Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014
Hết "ba chung" lại "ba riêng": liệu có bát nháo?
Kỳ thi tuyển sinh đại học sau một thời gian thực hiện "ba chung" - chung đề thi, chung ngày thi, dùng chung kết quả để xét tuyển, nay đang trở lại "ba riêng" - ngày thi riêng, đề thi riêng, xét tuyển riêng. "Riêng" hay "chung" đều có những bất lợi và ưu điểm của nó, không có lựa chọn nào là hoàn hảo. Điều quan trọng là lựa chọn nào ít bất lợi hơn trong bối cảnh hiện nay.
6 ưu điểm của tuyển sinh 3 chung | thông tin tuyển sinh 2014
6 ưu điểm của tuyển sinh ba chung
- Thứ nhất, tuyển sinh ba chung tránh được tình trạng đề thi không đồng đều về độ khó dễ giữa các trường, đã từng xảy ra nhiều lần trong những năm trước, khi chưa thực hiện "ba chung".
- Thứ hai, tạo được mặt bằng về trình độ, ngăn chặn được tình trạng các trường dân lập và các trường còn non về chất lượng tìm mọi cách có đủ chỉ tiêu, tuyển thí sinh yếu. Điểm sàn của "ba chung" là người canh cửa tối ưu.
- Thứ ba, gánh bớt khó khăn cho những trường không có người ra đề, bởi không phải trường nào cũng có những thầy cô có thể bám sát chương trình phổ thông để ra đề cho phù hợp.
- Thứ tư, sự bảo mật đề thi sẽ tốt hơn khi đề thi mang tầm quốc gia, ngăn chặn được hiện tượng tiêu cực và hạn chế tốt hơn những thiếu sót do lỗi kỹ thuật.
- Thứ năm, giảm bớt chi phí của ngân sách nhà nước. Hiện nay cả nước có gần 450 trường đại học và cao đẳng, nếu trong số đó có một nửa tự ra đề riêng thì tổng chi phí cho việc ra đề sẽ lên gấp bao nhiêu lần so với thi cùng một đề?
- Thứ sáu, trong tình hình tuyển sinh hiện nay tính chuyên nghiệp ban bệ ra đề thi tốt hơn so với "ba riêng". Nhìn lại đề thi qua các năm từ 2000 đến nay, ta thấy những đề thi sau tốt hơn rất nhiều so với những đề thi trước về độ đồng đều, chương trình, số lượng kiến thức và các dạng câu hỏi... Để đạt được điều đó phòng khảo thí của bộ và những người ra đề đã phải có một quá trình làm việc lâu dài, đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Nay mỗi trường thành lập một ban ra đề thi mới, chưa "quen tay" có thể xác suất sai sót sẽ dễ xảy ra nhiều hơn.
Nếu là tuyển sinh riêng
Nếu "ba riêng", cụ thể của "ba riêng" như thế nào? Bộ và mỗi trường đã định rõ? Đã lên đủ các phương án và lường trước được tất cả những khó khăn và hệ lụy? Mạnh ai nấy làm, mỗi nơi làm một phách, trường thi trường không, chất lượng đề thi... liệu có kiểm soát được chất lượng đầu vào của các trường yếu và trường dân lập? Nếu lại quay về giống như trước khi chưa "ba chung" thế thì không tiến mà lại đang lùi?
Nên đi kèm với thi ba chung
Ở rất nhiều nước tiên tiến hai môn văn, toán gần như là bắt buộc cho mỗi kỳ tuyển sinh, tất nhiên không phải quá cao và sâu như chúng ta. Vậy nên chăng trong mỗi kỳ thi chúng ta nên có hai loại đề: một cho mặt bằng và một cho chuyên sâu. Hoặc nhân hệ số môn thi cho từng khối thi phù hợp với ngành mà thí sinh lựa chọn. Ngoài ra nếu cần mỗi trường sẽ cho thi thêm môn riêng: môn năng khiếu hoặc môn đặc thù. Hiện nay kết quả điểm của mỗi kỳ thi tuyển sinh chỉ có giá trị trong vòng vài tháng, trong lúc chương trình và sách giáo khoa không thay đổi.
Tại sao chúng ta không thể tăng thời hạn của kết quả thi tuyển lên hai năm? Thí sinh có thể lấy kết quả thi của năm trước làm cơ sở cho việc xét tuyển của năm sau (chứng chỉ SAT dùng để xét tuyển vào các trường đại học Mỹ có giá trị hai năm)? Nếu chúng ta thực hiện như vậy không những làm giảm áp lực thi cử mà cũng bớt đi rất nhiều tiền bạc công sức của thí sinh và ngân sách nhà nước. Hơn nữa chúng ta vẫn chưa biết chương trình và sách giáo khoa sắp thay mặt mũi ra sao.
Trong khi cái mới chưa hình thành mà đã vội vàng đập bỏ cái cũ, cáo chung cái cũ, liệu có thể tránh được sự "bát nháo" và những hệ lụy? Hãy chờ cho đến khi những cải tiến mới được áp dụng, lúc ấy từ bỏ "ba chung" vẫn chưa muộn.
Đọc thêm: Thêm nhiều cơ hội hơn cho thí sinh trong kỳ tuyển sinh 2014
Theo tác giả Thu Hiền, báo Tuỏi Trẻ Online, link gốc: http://tuoitre.vn/Tuyen-sinh/585450/het-ba-chung-lai%C2%A0-ba-rieng--lieu-co-bat-nhao.html