BÀI 1 : ĐỪNG LÀ NÔ LỆ TIỀN BẠC

“Đừng là nô lệ của tiền bạc, mà hãy để tiền bạc làm việc cho mình” chính là thông điệp mà bài học muốn gửi đến tất cả các bạn.

Hầu hết chúng ta thường dùng những năm tháng tốt đẹp nhất trong đời để làm việc vì tiền mà thật sự không hiểu chúng ta đang làm việc vì cái gì.

Một khi chúng ta vô tình chấp nhận là nô lệ của tiền bạc thì nỗi lo không có tiền còn lớn hơn sự hạnh phúc khi có nó, và dần dần chính nỗi lo sợ không có tiền đó sẽ đưa chúng ta đến một khuôn mẫu.

Lấy một ví dụ đơn giản và nhàm chán nhất là việc mỗi sáng thức dậy, đi làm, trả hóa đơn, thức dậy, đi làm, trả hóa đơn.v.v…Và đó là tất cả những gì mà chúng ta gọi là sự an toàn.

Thực chất nếu bạn không làm chủ được tiền bạc thì kiếm được nhiều tiền hơn chỉ để lãng phí và mắc nợ nhiều hơn thôi.
Đơn giản là chúng ta ham muốn tiền bạc vì những niềm vui mà chúng ta nghĩ rằng có thể mua được, nhưng thực chất thì niềm vui do tiền bạc mang đến thường rất ngắn ngủi.

Và sau những niềm vui ngắn ngủi đó thì chúng ta lại cần tiền để có được những niềm vui khác, những điều thú vị hơn, tiện nghi hơn, an toàn hơn và cuộc sống sẽ cứ kéo dài mãi với hai cảm giác, đó chính là nỗi sợ và sự tham lam.

Hai cảm giác đó nằm sâu thẳm trong tâm hồn bạn, và vì thế bạn phải chấp nhận sống trong sự an toàn mà ở đó nó được mạng tên là “Vòng Lẩn Quẩn”.

Đó là lý do mà “người nghèo” làm việc vì tiền bạc còn “người giàu” thì buộc tiền bạc làm việc vì mình.




6 bài học ý nghĩa về tri thức và đồng tiền - Ảnh 1





BÀI 2: HÃY HỌC VỀ TÀI CHÍNH

Mỗi ngày chúng ta đều cố gắng phấn đấu, học hỏi để có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng những kiến thức của mình.
Chúng ta chỉ học kiến thức về cách để kiếm tiền nhưng kiến thức về việc gìn giữ số tiền mà chúng ta kiếm được đó thì không hề có hoặc nếu có thì rất ít.

Bạn cần phải nhớ rằng vấn đề ở đây không phải là kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu và làm cho nó sinh sôi nảy nở như thế nào, đó mới là vấn đề.

Trước tiên, khi bạn bắt đầu học về tài chính, bạn cần phải biết sự khác nhau giữa “Tài Sản” và “Tiêu Sản”, và để được giàu có, bạn phải mua “Tài Sản”.

Nếu đi sâu vào vấn đề nhận biết sự khác nhau giữa “Tài Sản” và “Tiêu Sản” thì mọi người sẽ có những suy nghĩ trái ngược nhau.

Cho nên bạn cứ giữ cho nó thật đơn giản như thế này : “Tài Sản bỏ tiền vào túi bạn, còn Tiêu Sản thì lôi tiền ra khỏi túi”.

Lấy một ví dụ nhỏ nhé, bạn đi mua một chiếc xe máy, sau đó sử dụng nó rồi thì tiền xăng,nhớt và những thứ linh tinh khác nữa bạn đều phải trả bằng tiền lương của mình, lúc này chiếc xe đó sẽ là “Tiêu Sản” của bạn.

Nhưng mặt khác nếu bạn đã có một mối nào đó và cho mướn chiếc xe ấy với giá mà trong thời gian 1 hoặc 2 năm bạn có thể lấy lại vốn sau những khoản chi linh tinh, Thì lúc này “Tài Sản” của bạn sẽ là chiếc xe và bạn đã hoàn toàn sở hữu nó (nhưng vì mình lấy ví dụ là xe nên theo thời gian nó sẽ lại trở thành “Tiêu Sản” đấy nhé!).

Vì thế mà người giàu kiếm được “Tài Sản” còn người nghèo và người trung lưu chỉ kiếm được “Tiêu Sản”, nhưng họ lại nghĩ đó là “Tài Sản”. Và để định nghĩa cho sự giàu có về tài chính (sự có tiền) một cách đơn giản nhất, bạn định nghĩa bằng cách trả lời câu hỏi này: “Nếu hôm nay bạn ngưng làm việc thì bạn sẽ tồn tại được bao lâu?”



 

6 bài học ý nghĩa về tri thức và đồng tiền - Ảnh 2



BÀI 3: HÃY LÀM VIỆC CHO CHÍNH MÌNH

Theo suy nghĩ của đa số chúng ta là học cái rồi thì sẽ làm cái đó.

Nếu học sư phạm, bạn sẽ trở thành giáo viên, còn nếu học cơ khí thì bạn sẽ là thợ máy.v.v…Và hầu như chúng ta không hề nghĩ đến việc kinh doanh của chính mình,mà suốt quãng đời của chúng ta chỉ lo quan tâm đến việc kinh doanh của một người khác và giúp cho người đó giàu lên.

Có sự khác biệt giữa nghề nghiệp chuyên môn và việc kinh doanh cho chính mình.

Nghề nghiệp chuyên môn chỉ quay quanh cột thu nhập và giúp việc kinh doanh của người khác cũng như giúp người đó giàu lên, còn việc kinh doanh cho chính bản thân mình thì quay tròn quanh cột tài sản và sẽ giúp mình có một cuộc sống hạnh phúc cũng như tự do về tài chính.

Đó là lý do mà chúng ta thường nghe nói: “tôi muốn được tăng lương”, “tôi sẽ làm thêm giờ”, “tôi sẽ tìm một việc khác”.v.v…
Có thể bạn không nhận thấy rằng chúng ta làm việc ăn lương 1 triệu hay 10 triệu thì cũng đều là “làm công” cả. Vậy tại sao thay vì “làm công” cho người khác mà lại không làm cho chính mình ?

Cuối cùng mình muốn bạn hãy nhớ câu này : “Hãy nghĩ đến việc kinh doanh của chính mình”




6 bài học ý nghĩa về tri thức và đồng tiền - Ảnh 3



Phần lớn chúng ta đều hay lo sợ khi nghĩ đến hai từ “kinh doanh”, đơn giản vì hai từ đó khi nhắc tới thường được ghép với hai từ “mạo hiểm”.

Và vấn đề chính ở đây là vì chúng ta không có một nền tản tài chính nào cả.

Cho nên mình muốn chia sẽ với bạn một điều mà mình luôn tự nhủ, rằng chúng ta, hãy giữ chi phí ở mức thấp nhất có thể , giảm thiểu các tiêu sản và đặc biệt là hãy cố gắng xây dựng một nền tảng tài sản vững chắc cho chính mình.

Bạn hãy nhớ điều này, tiền bạc có thể làm việc suốt 24h một ngày, cho nên khi có một đồng vào cột tài sản, nó phải trở thành công nhân của bạn.

Bạn hãy vẫn cứ giữ lấy công việc hằng ngày bằng nghề nghiệp của mình, vì đây là bước đầu để tạo nên nền tảng tài chính, nhưng hãy bắt đầu mua những “tài sản” thực sự.

Một điều nữa bạn cũng cần phải nhớ, rằng người giàu mua những thứ xa xỉ sau cùng, còn người nghèo và người trung lưu thì mua chúng trước hết.

 



BÀI 4: SỨC MẠNH CỦA LIÊN ĐOÀN

Chính tri thức mới là quyền lực, và đi cùng với tiền bạc là một quyền lực to lớn đòi hỏi phải có kiến thức để giữ gìn và làm cho nó sinh sôi nảy nở.

Và liên đoàn chính là một quyền lực của tri thức, nó giúp chúng ta bảo vệ cột tài sản của mình và từ đó làm cho cột tài sản ngày một càng lớn thêm.

Một liên đoàn mà mình nói ở đây chỉ đơn thuần là một cặp giấy tờ với vài tài liệu hợp pháp nằm bên trong và được đăng ký với cơ quan nhà nước,có thể nói rằng chúng ta sử dụng luật để sống trong luật.

Đời sẽ luôn luôn không ngừng xô đẩy chúng ta,nhưng nếu khéo léo hơn bạn cũng như mình sẽ không bị xô đẩy nhiều. Đơn giản vì nếu chúng ta biết rằng mình đúng,chúng ta sẽ không phải lo sợ bất cứ điều gì khi phải đấu tranh cả. Nếu muốn giàu có bạn cần phải hiểu biết luật pháp, vì nếu không biết bạn sẽ phải trả giá rất đắt cho sự thiếu hiểu biết này.

Và những kiến thức cũng như sự hiểu biết này của bạn, có thể gọi chung là IQ tài chính. Con đường vươn tới thành công của bạn sẽ khó khăn hơn nhiều cũng như sẽ trở nên dễ dàng hơn, tất cả đều tùy thuộc vào IQ tài chính của bạn.

 



BÀI 5: NGƯỜI GIÀU TẠO RA TIỀN

Hầu hết chúng ta đều có những cơ hội vụt sáng ngay trước mắt nhưng lại không thấy được nó, phải mất một thời gian khá lâu chúng ta mới có thể nhận ra nó, nhưng lúc đó thì người khác đã giàu lên rồi.

Đó là lý do vì sao chúng ta cần những từ như “gan góc”, “táo bạo”, “can đảm” và “kiên quyết”.v.v…

Như mình đã nói ở trên, IQ tài chính là điều rất cần thiết nhưng nếu nỗi sợ quá lớn thì tất cả kiến thức của chúng ta sẽ bị át đi,cho nên cần đòi hỏi cả kiến thức lẫn sự can đảm để tạo nên năng lực tài chính thực sự.

Nếu bạn đã từng đặt những câu hỏi như : tại sao phải hiểu biết về tài chính? Tại sao phải mạo hiểm? và tại sao phải quan tâm đến IQ tài chính của mình?

Thì câu trả lời đơn giản là chỉ để cho bạn có nhiều sự lựa chọn hơn thôi, vì những gì bạn biết sẽ giúp bạn kiếm ra tiền, còn những gì bạn không biết sẽ khiến bạn phải mất tiền.

Thực sự mà nói thì tiền bạc chỉ là một khái niệm và không có thực, người giàu tạo ra tiền còn người nghèo và người trung lưu thì đi kiếm tiền.

Nếu chúng ta càng nghĩ rằng tiền bạc có thực thì chúng ta càng làm việc cực hơn cho nó,còn nếu chúng ta hiểu được rằng tiền bạc không có thực, chúng ta sẽ làm giàu nhanh hơn.

Bạn nghĩ nó là cái gì thì nó là cái đó, đơn giản vì tiền bạc không có thực. Và hầu hết chúng ta không giàu lên được đơn giản vì chúng ta không được huấn luyện về tài chính để nhận ra những cơ hội ngay trước mắt.

Tiếp đến là vấn đề thiếu tiền nên cũng không làm ăn gì được, như mình đã nói ở trên, nếu như bạn biết tạo cho mình một cột tài sản vững chắc sớm, thì bạn sẽ có thể tránh được vấn đề nan giải này, và bạn sẽ có được rất nhiều tiền.

Và sau cùng, mình muốn bạn hãy nhớ, Đầu tư kinh doanh không phải là mua bán, mà đó là sự hiểu biết. Sẽ luôn luôn có những rủi ro, vì vậy bạn hãy học cách xoay sở những rủi ro này thay vì né tránh chúng.

 


6 bài học ý nghĩa về tri thức và đồng tiền - Ảnh 4



BÀI 6: HÃY LÀM VIỆC ĐỂ HỌC, ĐỪNG LÀM VIỆC VÌ TIỀN

Như mình đã nói ở trên, những điều bạn biết sẽ giúp bạn kiếm ra tiền, và những điều bạn không biết sẽ khiến bạn phải mất tiền.

Vì thế bạn cần biết mỗi thứ một chút, như mỗi khi bạn chọn lựa cho mình một công việc mới, bạn nên nghĩ xem công việc đó có gì đáng để cho bạn học không, chứ đừng nghĩ công việc đó lương ra sao.

Và ngày nay, việc chuyển từ công ty nay sang công ty khác được xem là một việc khôn ngoan,Có thể trong tương lai gần bạn kiếm được ít tiền hơn, nhưng trong tương lai xa bạn sẽ có được phần thưởng vô giá nhờ những phương thức kinh doanh khác nhau mà bạn đã học được từ các công ty.

Trong sách, có một đoạn tác giả hỏi các sinh viên của ông rằng: “Bao nhiêu người trong các bạn có thể làm một cái bánh hamburger ngon hơn McDonald’s?”, và hầu như tất cả sinh viên đều giơ tay, sau đó ông lại hỏi tiếp: “Vậy nếu hầu hết các bạn đều làm được bánh ngon hơn thì tại sao McDonald’s lại kiếm được nhiều tiền hơn bạn?”

Đó chính là lý do khiến hầu hết những người tài năng phải chịu cảnh nghèo, là vì họ tập trung vào việc làm một cái hamburger ngon, mà biết quá ít hoặc không biết gì về phương thức kinh doanh cả.

Nếu bạn muốn có những kiến thức mình cần cho tương lai xa thì hãy làm việc để học, còn nếu bạn chỉ muốn hưởng thụ cuộc sống hiện tại và chỉ biết chút ít hoặc không biết chút kiến thức nào về phương thức kinh doanh thì bạn hãy làm việc vì tiền.

Theo Dân trí