Làm thế nào để cái bắt tay mang hiệu quả trong các tình huống giao tiếp?


Bắt tay không đơn giản là một kỹ năng giao tiếp, mà nó còn là một cử chỉ văn hoá, một nghệ thuật, một kỹ năng sống. Cũng có những cái bắt tay làm đôi bên xích lại gần nhau. Có những người chỉ sơ suất trong việc bắt tay, khiến đối tác tự ái, dẫn tới hỏng việc.

Bắt tay - nét đẹp văn hóa cần chú trọng

Bắt tay trong giao tiếp thể hiện sự thân thiện, tình cảm quý mến nhau. Những người bạn thân lâu ngày mới gặp nhau thể hiện một cách bắt tay ban đầu, mừng rỡ tươi cười, gọi là "tay bắt mặt mừng".

Nhưng cũng có những cái bắt tay không văn hóa, bất đắc dĩ phải chìa tay ra cho người khác nắm, ví như một lãnh đạo đứng trên bậc hè cao, đưa bàn tay ra cho nhân viên đứng dưới nắm, tay kia để trong túi quần, mặt nhìn đi nơi khác hay một người bề trên ngồi trên ghế sa lông trong nhà, người khách vào chìa tay bắt, người ngồi ghế vẫn cứ ngồi, miệng nói chuyện với người khác, đưa bàn tay ra nắm một cách hờ hững.

Bắt tay là một kỹ năng quan trọng trong nghệ thuật giao tiếp

Bắt tay là một kỹ năng quan trọng trong nghệ thuật giao tiếp

Hay một người nam giới khi bắt tay chị em phụ nữ nắm quá chặt, giữ quá lâu không chịu buông ra... Những cử chỉ đó thật thiếu văn hóa, không tôn trọng nhau, gây sự bất bình đẳng trong giao tiếp.

Còn một kiểu bắt tay nữa ở địa phương tôi mới xuất hiện, trong các đám cỗ bàn, tiệc tùng, người ta thường mượn rượu để chúc tụng nhau. Sau khi cụng chén họ uống một hơi sau đó lần lượt bắt tay nhau. Trong bữa ăn có hàng chục lần bắt tay như vậy vừa rườm rà, vừa mất vệ sinh khi ăn uống.

Bắt tay là nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, thể hiện tình cảm quý mến nhau, là màn chào hỏi ban đầu để làm quen cho cuộc nói chuyện tiếp theo. Vậy phải bắt tay sao cho đúng cách để không làm mất đi ý nghĩ của cử chỉ thân thiện này.

Bốn bước giúp bạn bắt tay đúng cách trong nghệ thuật giao tiếp

Bước 1: Ai là người chủ động

Trong khi gặp gỡ, nói chung, người có tuổi hoặc có địa vị xã hội cao hơn thường là người chủ động chìa tay ra bắt, ví dụ như giám đốc bắt tay các trưởng phòng, hoặc nhân vật được phỏng vấn bắt tay các phóng viên. Trong trường hợp đại diện hai bên đối tác đều ngang hàng, bên chủ nhà cũng sẽ là bên chủ động bắt tay trước. Tuy thế, đôi khi chính việc người khác mở rộng tay ra bắt trước, bất kể địa vị xã hội, cũng là một cách gây ấn tượng về sự tự tin và táo bạo.

Bước 2: Hãy đứng khi bắt tay

Đứng khi bắt tay gần như là một yêu cầu bắt buộc. Khi bạn đang ngồi mà có một người khác chìa tay ra bắt, hãy đứng lên và nắm lấy tay họ, thay vì tiếp tục ngồi và để đối tác phải cúi người xuống. Tất nhiên, trừ trường hợp hạn chế về thể chất như bạn đang ốm nặng, không thể đứng lên được, hoặc không thể di chuyển được, còn thì tư thế bắt tay đúng nhất là tư thế đứng thẳng.

Bước 3: Giao tiếp cơ thể

Khi bắt tay, cần có một sự tiếp xúc giữa phần khum của lòng bàn tay và mặt trong của các ngón tay với đối tác. Sau khi nắm tay và lắc vài lần, ánh mắt của bạn và của đối tác phải gặp nhau và duy trì sự kết nối trực tiếp.

Đừng bắt tay quá lỏng lẻo, nhưng cũng đừng nắm quá chặt và khiến đối tác của bạn phải rú lên vì đau. Người ta cho rằng cái bắt tay sẽ nói lên tính cách và con người của bạn. Người bắt tay nhẹ và không có lực thường là người hay lo lắng, hời hợt, còn người bắt tay chặt là người mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, bắt tay quá chặt thì lại thành thất thố.

Bước 4: Đúng thời điểm

Hãy bắt đầu bắt tay ngay sau khi đã tự giới thiệu. Đừng vì quá tập trung vào việc giới thiệu bàn tay của mình hơn chính bản thân mình. Đừng giữ tay đối tác quá lâu. Thông thường, người ta sẽ nắm tay và lắc trong khoảng 3-4 nhịp là vừa đủ. Giữ tay đối tác, nhất là đối tác nữ quá lâu thì quả là bất lịch sự. Ngay khi gặp gỡ lần đầu tiên, cách bắt tay của bạn chính là một phương thức mạnh mẽ để giới thiệu về con người bạn và gây ấn tượng với đối tác. Chính vì vậy, hãy sử dụng kỹ năng giao tiếp này thật hiệu quả, để đối tác thấy trước mặt mình là một con người bản lĩnh, tự tin, chân thành và có thể tin tưởng được.

Những điều nên và không nên khi thực hiện bắt tay

  • Khi bắt tay ai đó, bạn hãy tiến lại phía người đó với nét mặt tươi cười. Hãy dừng lại ở khoảng cách an toàn, rồi chìa tay về phía người đó. Chìa tay sớm để người ta phải nhoai người về phía bạn, hay tiến tới gần quá khiến người ta phải đứng lùi lại một bước là điều không nên. Hãy nắm cả bàn tay đối tác, sao cho ngón tay cái của bạn khít lên ngón cái của người ta, lắc 3 – 4 nhịp rồi buông ra là đủ.
  • Xin bạn chớ nhiệt tình quá mà bóp tay người ta quá mạnh, giật tay người ta quá lâu khiến người ta đau, nhất là đối với phụ nữ. Hãy nhớ bắt tay là thủ tục giao tiếp chứ không phải là thi “vật tay”. Nhưng bắt tay hời hợt, yếu ớt, chưa chạn đã buông, hay bắt tay kiểu cầm vài ngón tay cũng là không đạt tới mức kỹ năng.
  • Đừng để tay ướt, dính nhớp mồ hôi mà bắt tay khiến người ta có cảm giác cầm vào “con cá chết”. Nếu tay bạn bận hay bẩn, bạn cứ xin lỗi rằng bạn không thể bắt tay, chứ đừng chìa cánh tay, cùi tay ra để người ta bắt vào đó. Làm thế khác nào thay vì hôn môi, bạn lại chìa gáy cho người ta.
  • Những bạn đeo nhẫn thì lưu ý để chúng không trở thành vũ khí sát thương đối phương. Nếu bạn là người thuận tay trái, cũng cố gắng chìa tay phải để bắt tay, không nên để đối tác phải rụt tay phải của họ lại để đổi sang tay trái cho giống bạn.
  • Bạn chỉ bắt tay khi cả hai cùng đứng dậy hoặc cùng ngồi. Tối kỵ là khi một người ngồi, một người đứng lom khom, hay một người đứng trên bục cao, bậc trên của cầu thang, một người ở thấp hơn. Hãy bước tới, nghiêng người về phía trước một chút để bắt tay. Nhìn đối tác với mét mặt tươi vui, tránh bắt tay người này, nhưng mắt nhìn người thứ hai, miệng chào người thứ ba.
  • Với người lớn tuổi, nên cúi thấp hơn một chút để tỏ vẻ kính trọng. Bạn không cần thiết ấp cả hai bàn tay của mình vào tay người khác, hay cúi rạp mình, khiến người ta có cảm giác bạn nhúm mình khúm núm quá mức.
  • Hãy bắt tay kèm lời chào, gọi đúng tên, sau đó giới thiệu bản thân. Ví dụ: Khi bắt tay, bạn hãy nói: Chào anh/chị, tôi là Khánh, biên tập viên website ABC.vn, rất vui được gặp anh/chị.
  • Khi bắt tay ai đó, bạn hãy truyền cho người ta cảm giác thân thiện, cởi mở, sức mạnh của sự tự tin, khả năng làm chủ bản thân, để lại ấn tượng tốt đẹp. Đó là khởi đầu của mối quan hệ tốt đẹp và thành công.

Văn hóa bắt tay cần biết của các nước trên Thế giới

Ở mỗi quốc gia đều có phong tục, văn hóa khác nhau. Vì thế việc “nhập gia tùy tục” mỗi khi du lịch đến một đất nước mới là điều vô cùng quan trọng. Dưới đây là những kiểu bắt tay khác nhau của từng nước trên Thế giới, bạn cần chú ý để thực hiện cho đúng khi du lịch hoặc gặp đối tác, khách hàng đến từ các quốc gia này nhé!

Mỹ

Đối với người Mỹ, khi bạn giới thiệu tên đồng nghĩa với việc bắt tay.

Úc

Nếu bạn là phụ nữ mà bắt tay đàn ông thì phụ nữ nên chủ động đưa tay ra trước. Đặc biệt, phụ nữ Úc sẽ không bắt tay với người cùng giới.

Morocco

Một cái bắt tay nhẹ nhàng và chỉ bắt tay với người cùng giới.

Nga

Người Nga sẽ không bắt tay với người khác giới ngoại trừ trong tình huống giao tiếp với đối tác kinh doanh. Đàn ông Nga thường hôn lên tay phụ nữ.

Mexico

Người dân ở đây thường có cái bắt tay rất lâu, và nếu bạn là đàn ông thường ôm sau khi bắt tay.

Hàn Quốc

Hầu hết những người lớn tuổi hơn sẽ bắt tay trước và hơi chặt tay nhẹ một chút

Thổ Nhĩ Kỳ

Bắt tay sẽ thể hiện sự thô lỗ mà mọi người thường nắm tay một lúc lâu.

UAE

Bắt tay với người lớn tuổi và không được phép buông tay sớm

Brazil

Bắt tay kéo dài cùng với việc nhìn nhau, và lặp lại khi rời đi

Trung Quốc

Tuổi tác không phải là vấn đề. Ở Trung Quốc, mọi người thường chào người lớn tuổi trước, hơi cúi đầu nhẹ và không nhìn thẳng vào mắt người đối diện.

Anh

Một cái bắt tay rất nhẹ và sau khi bắt tay không được đứng hoặc nói chuyện quá gần nhau.

Thái Lan

Người Thái Lan không bắt tay mà đặt hai tay chụm vào nhau đặt trước ngực và cúi để chào.

Pháp

Người Pháp thường có một cái bắt tay nhanh và rất nhẹ

Thụy Sĩ

Bắt tay với mọi người và gọi tên người đối diện với danh xưng “cô” hoặc “ông”.

Kết luận:

Nếu như dân gian Việt Nam có câu: "Miếng trầu là đầu câu chuyện" thì bắt tay chính là lời mở đầu quen thuộc cho các cuộc giao tiếp, nhất là giao tiếp với đối tác, khách hàng trong kinh doanh. Vì thế, để quá trình giao tiếp được hiệu quả và suôn sẻ, bạn nên học cách bắt tay đúng cách, đúng văn hóa của từng quốc gia trên Thế giới. Như vậy, bạn đã gây ấn tượng tốt với người đối diện rồi đấy! Theo dõi kenhtuyensinh thường xuyên để cập nhật thêm nhiều bài học hữu ích về kỹ năng sống, bạn nhé!

 

Theo: Góc Kỹ Năng


Bài viết thuộc chủ đề: nghệ thuật giao tiếp, giao tiếp hàng ngày, giao tiếp, cách bắt tay trong giao tiếp, kỹ năng giao tiếp, văn hóa bắt tay trên Thế giới