Khi Ấn Độ và Anh kỷ niệm 70 năm mối quan hệ song phương phát triển kinh tế và văn hóa, chính phủ cả 2 nước đã nhận định một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong những năm qua chính là giáo dục, khi mà Anh mở ra cho các sinh viên Ấn Độ cơ hội tiếp cận nền giáo dục đẳng cấp bậc nhất thế giới.
Tuy nhiên, với chi phí quá cao cùng với những hạn chế về visa khi học tập tại Anh, các nhà chức trách Ấn Độ, bên cạnh những tranh luận nảy lửa về vấn đề chảy máu chất xám còn liên tục đưa ra vấn đề làm sao để sinh viên được hưởng nền giáo dục tiêu chuẩn quốc tế ngay tại trong nước.
Theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã có những cải cách quan trọng, không chỉ cung cấp cho các sinh viên Ấn Độ một nền giáo dục đẳng cấp mà còn biến đất nước này trở thành trung tâm giáo dục toàn cầu.
Những năm gần đây, Ấn Độ liên tục vào top khu vực có nhiều trường đại học tầm cỡ quốc tế, đi kèm với đó là tốc độ tăng trưởng ấn tượng về số lượng sinh viên nước ngoài. Từ 6.988 sinh viên quốc tế vào năm 2000, Ấn Độ đã thu hút tới 33.156 sinh viên vào năm 2014, phần lớn đến từ các nước châu Á. Theo một cuộc khảo sát năm 2011-2012 của UNESCO, 10 quốc gia có số lượng sinh viên lựa chọn du học Ấn Độ nhiều nhất là Nepal, Bhutan, Iran, Afghanistan, Malaysia, Sri Lanka, Sudan, Iraq, Trung Quốc và Mỹ, chiếm tới 62% tổng số sinh viên quốc tế.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, hệ thống giáo dục đại học của Ấn Độ hiện lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Tính đến năm 2012, Ấn Độ có hơn 150 trường đại học cấp trung ương, 316 trường đại học công lập và 191 trường đại học tư nhân với thế mạnh về khoa học công nghệ.
Một số trường đại học như Viện Công nghệ Ấn Độ (IITs) và Viện Quản lý Ấn Độ (IIMs) liên tục vào top trường hàng đầu về các tiêu chuẩn cũng như chất lượng đào tạo, Đại học BITS là 1 trong 20 trường khoa học và công nghệ tốt nhất châu Á, Trường kinh doanh Ấn Độ (ISB) cung cấp bằng Thạc sĩ Kinh doanh (MBA) có uy tín bậc nhất toàn cầu, trong khi Viện Khoa học Y tế Ấn Độ (AIIMS) được thế giới biết đến nhiều nhất về nghiên cứu y học và điều trị.
Kết quả là không ít giám đốc C-suite xuất sắc thế giới xuất thân từ các trường đại học của Ấn Độ, riêng ngành công nghiệp phần mềm Ấn Độ cung cấp tới gần 30% số lượng kỹ sư toàn cầu. Theo thống kê, 38% chuyên gia y tế Mỹ đã được đào tạo tại Ấn Độ, trong khi 40% các nhà khoa của NASA, 34% kỹ sư tại Microsoft, 28% tại IBM, 17% tại Intel và 13% ở Xerox là người Ấn Độ.
Chất lượng đào tạo hàng đầu đi kèm với chi phí thấp hơn đáng kể so với các trường cùng hệ tại Mỹ hay châu Âu là một trong những lý do khiến số lượng sinh viên quốc tế lựa chọn Ấn Độ cho con đường học vấn của mình ngày càng tăng.
Theo 24h