Cách dạy con của người Nhật từ lâu đã khiến thế giới ngưỡng mộ. Trong quá trình dạy con, chắc hẳn các bậc phụ huynh sẽ không ít lần đưa ra những hình phạt cho trẻ, liệu hình phạt đó có quá nặng nề và ảnh hưởng đến tâm lý trẻ không? Sau đây là một số lưu ý khi cha mẹ Nhật phạt con có lẽ sẽ giúp ích cho bạn.
Bạn đã xử lý những hành vi phạm lỗi của trẻ đúng cách chưa?
1. Không phạt con ở nơi công cộng:
Tiểu thuyết gia người Mỹ Kate Lewis cho biết trong nhiều năm sống và làm việc tại Nhật Bản, bà chưa từng bắt gặp hình ảnh cha mẹ Nhật nổi giận với con cái ở nơi công cộng. Điều này bắt nguồn từ nghệ thuật shitsuke, hay còn gọi là nghệ thuật kỷ luật. Nếu con phạm lỗi, cha mẹ sẽ nói chuyện với con ở nơi riêng tư, không mắng con ở nơi đông người hoặc trước mặt người khác. Cách xử lý này giúp trẻ giữ được lòng tự trọng và tránh gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, theo Japan Truly
2. Chỉ phạt lỗi sai của trẻ:
Khi trẻ mắc lỗi, nhiều cha mẹ có xu hướng "giận cá chém thớt" và phạt trẻ bằng nhiều hình thức nặng nề. Tuy nhiên, cha mẹ Nhật Bản chỉ tập trung phạt lỗi sai của trẻ. Ví dụ, khi trẻ làm đổ đồ ăn, làm bẩn sàn nhà, các em sẽ được yêu cầu tự dọn dẹp để ghi nhớ lỗi sai, tránh tái phạm.
3. Hãy quan tâm đến cảm xúc của con:
Cha mẹ Nhật Bản được biết đến là những người nghiêm khắc, nhưng họ luôn tôn trọng con cái và người khác trong mọi hoàn cảnh. Khi con phạm lỗi, dù tức giận, cha mẹ vẫn không nặng lời hoặc có những hành vi, lời nói tổn thương con. Thay vào đó, họ thường thẳn thắn chỉ ra những điều trẻ làm chưa đúng, sau đó làm gương hoặc hướng dẫn trẻ sửa chữa lỗi lầm của mình.
4. Kỷ luật cần đi kèm với khen thưởng:
Khi trẻ đã nhận ra lỗi lầm và biết tự sửa lỗi, các cha mẹ Nhật Bản thường động viên, khen ngợi hành động của con. Nhiều gia đình tin rằng, cơ chế thưởng - phạt sẽ giúp trẻ nhận ra những cố gắng của bản thân được cha mẹ, người lớn ghi nhận, coi trọng. Từ đó, các em sẽ chú ý và tự điều chỉnh hành vi của mình để được công nhận nhiều hơn.
5. Dạy con tính kỷ luật từ bé:
Các gia đình Nhật Bản quan niệm, dạy con, uốn nắn con khi còn nhỏ là cách tốt nhất để trẻ trở thành người kỷ luật, cư xử đúng mực. Vì thế, từ những năm đầu tiên, cha mẹ Nhật đã đặt ra những quy tắc ứng xử để giúp trẻ điều chỉnh hành vi và hình thành thói quen tốt. Dần dần, trẻ không bị người khác kiểm soát và vẫn có thể tự phát triển thói quen đó theo chính khả năng của bản thân. Cách kỷ luật có thể thay đổi theo độ tuổi của trẻ và cách nhìn nhận của cha mẹ. Dù chọn cách nào, cha mẹ Nhật vẫn giúp trẻ tự suy nghĩ, đánh giá và điều chỉnh hành vi của bản thân.
6. Không dỗ dành quá mức:
Nhiều cha mẹ có xu hướng xoa dịu, dỗ dành khi trẻ quấy khóc, nhưng cha mẹ Nhật không làm điều này. Khi trẻ nổi cơn thịnh nộ, la hét, khóc lớn, cha mẹ Nhật thường tỏ ra không quan tâm, thậm chí bỏ đi nơi khác, để trẻ khóc một mình. Cách làm này khiến trẻ nhận ra ăn vạ với người lớn không hiệu quả, từ đó sẽ không tái phạm.
> Làm thế nào khi cha mẹ có thái độ phản đối lựa chọn ngành học của con?
> Những kiểu phụ huynh sẽ dễ dạy ra được con ngoan
Theo Zing News