Nói đến sự thành công trong việc học tiếng Anh ở trẻ tiểu học là nói đến hai yếu tố: trẻ học được gì và trẻ được đánh giá như thế nào.
Đối với yếu tố đầu tiên, trẻ cần được phát triển đồng thời các kỹ năng khác nhau từ kiến thức học thuật, xã hội đến các kỹ năng mềm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục.
Đối với yếu tố thứ hai, trẻ cũng cần được đánh giá đúng trình độ theo các thang đo năng lực quốc tế, qua đó biết chính xác khả năng của mình để kịp thời có kế hoạch học tập phù hợp.
Để có được điều này, trước khi có sự dẫn dắt của thầy cô giáo, cha mẹ chính là người đầu tiên lựa chọn con đường tốt nhất cho trẻ. Điều này càng quan trọng ở lứa tuổi tiểu học, vì giai đoạn này nhận thức của trẻ còn non yếu, cần có sự dẫn dắt của những người có kinh nghiệm. Cha mẹ cần phải đầu tư tìm hiểu các cách thức để giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả nhất. Để làm được điều này, phụ huynh cần chú ý 3 bước dưới đây.
Bước 1: Xác định mục tiêu học tập rõ ràng
Nhiều người tư duy cho trẻ học ngoại ngữ ở bậc tiểu học là để nâng cao khả năng giao tiếp. Lợi ích lớn nhất của mục tiêu này là trau dồi khả năng phản xạ của trẻ khi tiếp xúc với tiếng Anh. Tuy vậy, theo nghiên cứu của Hiệp hội Giáo viên tiếng Anh Quốc tế TESOL (TESOL International Association), xu hướng dạy và học giờ đây đề cao khả năng sử dụng tiếng Anh toàn diện.
Giờ đây, phụ huynh cần xác định nhiều hơn mục tiêu giao tiếp nếu muốn trẻ có được gốc tiếng Anh vững chắc. Mục tiêu ấy nên gồm những yếu tố: phản xạ giao tiếp với người nước ngoài, kiến thức ngữ pháp và từ vựng bổ trợ cho việc học chính khoá, kinh nghiệm làm bài thi quốc tế (TOEFL Primary, Cambridge Exam...) hay tham gia các kỳ thi học sinh giỏi ngoại ngữ. Mục tiêu giao tiếp chỉ là mục tiêu khởi đầu, còn để trẻ học thuận lợi ở các cấp học cao hơn, việc sớm đưa ra các mục tiêu xa hơn là rất cần thiết.
Bước 2: Xây dựng lộ trình học tập hiệu quả
Một trong những thành tố quan trọng nhất để học tốt là nền tảng. Ví như khi trẻ học Toán, nếu “mất căn bản”, việc giải bài sẽ khó khăn và nảy sinh tâm lý chán nản. Tiếng Anh cũng vậy. Việc xây dựng lộ trình học bài bản và dài hơi từ sớm sẽ hữu ích trong việc định hình các bước học phù hợp, xây dựng một nền tảng tốt cho các cấp học sau này.
Một khảo sát của Tổ chức Giáo dục Language Link Việt Nam cũng cho thấy 90% phụ huynh khi được phỏng vấn đều đồng ý việc định hướng lộ trình học là rất quan trọng.
Một trong những căn cứ xây dựng lộ trình là theo độ tuổi. Các chuyên gia giáo dục và ngôn ngữ của Language Link Việt Nam, có thể chia lứa tuổi tiểu học thành 2 giai đoạn để dựa vào đó lên lộ trình học tập.
Giai đoạn 1: trẻ 6-9 tuổi còn đang phát triển thế giới quan, có thể tích luỹ các kỹ năng ngoại ngữ cơ bản nghe - nói - đọc - viết thông qua phương pháp học kết hợp chơi đùa để không thấy nhàm chán và sợ sệt.
Giai đoạn 2: khi lên 9-10 tuổi, bắt đầu cho trẻ tiếp cận với kiến thức học thuật như ngữ pháp, từ vựng vì khi này trẻ đã có nhận thức rõ hơn về việc học. Thêm nữa, đây là giai đoạn trẻ chuyển giao, bước vào cấp II với giáo trình chính khoá nặng hơn, bài thi dồn dập hơn và cơ hội du học nhiều hơn.
Bước 3: Chọn lớp tiếng Anh phù hợp
Từ hai yếu tố trên, có thể thấy việc lựa chọn một lớp học tích hợp là cần thiết cho trẻ tiểu học. Lớp học này phải giúp trẻ rèn luyện toàn diện từ giao tiếp, ngữ pháp và từ vựng chuyên sâu; đồng thời tích luỹ các kỹ năng cần thiết để tham gia các kỳ khảo thí tiếng Anh, lấy chứng chỉ phục vụ cho nhu cầu du học hoặc xin vào các trường điểm.
Vì vậy, khi đã xác định mục tiêu học tập rõ ràng, phụ huynh sẽ có căn cứ để xây dựng một lộ trình học tập phù hợp cho trẻ, từ đó nhận biết lớp học nào có thể đáp ứng chính xác kỳ vọng của mình. Các trung tâm giáo dục trên thị trường có rất nhiều với ưu - khuyết khác nhau, nên phụ huynh, chứ không phải trẻ, mới là người đầu tiên cần xây dựng cho mình một lộ trình rõ ràng và thông minh để tìm được phương cách giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả nhất.
Theo zing.vn