Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014

Theo ông Ga, trong ba năm 2014, 2015, 2016 bộ vẫn tổ chức “ba chung” cho các trường chưa kịp xây dựng phương án tuyển sinh riêng để dùng làm “mẫu số chung” trong tuyển sinh ĐH.

Các trường hết “xin”, bộ hết “cho”

Thay cho quan niệm “trường xin” rồi chờ “bộ cho” nếu muốn tuyển sinh riêng, với quy chế mới áp dụng từ năm 2014, các trường đáp ứng đủ điều kiện do bộ đặt ra đối với một đề án tuyển sinh riêng sẽ được thực hiện hình thức tuyển sinh của riêng mình. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định việc tuyển sinh riêng đã trở thành trách nhiệm của các trường và tất cả các trường sẽ phải thực hiện nhiệm vụ này muộn nhất sau năm 2016.

Ông Ga cho biết học sinh bước vào lớp 10 năm học 2014-2015 sẽ hình dung được sự thay đổi của phương thức thi ĐH từ việc “mở cửa” tuyển sinh riêng năm 2014, giúp các em chuẩn bị đầy đủ, không bị động cho chính mùa tuyển sinh ĐH mình sẽ tham gia khi các trường sẽ phải thi riêng. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định việc đặt kế hoạch “ba chung” thêm ba năm nữa vừa đủ thời gian để thí sinh thi ĐH năm 2017 chuẩn bị.

Sẽ bỏ thi đại học 3 chung sau năm 2016

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định như vậy tại buổi họp báo về tuyển sinh 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 12-12.

Còn PGS.TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, khẳng định việc đặt ra các mốc thời gian này chính là lộ trình thực hiện đổi mới thi cử. “Khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới của công cuộc đổi mới giáo dục, căn bản toàn diện giáo dục, tất yếu thi cử sẽ phải thay đổi, khi đó “ba chung” cũng không còn cần thiết nữa” - ông Trinh nói.

Không được tuyển quá 2 lần trong 1 năm

Tại buổi họp báo, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố bản tóm tắt dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ sẽ áp dụng từ năm 2014. Khi thực hiện thi riêng, ngoài các điều kiện đáp ứng về việc tổ chức kỳ thi (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp), Bộ GD-ĐT đặt ra một loạt nguyên tắc: các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi “ba chung”, mỗi trường không tổ chức tuyển sinh riêng quá hai lần trong năm (vào thời gian do Bộ GD-ĐT quy định), kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác...

Giải thích cho điều kiện cứng trường đã tuyển sinh riêng không được sử dụng kết quả kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng trong cùng một khóa tuyển sinh không thể tiếp nhận nhiều kiểu “đầu vào” khác nhau, gây khó cho đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, một trường ĐH đã gửi đề án tuyển sinh riêng lên bộ - cho rằng việc tuyển sinh riêng tách bạch tuyển sinh chung không quá gây khó cho trường, nhưng khi thực hiện điều này cần thiết phải cho nhà trường hoàn toàn tự chủ về tuyển sinh riêng, nghĩa là có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm.

Trước băn khoăn giao tự chủ tuyển sinh trong khi một số trường đang “khát” thí sinh có thể làm giảm chất lượng đầu vào, không bảo đảm chất lượng đào tạo sau này, ông Ga khẳng định trong các đề án tuyển sinh riêng, nhà trường phải đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng. “Tất cả phương án tuyển sinh đều phải thuyết trình đầy đủ về ngưỡng bảo đảm chất lượng. Nếu đề án đưa ra phương án thi ba môn thì tổng điểm ba môn phải là 15 điểm hay bao nhiêu, chứ không thể đơn giản nói lấy từ trên xuống dưới cho hết chỉ tiêu, đạt số lượng được” - ông Ga giải thích.

Theo một số chuyên gia giáo dục, việc duy trì “ba chung” với số lượng thí sinh áp đảo và cơ chế “bình thông nhau”, thí sinh được xét tuyển qua lại giữa các trường với điều kiện đã thi tuyển sinh riêng lại không được thi chung sẽ khiến các trường tuyển sinh riêng bị “cô lập”, không cải thiện được nguồn tuyển.

Có thể hình thành nhiều nhóm “ba chung”

Dù đến thời điểm hiện tại bộ đã nhận được đề án tuyển sinh riêng của 17 trường ĐH, CĐ, nhưng với quy định mới về tự chủ tuyển sinh, các trường chưa bảo đảm đủ tiêu chí sẽ xây dựng lại đề án trình bộ duyệt sau. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ dự thi ĐH của thí sinh hằng năm là ngày 10-3, nên năm đầu cho phép các trường tuyển sinh riêng gửi đề án hạn cuối là ngày 10-2-2014. Chậm nhất một tháng sau khi nhận đề án, bộ sẽ phải trả lời cho các trường có đủ điều kiện thực hiện tuyển sinh riêng hay không.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng mong muốn sẽ hình thành được những “nhóm ba chung” mới khi đặt ra nguyên tắc: nếu các trường không tự xây dựng đề án thi riêng, cũng không tiếp tục “thi chung” thì có thể thỏa thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ GD - ĐT xác nhận là đáp ứng các yêu cầu để tổ chức thi tuyển sinh theo đề án của trường đó.

Theo Ngọc Hà, TTO