Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa cho phép các trường có phương án tuyển sinh riêng được thực hiện ngay trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2014. Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra việc tuyển sinh của các trường
Phải cam kết không tiêu cực
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay việc tuyển sinh riêng được thực hiện trên nguyên tắc tạo điều kiện để các trường tự chủ trong tuyển sinh. Bộ sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh của các trường.
Tuy nhiên, để được tuyển sinh riêng, các trường phải có đề án, trong đó cam kết không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi. Đồng thời, các trường phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
“Khi đề cập việc tuyển sinh riêng, xã hội rất lo lắng về chất lượng đầu vào. Vì thế, bộ quy định trong đề án, các trường phải công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào chứ không thể để các trường tuyển từ trên xuống dưới cho đủ chỉ tiêu” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Theo quy định, các trường dự kiến tuyển sinh riêng phải gửi đề án cho Bộ GD-ĐT trước ngày 10-2-2014. Đề án tuyển sinh riêng chỉ được thông qua khi bảo đảm được nguồn lực tổ chức, có tiêu chí bảo đảm chất lượng nguồn tuyển rõ ràng; không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh; được dư luận đồng tình ủng hộ cũng như có giải pháp chống tiêu cực khả thi.
>>Lo ngại tiêu cực nếu tự chủ tuyển sinh trong năm 2014
Chỉ tuyển sinh riêng một năm 2 lần
Các trường chỉ được tuyển sinh riêng tối đa 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ GD-ĐT quy định. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, việc tổ chức thi tuyển sinh triền miên nhiều lần trong năm sẽ rất phức tạp, nặng nề cho thí sinh. Hiện nay, đầu tháng 6 là học sinh thi tốt nghiệp, đến tháng 7 là kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, qua thực tế, đây là giai đoạn thuận tiện nhất cho các trường tuyển sinh. Riêng đối với những trường đào tạo theo tín chỉ có thể tách ra tuyển sinh 2 lần. Ông Nghĩa cho biết thêm Bộ GD-ĐT sẽ xem xét để đưa ra thời gian tổ chức các đợt thi, từ đó các trường thi riêng đăng ký đợt thi của trường mình chứ không phải mỗi trường tự chọn một thời điểm.
Tuyển sinh 2014: Trường đại học được phép tự chủ tuyển sinh
Trước băn khoăn liệu các trường muốn tuyển sinh riêng có thể sử dụng đề thi từ ngân hàng đề của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí, cho rằng trường nào đủ điều kiện thì có thể tham gia thi riêng. Khi đã tuyển sinh riêng, Cục Khảo thí sẽ không hỗ trợ việc ra đề thi.
Bộ GD-ĐT đã nhận được phương án tuyển sinh riêng của 17 trường ĐH, CĐ. Trong danh sách này không có trường công lập nào mà toàn bộ là trường ngoài công lập (15 trường ĐH và 2 trường CĐ). Tuy nhiên, các đề án của các trường sẽ phải điều chỉnh lại theo quy định mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra chiều 12-12.
Duy trì “3 chung” thêm 3 năm
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết để giúp các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, trong vòng 3 năm tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung”.
Như vậy, mỗi trường chỉ được lựa chọn một phương án tuyển sinh gồm: thi riêng, thi theo phương án “3 chung” hoặc thỏa thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ GD-ĐT xác nhận để tổ chức thi tuyển sinh theo đề án của trường đó.
Những trường lựa chọn phương thức thi tuyển cần xác định môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi; đồng thời phải xác định rõ lực lượng giáo viên ra đề thi đối với từng môn thi cụ thể, lực lượng giáo viên chấm thi đối với từng môn cụ thể; lực lượng giáo viên coi thi; điều kiện bảo đảm chất lượng nguồn tuyển cũng như công tác thanh tra, giám sát kỳ thi. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Các trường lựa chọn phương thức xét tuyển phải báo cáo về bộ môn xét tuyển; hình thức, nguyên tắc, phương pháp xét tuyển; điều kiện bảo đảm chất lượng nguồn tuyển; lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác xét tuyển; công tác thanh tra, giám sát xét tuyển.
Đối với các trường lựa chọn phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải gửi về bộ môn thi tuyển, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi; lực lượng giáo viên ra đề thi, chấm thi đối với từng môn cụ thể; lực lượng giáo viên coi thi; công tác thanh tra, giám sát thi tuyển… Các trường cũng phải làm rõ điều kiện bảo đảm chất lượng nguồn tuyển (quy định rõ ngưỡng tối thiểu để bảo đảm chất lượng).
Theo Yến Anh, NLĐ