Có một câu nói: Những gì bạn chú ý sẽ phóng đại ra trong đầu bạn. Sẽ lớn chuyện ra. Thật đấy.
Thông thường, chúng ta nghĩ việc tập trung chú ý là một việc tốt. Và đúng vậy. Tập trung cũng như chú ý, rất cần để học hỏi và thành công. Nhưng theo mục đích của sách lược này, tôi muốn nói đến mặt có hại của sự tập trung và khi nào nên dừng lại.
Hãy nghĩ xem việc gì sẽ xảy ra nếu bạn tập trung sự chú ý của mình vào điều khiến bạn bực bội. Ví dụ, giả sử có người trả giá 20 USD để bạn có thể nghĩ về một trong những thầy cô đã làm bạn bực mình. Bạn có thể nhận lời không? Dĩ nhiên là bạn có thể. Bây giờ hãy suy nghĩ về điều đó. Nghĩ thêm một chút. Hãy cụ thể. Hãy tưởng tượng ra mọi chi tiết.
Bạn có để ý thấy rằng bạn càng chú ý đến nó thì nó càng có vẻ lớn hơn và quan trọng hơn? Bạn càng để ý đến việc gì thì việc đó càng có vẻ đáng kể, bạn sẽ có khuynh hướng cường điệu những rắc rối, bận tâm không đáng có.
Có một câu chuyện về một người nọ bực mình vì cách người kia nặn kem đánh răng không đúng kiểu. Hiển nhiên có nhiều việc đáng quan tâm hơn đến cách nặn kem đánh răng. Thế nhưng nếu bạn chú ý vừa đủ vào điều đó và bạn tưởng tượng ra động cơ thúc đẩy của nó, bạn sẽ mau chóng thấy rằng việc nặn kem đánh răng cũng quan trọng.
Cũng tương tự đối với những gì làm bạn cảm thấy bực bội. Nếu bạn chú ý đến những thói xấu của bạn bè đủ lâu, bạn sẽ hoài nghi sao loại người như thế lại là bạn của mình nhỉ. Nếu bạn chú ý đến một lỗi lầm mà bạn đã phạm phải – để ý đến nó quá nhiều – bạn bắt đầu cảm thấy bản thân mình tệ hại. Chú trọng quá đến những điều nhỏ nhặt sẽ biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Đây là một trong những lý do chính giải thích tại sao người ta cứ bận tâm vì những chuyện nhỏ! Một số chuyện nhỏ nhặt diễn ra và họ chú ý đến điều đó quá nhiều đến nỗi nó hoá ra một vấn đề lớn thực sự.
Có phải điều này có nghĩa là không bao giờ đáng để bực bội? Hoàn toàn không! Điều đó chỉ có ý là sự chú ý của bạn là một yếu tố thêm vào có thể làm lớn chuyện.
Nhờ quán sát tâm trí, bạn nhận ra ngay điều mình đang bận tâm chú ý, và bạn hoàn toàn có quyền chọn lựa nên tiếp tục bận tâm với nó hay dừng lại.
Giả sử bạn đang chạy trên đường và có người chạy giành đường với bạn, bạn cảm thấy bực mình, đúng không? Dĩ nhiên rồi, nhưng vấn đề ở chỗ mức độ bực bội. Bạn có thể thấy bực một chút và có thể lầm bầm nếu cảm thấy không quan trọng và đi tiếp. Mặt khác, nếu bạn chú ý quá nhiều vào việc đó bạn có thể rất dễ nhìn sự việc lệch lạc. Đó là phản ứng người ta thường hay có khi gặp trường hợp tương tự. Thực chất, kẻ giành đường cũng chỉ là kẻ giành đường. Đó là sự chú ý của chúng ta vào sự việc và biến sự việc hoá ra trầm trọng.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bực bội, khó chịu, thì hãy quay về với quy luật của sự chú ý. Nhắc bản thân rằng mức độ chú ý của bạn đang đóng góp rất nhiều vào cảm giác của bạn. Điều này không có nghĩa là cảm giác tức giận, buồn rầu hay bực bội là sai trái. Nó chỉ có nghĩa là nếu mục đích của bạn là bớt đi những tức giận, buồn rầu và bực bội, thì việc hiểu rõ sức mạnh của sự chú ý rất hữu ích đối với bạn. Khi đó, thế giới dường như bớt rối tung lên đối với chúng ta và chúng ta dường như làm chủ cuộc sống hơn.
Theo hieuhoc.com