu chuyện nào. Hãy kể các câu chuyện khi thuyết trình và làm giàu chi tiết cho chúng. Nguyên tắc này sẽ giúp bạn trở thành một diễn giả có kỹ năng thuyết trình tài ba.

Vậy làm sao để có kỹ năng thuyết trình hấp dẫn nhờ vào những câu chuyện?

"Làm thế nào để kể một câu chuyện hay?” – Đây là một câu hỏi khó với nhiều bạn, bởi quá trình biến những ý tưởng và nội dung thô thành những ngôn từ đầy hấp dẫn chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng với những nhà diễn thuyết. Hãy tham khảo 7 dạng câu chuyện trong cuốn The Seven Basic Plots: Why We Tell Stories, Christopher Booker. Đây không phải là một danh sách hoàn hảo dù theo nghĩa nào đi nữa – nhưng hãy thử nghĩ đến 1 cuốn sách, 1 bộ phim, hay 1 vở kịch mà không thuộc một trong những dạng này xem.

1. Chiến thắng Quái vật

Bộ phim Beowulf và Star Wars: A New Hope có điểm gì giống nhau? Trong cả hai câu chuyện, nhân vật chính đều bắt đầu hành trình tiêu diệt một kẻ xấu quyền năng hoặc một thế lực hắc ám đang đe dọa đến quê hương, gia đình của anh/cô ấy.

Thông thường, dường như cơ hội chiến thắng đều không nghiêng về phía có lợi cho các anh hùng của chúng ta, nhưng sự dũng cảm và tháo vát của họ đã giúp họ vượt qua nguy hiểm.

Câu chuyện này phù hợp khi bạn:

  • Nói chuyện về việc bạn đã thành công mặc dù cơ hội chiến thắng của bạn rất thấp
  • Bàn luận về những bài học cuộc sống mà một trải nghiệm tương tự như vậy đã dạy bạn
  • Thể hiện việc bạn, nhóm của bạn hoặc công ty của bạn đã trở nên mạnh mẽ hơn như thế nào khi đối mặt với nghịch cảnh

2. Từ Nghèo khó đến Giàu có

Một anh hùng với xuất thân bần hàn đã đạt được những thứ mà cô ấy hoặc anh ấy muốn – tiền, quyền lực, người yêu – trước khi mất tất cả và rồi lại chiến đấu để dành lại những điều đó thêm một lần nữa.

Nhân vật chính thường sẽ có nhiều hơn những thứ mà họ có thể xử lý và không thể đương đầu với thành công của mình – trước khi trưởng thành và dành lại những điều họ mong ước.

Câu chuyện này phù hợp khi bạn:

  • Nói về tầm quan trọng của việc đương đầu với những sai lầm của bản thân
  • Bàn luận về lợi ích của việc chấp nhận rủi ro và khả năng bị tổn thương
  • Thể hiện câu chuyện nhân vật thiện đã có được thành công ngày hôm nay như thế nào

3. Hành trình và Trở về

Nhân vật chính du lịch đến một nơi hoàn toàn xa lạ, gặp những người mới và vượt qua hàng loạt những thử thách, cố gắng để trở về nhà. Những tình bạn mới và sự thông thái vừa lĩnh hội của họ cho phép họ tìm đường trở về nhà một lần nữa.

Kịch bản này phổ biến trong các câu chuyện của trẻ em bởi vì nó thường kể về việc nhân vật chính phát hiện ra một hòn đảo kỳ diệu để khám phá.

Câu chuyện này phù hợp khi bạn:

 

  • Nói về những lợi ích của việc sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm.
  • Thể hiện việc nhân vật chính đã học được gì trong suốt những chuyến đi của mình
  • Thể hiện sức mạnh của tình bạn

 

4. Cuộc chinh phục

Người anh hùng bắt đầu cuộc săn tìm một phần thưởng cụ thể, vượt qua hàng loạt những thử thách và cám dỗ. Họ có thể có khuyết điểm ngăn cản họ trong quá khứ mà họ cần phải vượt qua để thành công.

Cô ấy hoặc anh ấy thường được đồng hành bởi một nhóm những người cùng chí hướng với những kỹ năng bổ sung cho nhau, hỗ trợ cô ấy hoặc anh ấy trong suốt quãng đường.

Câu chuyện này phù hợp khi bạn:

 

  • Nói về tầm quan trọng của việc kiên trì theo đuổi niềm tin của mình
  • Thể hiện nhân vật chính đã trưởng thành về mặt cảm xúc như thế nào để có thể thành công
  • Thể hiện sức mạnh của làm việc nhóm

 

5. Câu chuyện Hài hước

Chuyện hài là một câu chuyện vui vẻ tập trung vào một số mâu thuẫn (thường liên quan đến những hiểu lầm hoặc nhận dạng nhầm) dẫn đến xung đột trước khi có một kết thúc vui vẻ.

Đôi khi chuyện hài hước sẽ tập trung vào một anh hùng và một nữ anh hùng được định sẵn sẽ ở bên nhau – tuy nhiên, những thế lực bên ngoài lại khiến họ rời ra nhau. Cuối cùng, mâu thuẫn được giải quyết và mọi người trở về nhân dạng thật của mình.

Câu chuyện này phù hợp khi bạn:

 

  • Nói về những khó khăn ban đầu của một mối quan hệ trong giao tiếp thường ngày– quan hệ lãng mạn, quan hệ xã hội hoặc kinh doanh
  • Bàn luận những điều nhân vật chính đã học được từ việc thương lượng trong một hoàn cảnh khó khăn
  • Thể hiện việc các bên đã thấu hiểu và ủng hộ nhau như thế nào

 

6. Câu chuyện Bi kịch

Nhân vật chính là một người xấu tính hoặc khó chịu, thường là kẻ ác, và câu chuyện diễn tả sự thất bại của anh ta hoặc cô ta, điều được xem như là một kết thúc có hậu.

Đôi khi kẻ ác sẽ bắt đầu hối hận vì hành động độc ác của mình ở cuối câu chuyện, nhưng thường sẽ là quá muộn và họ chết hoặc bị hủy hoại. Thất bại của một kẻ ác sẽ cho phép những nhân vật “tốt” còn lại của câu chuyện phát triển.

Câu chuyện này phù hợp khi bạn:

 

  • Sử dụng nhân vật nguyên tắc để đại diện và giải thích một vấn đề lớn hơn trong xã hội
  • So sánh các giá trị và quy tắc của riêng bạn với những người khác
  • Thể hiện cách làm thế nào để KHÔNG làm một việc gì và những điều chúng ta có thể học từ lỗi lầm của những người xấu

 

7. Tái sinh

Nhân vật chính là một nhân vật xấu hoặc khó chịu, đã được cho thấy lỗi lầm trong hành động của mình và biết chuộc lỗi trong suốt chiều dài câu chuyện.

Thường sẽ có một nhân vật hỗ trợ quá trình sám hối để giúp đỡ nhân vật ác thực hiện sự chuyển đổi. Nhân vật giúp sám hối này thường ở dưới dạng một đứa bé hoặc người mà nhân vật chính yêu, và công việc của họ là để cho nhân vật chính biết thế giới quan của họ đã bị bóp méo như thế nào và cho họ thấy tình yêu.

Câu chuyện này phù hợp khi bạn:

  • Nói về một trải nghiệm giúp khai sáng cho bạn
  • Thể hiện tầm quan trọng của việc có được sự hỗ trợ từ người thân
  • Thể hiện rằng mọi người đều có khả năng thay đổi để trở nên tốt hơn.

 

Kết luận:

Để buổi thuyết trình không rơi vào tình trạng quá nghiêm túc, các diễn giả nổi tiếng trên thế giới đều sử dụng câu thần chú: “kể một câu chuyện”. Còn gì hấp dẫn hơn khi bạn tiếp nhận một thông điệp đến từ những trải nghiệm của chính họ. Ai cũng có câu chuyện của riêng mình, điều quan trọng là bạn có biết sử dụng chúng thành bí quyết thuyết trình hiệu quả không? Vì thế, hãy tập luyện kỹ năng thuyết trình ngay từ bây giờ và tự đặt câu hỏi: “Mình sẽ kể chuyện gì trong buổi thuyết trình hôm nay?”

Bài viết có tham khảo từ Ybox

Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng, kỹ năng sống, kỹ năng thuyết trình, thuyết trình hiệu quả, kể chuyện khi thuyết trình, bí quyết thuyết trình hấp dẫn, nói trước đám đông.