Có ai trong các bạn từng là nhân vật chính trong câu chuyện trên chưa? Không riêng gì việc dọn nhà, trong cuộc sống chúng ta trì hoãn rất nhiều công việc, từ những việc nhỏ nhặt đến quan trọng nhất. Bạn có đồng ý với tôi rằng có những việc dường như nhỏ nhặt nhưng chúng ta lại không làm ngay, và trì hoãn, rồi cuối cùng là…không làm? (đi đổ rác, rửa xe, thăm nhà bạn bè…)
Trì hoãn bắt đầu từ đâu?
Một số người nói trì hoãn bắt đầu từ sự lười biếng. Khi bạn lười biếng, bạn sẵn sàng để mọi việc vào một thời điểm khác để thực hiện, và không có nhiều động lực để làm ngay. Điều này chỉ đúng một phần, vì rất nhiều người trong chúng ta không lười biếng (đánh giá tương đối) nhưng vẫn có bệnh trì hoãn.
Theo kết luận rút ra từ nhiều chuyên gia tâm lý, trì hoãn có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
1.Không yêu thích công việc
Khi bạn ghét làm một việc gì đó, bạn sẽ có xu hướng hình thành những luận điểm có vẻ thuyết phục để khỏi làm việc đó. Chẳng hạn như bạn ghét phải đi đổ rác, một số suy nghĩ sẽ hình thành như “thôi, rác vẫn chưa nhiều lắm, để ngày mai đổ/ hôm nay vội quá chắc không đổ kịp rồi, để khi khác vậy/ chiều có nhỏ hàng xóm hay đi đổ rác, để chiều gửi luôn nó cũng được…” Hành động đổ rác ngay lập tức bị trì hoãn một cách rất “hợp lý” – đây cũng chính là điều khiến nhiều người không nhận thức được tác hại của sự trì hoãn và không chịu khắc phục nhược điểm này.
2.Nhận thấy công việc không khẩn cấp
Một trong những yếu tố khiến chúng ta hành động chính là tính khẩn cấp, cần thiết của vấn đề. Nếu ngày mai bạn phải nộp báo cáo thực tập thì hôm nay, nếu chưa thực hiện, bạn chẳng có lý do gì để trì hoãn nữa. Ngược lại, những công việc mà việc giải quyết nó chưa thực sự cần gấp cho thời điểm hiện tại lại bị cho vào danh sách trì hoãn, mặc dù đáng lẽ ra thời điểm thực hiện là vào ngay lúc đó. Điển hình cho trường hợp này là phong cách học dồn của các bạn sinh viên. Thời tháng cho chúng ta ôn thi cả tháng, thế nhưng nhiều bạn thừa nhận rằng việc học ôn chỉ dành cho một tuần lễ cuối cùng (có bạn còn để đến sát giờ G mới học).
3.Việc quá dễ hoặc quá khó
Rửa bát ư? Loáng cái là xong ấy mà! Để đấy tí mình rửa cho. Nửa ngày sau đống bát đũa mới được giải quyết. Đây là ví dụ cho việc “coi thường” tính chất công việc, và điều gì quá dễ dàng vô hình chung cũng bị trì hoãn do tính chủ quan của mỗi người. Mặt khác, công việc khó khăn cũng có xu hướng bị trì hoãn nhiều, do chúng ta “ngại” giải quyết vấn đề. Việc khó nhằn như viết bài tiểu luận, ôn thi, làm bản báo cáo kết quả công việc…Do cảm thấy mọi việc quá khó khăn, không biết làm bao giờ mới xong mà bạn sẽ thấy “nản” ngay khi chưa bắt tay vào việc. Những công việc này thường chỉ được hoàn thành khi có áp lực từ thầy cô, cấp trên hoặc đến hạn chót phải thực hiện. Và một tin không vui là nếu được làm với quy trình như vậy thì kết quả thường không được hài lòng lắm.
4.Công việc mang tính chất lâu dài – Không biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào?
“Tớ muốn có một thân hình mảnh mai hơn nữa, phải tập thể dục thôi. Nhưng tập như thế nào cho hiệu quả đây? Thời gian khi nào là phù hợp?/ Tớ muốn học giỏi tiếng Anh nhưng giờ gần mất gốc hết rồi. Phải học lại từ đâu nhỉ? Mua sách gì? Học ở trung tâm nào đây?…” Hầu hết chúng ta khi có ý định thực hiện những kế hoạch – công việc mang tính chất dài hạn, lại thường gặp rào cản bởi những câu hỏi loại “như thế nào? Ra sao? Ở đâu? Mình có làm được không?” Loanh quanh tìm cách giải đáp, cuối cùng câu trả lời chưa tìm ra và kế hoạch nằm chỏng chơ trên giấy. Lòng đầy quyết tâm thì có thể bạn sẽ làm được, còn nếu ý chí đã hơi nguội, bạn có thể sẽ không bao giờ thực hiện được kế hoạch của chính mình. Một yếu tố cần chú ý nữa là bạn có thể bỏ cuộc khi chỉ đi mới một phần chặng đường (lúc đầu học hành hăng hái, đều đặn sau đó thì…).
5.Ảnh hưởng từ bạn bè, những người xung quanh
Bạn nghĩ sao nếu ngày kia phải thi cuối kỳ rồi mà 2/3 dân số của lớp vẫn còn “phè phỡn”, chưa ai học được chữ nào? Nếu bạn là người dễ bị ảnh hưởng, xin chia buồn với bạn là bạn sẽ chẳng có lòng nào ngồi vào bàn học khi “thiên hạ” đang rong chơi an nhàn như thế. Sự trì hoãn từ phía người khác, nhất là người thân, bạn bè, đám đông…khiến bạn có xu hướng gây ra sự trì hoãn cho chính mình.
Tác hại của bệnh trì hoãn
Một hậu quả nào đó do nguyên nhân sâu xa nhưng chúng ta lại nghĩ tác động gần đây nhất của nó. Tác hại của thói trì hoãn cũng như thế, bạn sẽ khó nhận biết được kể cả khi nó gây ra một hậu quả nghiêm trọng. Sự trì hoãn việc khám bệnh khi phát hiện ra một triệu chứng là một trong những ví dụ điển hình đáng sợ nhất cho những trường hợp như thế này.
Sau đây là một vài tác hại phổ biến của trì hoãn:
1. Trì hoãn làm bạn chậm tiến
Thời gian là một thứ tài sản duy nhất được sở hữu như nhau ở tất cả mọi người. Vậy nên, điều quan trọng giúp bạn tiến lên là sự nhanh nhạy, năng động hơn trong mọi việc so với người khác. Nếu bạn định rằng, đầu năm 2 đại học phải đi học ngoại ngữ nhưng đến năm 4 mới học thì có phải bạn đã mất 2 năm để nói ngoại ngữ lưu loát hơn? Bạn có nghĩ là cô bạn cùng lớp đã học xong một khóa giao tiếp và có được một công việc làm thêm khá tốt, trong khi bạn đang chần chừ xem có nên đi học không?
Hoặc bạn nghĩ bản thân đang cần rất nhiều thay đổi, muốn sống tốt hơn, biết nhiều phương pháp làm việc hơn và được tư vấn mua một cuốn sách về đọc, nhưng bạn cứ viện lý do bận rộn, gia đình, bạn bè…và cuốn sách cứ nằm chỏng chơ trên kệ, thì cứ 1 ngày bạn chưa thay đổi tích cực, bạn đang dừng lại đấy. Xã hội luôn tiến về phía trước, còn bạn cứ đứng nguyên nghĩa là bạn đang thụt lùi. Một câu châm ngôn rất kinh điển là “sống là không chờ đợi”. Bất cứ việc gì cần thiết cho sự phát triển của bản thân mà bạn chậm thực hiện, trì hoãn từ ngày này qua tháng khác, bạn không những lãng phí thời gian mà còn tự làm cho mình có xu hướng phát triển chậm lại so với thời đại.
Hãy suy nghĩ kỹ về điều này vì tôi chắc chắn rằng trong chúng ta có rất nhiều người rơi vào tình huống này.
2. Trì hoãn làm giảm hiệu quả công việc
Còn 1 tuần nữa là đến kỳ thi. Kỳ thi gồm 7 môn. Ban đầu bạn lên kế hoạch ôn tập cho mỗi môn 1 ngày. Tuy nhiên vì trì hoãn, cuối cùng bạn chỉ còn 3 ngày cho 7 môn. Như vậy mỗi môn chỉ còn khoảng thời gian ôn là gần nửa ngày. Khỏi cần nói thêm, sự chênh lệch thời gian này cũng cho thấy là hiệu quả ôn tập sẽ giảm rất nhiều so với kế hoạc ban đầu, phải không?
Khi ôn tập với thời gian ngắn như thế, bạn sẽ phải bỏ qua một số phần, tâm lý học tủ, đem phao vào phòng thi bắt đầu xuất hiện. Và hậu quả thì cũng “hên xui” lắm.
Trì hoãn ôn thi là một ví dụ điển hình trong muôn vàn trì hoãn trong cuộc đời mỗi con người (bật mí nhỏ là chính tác giả cũng từng trì hoãn như thế), từ đó sẽ có tâm lý học đối phó, kiến thức nắm không chắc và lúc này sự học chẳng còn giữ vai trò quan trọng là cung cấp kiến thức như ban đầu nữa.
Từ ôn thi, sau này chúng ta sẽ có tâm lý trì hoãn về công việc, gia đình, cuộc sống…và hậu quả từ sự trì hoãn trong những lĩnh vực này khiến chúng ta phải đau đầu hơn nhiều.
3. Trì hoãn gây ra các thói quen xấu khác: sự lề mề, không hành động ngay, sự thụ động
Sự trì hoãn là một trong những nguyên nhân gây ra tính thụ động, thiếu quyết đoán trong chúng ta. Hiểu nôm na, sự trì hoãn làm kéo dài thời gian thực hiện một công việc, từ đó làm giảm khả năng phản xạ nhanh nhạy, gây tâm lý chậm chạp trong mọi việc, khiến năng suất công việc giảm. Những ai sắp ra trường hoặc đang tìm kiếm cho mình một công việc hãy cẩn thận nhé, các nhà tuyển dụng rất không thích thói quen này của ứng viên. Một số nhà tuyển dụng chuyên nghiệp còn dùng các bài kiểm tra để thử phản ứng nhanh nhạy, tính quyết đoán của bạn nữa.
4. Hậu quả cao nhất của trì hoãn là không hành động:
Đặc biệt là với những việc “không cấp thiết, cần thời gian nhiều và kế hoạch”. Quay trở lại với việc học ngoại ngữ, nếu bạn trì hoãn, đến một lúc nào đó có thể bạn sẽ không tham gia học.
Một số việc bị cho là không cần thiết cũng rơi vào tình trạng này.
Với khóa học Hành trình Delta, DeltaViet đã nhận rất nhiều đơn đăng ký khóa học của các bạn nhưng sau đó một số bạn lại nói là bận học, không có thời gian, hứa một tháng sau sẽ đăng ký. Và một tháng sau thì sao? Các bạn hủy luôn đơn đăng ký của mình, cũng vì những lý do trên (mặc dù thiếu thời gian không phải là một lý do quan trọng để chúng ta có thể đưa ra cho trường hợp không làm một việc gì đó)
5. Một số lĩnh vực, trì hoãn gây ra những kết quả tồi tệ: sức khỏe, học hành…
– Thưa bác sĩ, bạn cháu bị sốt nặng lắm ạ, xin bác sĩ giúp cho….
– Bạn cháu bị như vậy bao lâu rồi?
– Dạ gần 1 tuần rồi ạ.
– 1 tuần rồi? Sao không đem bạn đi khám sớm?
Chà, tôi chắc rằng sức khỏe là một yếu tố quan trọng và là một phần của cơ thể nhưng tiếc thay nhiều người trong chúng ta không biết trân trọng nó. Mỗi khi triệu chứng đau ốm nào đó xuất hiện, chúng ta thường chủ quan và trì hoãn không chịu đi khám. Cho đến khi chuyện tồi tệ xảy ra. Chúng ta thở không nổi và đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Hẳn bạn biết trong một số chuyện, “1 phút” cũng làm nên lịch sử phải không?
Theo Trí thức trẻ