Bạn đã bao giờ thắc mắc vì sao mình phải "xin việc" thay vì "tìm việc"? Liệu có sự khác nhau nào giữa xin việc và tìm việc? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.

Trong từ điển Tiếng Việt Việt Nam, “xin” có nghĩa là ngỏ ý mong người khác cho cái gì hoặc cho phép làm điều gì trong khi “tìm” được hiểu là cố làm sao lấy được, có được một cái gì đó. Như vậy, về căn bản theo ý nghĩa từ ngữ, “xin việc” không giống “tìm việc”. Nếu “xin việc” là hành động ngỏ ý với nhà tuyển dụng để có thể có được công việc đó thì “tìm việc” là hành động chúng ta kiếm và lựa chọn một trong số nhiều công việc sao cho phù hợp với bản thân. Trên thực tế, Chúng ta đang tìm việc chứ không phải xin việc!

tìm việc làm

Tại sao chúng ta lại dùng từ "xin việc" trong khi đây là mối quan hệ cả hai bên đều có lợi?

Trong thị trường lao động rộng lớn, luôn tồn tại cầu nối nơi hoà hợp giữa những điểm tương đồng, sự phù hợp giữa những gì ứng viên có (chất xám, năng lực và sự gắn bó, mức độ cống hiến, đam mê công việc, …) và những gì nhà tuyển dụng cần (sự phát triển của công ty, lợi nhuận, …). Hay nói cách khác, đó là một mối quan hệ hai chiều  tác động qua lại lẫn nhau một cách chặt chẽ, nơi thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích khác nhau của đối phương. Người ta nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam!”. Chỉ khác nhau một tí xíu về cách dùng từ thôi, cũng có thể để lại những hệ quả nhỏ bé đến nghiêm trọng. Tương tự, khi có sự khác nhau về mức độ uy thế giữa hai khái niệm “xin” và “tìm” sẽ nảy sinh ra những vấn đề, vì vậy chúng ta cần thiết phải sử dụng đúng từ ngữ.

1. Mối quan hệ giữa ứng viên và nhà tuyển dụng là mối quan hệ hai bên cùng có lợi

Một hiện tượng có thể thấy rõ đó là khi chúng ta tự mặc định chúng ta đang “xin việc”, chúng ta sẽ cảm thấy chúng ta yếu thế, dường như đang khát khao thứ gì đó lớn lao và mong muốn được chấp nhận. Và những nhà tuyển dụng là những bề trên, người làm chủ còn chúng ta phải giữ thái độ khép nép, chịu mọi sự bố trí, sắp đặt của họ. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm và không thể hiện được hết khả năng của bản thân trong công việc, điển hình là trong những buổi phỏng vấn. Điều đó ngăn cản chúng ta tiến gần hơn với đam mê, con đường sự nghiệp của mình.

Phần đông chúng ta, nhất là sinh viên mới ra trường, thường lựa chọn cách khúm núm, kiêng nể và khiêm nhường, cố gắng tạo ấn tượng tốt nhất cho nhà tuyển dụng dưới thái độ ngoan hiền, lễ phép. Đúng là chúng ta luôn phải giữ thái độ kính trên nhường dưới đối với các vị tiền bối, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn xem họ quá to lớn và uy thế. Điều đó sẽ vô tình làm giảm giá trị của chúng ta. Mối quan hệ giữa ta và nhà tuyển dụng là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, không một ai phải ban ân huệ cho ai. 

2. Tâm thế “xin việc” hình thành nhận thức, tư duy bị động

Vấn đề tiếp theo đó chính là sự hình thành trong nhận thức, tư duy một bộ phận người Việt bị động, phụ thuộc. Từ lâu đã hình thành trong tâm trí người Việt quan niệm người có tiền là có quyền, và chúng ta cho doanh nghiệp – những người có tiền, có số vốn và có thể chi trả thu nhập hàng tháng để chúng ta trang trải cuộc sống – cái quyền ưu tiên hơn, được phép đánh giá, phán xét chúng ta như một người đầy tớ, “làm công ăn lương”. Thực chất, khoản tiền lương ấy chỉ là công cụ trao đổi, trung gian thanh toán mua bán chất lượng lao động là chất xám hoặc công sức, thời gian của chúng ta, chứ không phải là thứ có thể quyết định vị thế và quyền hạn. Chúng ta sẽ dễ dàng thỏa hiệp với những yêu cầu của đối phương trong khi nó chưa thực sự tối ưu hoá công bằng giữa hai bên. Và điều đó còn nảy sinh ra những cảm xúc tiêu cực như chán nản, thất vọng, cam chịu và liên tục kêu than về thế giới này. Hậu quả là người đi làm thường xuyên cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại và “nhảy việc” là một trào lưu phổ biến hiện nay mà nguyên do sâu xa của nó xuất phát từ vấn đề sử dụng ngôn từ này.

 

3. Hãy tạo sự công bằng cho thị trường lao động

Thị trường việc làm hiện nay đã có nhiều điều đổi khác. Thế giới luôn vận hành và thay đổi theo chiều hướng tích cực. Sinh ra và lớn lên giữa thời đại công nghệ 4.0 đột phá và nhiều thay đổi đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nỗ lực, cố gắng hoàn thiện và tạo cho bản thân những năng lực nổi bật. Đồng thời, chúng ta phải tạo vị thế riêng cho mình trong chính tiếng nói của mình! Dám lên tiếng và dám khẳng định, từ những điều nhỏ nhặt nhất và trong tuyển dụng cũng là một điều quan trọng. Tuyển dụng là cơ hội về việc làm, nhưng nó cũng phản ánh cơ hội phát triển của doanh nghiệp và quyền lợi của bạn. Đôi khi chính thái độ thẳng thắn, nhưng biết chừng mực của bạn lại là một điểm cộng khá khen trong mắt nhà tuyển dụng đấy!

Tuy nhiên, để tạo được sự công bằng cũng như tiếng nói bản thân có giá trị, hãy tạo ra giá trị cho bản thân trước. Trau dồi, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sẽ giúp chúng ta tự tin thể hiện khả năng và đề đạt mong muốn, nguyện vọng của bản thân và mức lương, định hướng về công việc mà bạn ứng tuyển. Chúng ta bán sức lao động của chính mình để đổi lại mức lương, chế độ phúc lợi tương xứng. Do đó, đừng quá đề cao bản thân, không được kiêu căng, ngạo mạn và cũng đừng hạ thấp giá trị bản thân mình như đang đi xin xỏ một thứ gì đó. Nếu không có những người lao động như bạn, doanh nghiệp cũng không thể độc quyền vận hành và lớn mạnh.

Một doanh nghiệp tốt sẽ là người bạn cùng đồng hành với bạn, tôn trọng bạn chứ không phải bề tôi hay giai cấp thống trị có thể chèn ép bạn. Mối quan hệ cân bằng sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển của cả bạn và công ty. Nếu bạn là người tìm việc, hãy hành động và thể hiện đúng bản chất của “tìm việc”, tức là xem xét mức độ phù hợp giữa năng lực bạn có và cái doanh nghiệp cần. Nếu bạn là nhà tuyển dụng, hãy tôn trọng ứng viên và tạo mối quan hệ công bằng để cùng đồng hành, cộng tác phát triển. 

Cách chèn từ khoá vào CV chuyên nghiệp và ấn tượng nhất

Nên trả lời ra sao khi nhà tuyển dụng đặt vấn đề: Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?

Theo Vietnamworks