Băn khoăn khâu chấm thiThầy Trần Trung Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên - phát biểu tại hội nghị lãnh đạo các trường ĐH phụ trách cụm thi THPT quốc gia 2016 - Ảnh: Như Hùng

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì. Có 14 tỉnh/TP chỉ có cụm thi do trường ĐH chủ trì. Số lượng thí sinh ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì ít hơn năm 2015 (do chỉ có số thí sinh của địa phương) và được tổ chức tại tỉnh lỵ.

“Năm ngoái có 38 cụm thi, một cụm ở địa phương có thí sinh hai tỉnh. Vì vậy công tác tổ chức kỳ thi phức tạp hơn do lượng thí sinh đông hơn, chỉ có một trường ĐH chủ trì. Năm nay có 70 cụm thi, một trường ĐH lớn chủ trì cụm thi với số lượng thí sinh ít hơn hẳn so với năm ngoái.

Bên cạnh đó còn có một trường ĐH khác phối hợp tổ chức. Tất cả những trường ĐH chủ trì cụm thi đều là những trường có uy tín và năng lực tổ chức tốt. Công tác tổ chức kỳ thi năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhiều trường từng tổ chức 70.000-80.000 thí sinh, năm nay chỉ có 15.000 thí sinh.

Đồng thời kết hợp với lực lượng thanh tra, kiểm tra của bộ, của địa phương và của các trường nên chắc chắn kỳ thi sẽ tốt hơn” - ông Ga khẳng định.

Chấm thi: bộ muốn trường tự chủ, trường vẫn lo ngại

Tại cuộc họp này Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục ĐH chủ trì tổ chức cụm thi chịu trách nhiệm về: sao in đề thi (có thể liên hệ với các trường có kinh nghiệm để ký hợp đồng sao in), coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo; công bố kết quả thi, in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh; bảo quản bài thi của thí sinh và các tài liệu liên quan của hội đồng thi; xử lý thắc mắc, khiếu nại của thí sinh. Tuy nhiên lãnh đạo nhiều trường ĐH vẫn tỏ ra lo ngại khâu chấm thi.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - băn khoăn: “Nhiều trường ĐH ở TP.HCM phải đến các tỉnh tổ chức thi nên việc chấm thi ở đâu (tại tỉnh đó hay đưa về TP.HCM) là điều cần phải tính. Nếu chấm thi tại địa phương thì việc bảo quản bài thi thế nào, cán bộ chấm thi ra sao...”.

Về việc công bố kết quả thi, theo ông Nghĩa, quy mô cụm thi khác nhau (có cụm ít thí sinh, cụm nhiều thí sinh), vì thế nên có quy định các trường công bố lúc nào. Những cụm ít thí sinh chấm xong trước có được công bố trước hay không.

Nếu đợt 1 có gần 400.000 thí sinh trúng tuyển, trong đó phân nửa thí sinh nộp trực tiếp tại trường; số thí sinh phải nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh trong vòng 48 giờ, liệu dịch vụ bưu điện có đáp ứng nổi khi bưu điện phải chuyển từ 100.000-150.000 giấy chứng nhận kết quả thi đến các trường...

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng muốn kết quả kỳ thi THPT sử dụng để xét tuyển ĐH, CĐ được công bằng thì khâu chấm thi cực kỳ quan trọng. Nếu được Bộ GD-ĐT cho phép, các trường ĐH không sử dụng giáo viên phổ thông của địa phương tham gia chấm thi.

Đại diện Trường ĐH Tây Nguyên cũng lo khâu chấm thi: “Ở Đắk Lắk có hai cụm thi (cụm do Sở GD-ĐT chủ trì và cụm do Trường ĐH Tây Nguyên chủ trì). Về nguyên tắc, việc cử giáo viên chấm thi do sở GD-ĐT phụ trách nhưng bao giờ sở cũng ưu tiên chọn giáo viên tốt để chấm cho cụm địa phương trước, sau đó mới đến cụm trường ĐH chủ trì. Chúng tôi cũng quan ngại chất lượng giáo viên tham gia chấm thi. Bộ GD-ĐT cần có cách nào đó để đội ngũ chấm thi tương đối đồng đều ở hai cụm, tăng cường chất lượng đội ngũ chấm thi” - vị này đề nghị.

Đại diện Trường ĐH Tiền Giang cho rằng nếu không sử dụng giáo viên địa phương chấm thi thì lấy đâu ra người chấm. Bản thân trường ĐH không đủ người chấm. Lực lượng giáo viên chấm thi chủ yếu là từ Sở GD-ĐT cung cấp. Tuy nhiên ông này cho rằng quan trọng là cách tổ chức chấm chặt chẽ và chấm kỹ thì không xảy ra tiêu cực trong khâu chấm thi.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng đối với môn tiếng Anh có hai phần trắc nghiệm và tự luận (chiếm 20%). Mức độ đánh giá 20% phần tự luận tiếng Anh không cao, phần này thêm phức tạp về việc chấm. Tiền để trả cho cán bộ chấm thi phần này rất ít, không ai chịu chấm... Nên chăng năm nay môn tiếng Anh thi trắc nghiệm luôn.

“Đối với môn tiếng Anh tốt nhất chỉ thi tự luận. Nếu phải tiếp tục thi vừa trắc nghiệm vừa tự luận thì cho thí sinh thi trắc nghiệm xong thu bài lại, sau đó tiếp tục phát đề tự luận. Không nên để cả quỹ thời gian chung trắc nghiệm và tự luận” - đại diện ĐH Đà Nẵng đề nghị.

Khuyến khích các trường lập nhóm tuyển sinh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “Bộ muốn giao quyền tự chủ cho các trường trong khâu chấm thi nhưng qua hội nghị ở Hà Nội và TP.HCM, các trường muốn bộ quy định cụ thể hơn đối tượng giáo viên nào được mời, có mời giáo viên của địa phương đó hay không. Ban chỉ đạo kỳ thi sẽ trao đổi kỹ lại việc này để có quy định cụ thể. Hiện nay, Bộ GD-ĐT sẽ đưa những quy định này vào hướng dẫn thực hiện quy chế thi trong tổ chức thi THPT quốc gia được ban hành chính thức trong vài ngày tới”.

Cũng theo ông Ga, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH lập nhóm tuyển sinh. Hiện nay đã có nhóm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng và bộ đang khuyến khích ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH Cần Thơ lập nhóm xét tuyển.

“Nếu các nhóm tuyển sinh được hình thành thì tuyển sinh sẽ rất nhẹ nhàng cho cả nhà trường và thí sinh. Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào bốn trường cùng một ngành trong nhóm trường này. Các trường sẽ biết chắc chắn số thí sinh trúng tuyển vào trường mình và hạn chế ảo” - ông Ga khẳng định.

Về quy định thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi, ông Ga cho rằng thí sinh không phải vất vả tới trường nộp giấy này. Quy chế cho phép thí sinh có hai ngày để suy nghĩ cân nhắc chọn trường đã trúng tuyển để nhập học. Ngày 15-8 có kết quả xét tuyển và đến 17g ngày 17-8 thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi.

“Thí sinh chỉ cần ra bưu điện nộp đúng thời gian quy định (theo dấu bưu điện). Còn giấy chứng nhận kết quả thi này đến trường lúc nào là việc của bưu điện. Các trường có bốn ngày chờ để nhận giấy chứng nhận kết quả thi này. Bưu điện đã cam kết trong tỉnh một ngày, ngoài tỉnh hai ngày” - ông Ga nói.

Về việc công bố điểm thi, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho biết sau khi chấm xong các trường chuyển dữ liệu điểm thi về bộ. Sau khi bộ cập nhật dữ liệu xong sẽ chuyển lại cho các trường rà soát lại rồi công bố điểm. Như vậy thời điểm các trường công bố kết quả thi gần như giống nhau.

4 giải pháp giúp các trường xử lý ảo

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết để hạn chế tình trạng thí sinh ảo, Bộ GD-ĐT đề ra bốn giải pháp:

1. Tuyển sinh theo nhóm trường (trong đợt 1 thí sinh được đăng ký tối đa hai trường, mỗi trường hai ngành; nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm trường sẽ được đăng ký bốn trường, mỗi trường một nguyện vọng).

2. Thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi trong thời gian quy định để các trường biết lượng thí sinh ảo để xét tuyển bổ sung.

3. Không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước (nếu gọi lần thứ nhất chưa đủ, trường được hạ điểm chuẩn để gọi tiếp thí sinh).

4. Quy định thí sinh phải ghi rõ trong phiếu xét tuyển trường đã đăng ký trong đợt đó (nếu thí sinh đã trúng tuyển ở trường cao sẽ không học trường thấp hơn - các trường có thể phán đoán được).

Với bốn giải pháp này sẽ giúp các trường tránh ảo, nhưng giải pháp bộ hi vọng nhiều nhất và mong muốn nhất là tuyển sinh theo nhóm trường.


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160322/ban-khoan-khau-cham-thi/1071385.html