17 người một gương mặt - Ảnh 1

 

Bạn đọc nào từng thích và quan tâm tới cái tin “Người phụ nữ có 17 linh hồn” từng làm xôn xao trên mạng hơn một năm trước thì đây chính là cuốn sách viết trọn vẹn về người phụ nữ đó đấy.

 
Đây là cuốn tự truyện do ông bác sỹ Baer người trực tiếp điều trị cho chị ấy (trong sách tên là Karen) viết lại. Nghe thì có vẻ sặc mùi y học nhưng cách viết rất mượt mà, giàu tính văn học mà nội dung càng đọc càng cảm động, thấy thú vị (là cảm nhận cá nhân tôi thôi nhé).

 
Câu chuyện bắt đầu vào cái ngày Karen bước đến phòng khám của Baer, tra tấn ông này bằng hàng mớ những thất bại, bất hạnh và sự nhẫn nhục đến không tin được của chị ta.

 
Là bác sỹ tâm lý, quen đủ với nỗi đau của con người rồi mà bác sỹ Baer cũng không chịu được, cảm thấy khó thở ngột ngạt như là cá bị vớt ra khỏi nước. Vì thiếu cảm thông, suýt chút nữa bác sỹ Baer đã làm cho Karen thất vọng. Rất may, bác sỹ soi gương tự kiểm điểm kịp thời và dần trở thành chỗ dựa tinh thần thật sự cho Karen và sau này là 17 linh hồn khác trong người cô ấy nữa.

 
Suốt thời gian sau đó, bác sỹ Baer “vận hết mười thành công lực”, đánh đông dẹp bắc để bảo vệ Karen khỏi những cơn trầm cảm, tự hủy hoại bản thân mình. Nhưng cũng nhờ thế mà các nhân cách khác trong Karen đâm ra khoái bác ấy, tin bác ấy và thích được ra ngoài nói chuyện với bác ấy.
Bước ngoặt vĩ đại đã thực sự đến khi nhân cách Clair 7 tuổi đã “kết đậm” bác Baer tới mức đã “phản bội” các nhân cách khác để giao lưu với bác sỹ (chả là các bạn khác ép bạn ấy thề là không được cho bác sỹ biết sự hiện diện của họ).

 
Một cánh cửa đã mở thì các cửa khác có đóng cũng mất công, các nhân cách khác thôi không tự dối lòng mình nữa, dần dần tự động đi ra chào hỏi bác Baer hết. Mỗi nhân cách một cá tính, một câu chuyện thú vị, rắc rối thì có cả đống làm bác Baer phải trổ hết tài lẻ ra để thu phục lòng dân. Mỗi nhân cách một chiêu thức, thiên biến vạn hóa không thể lường hết được.


Bạn Claire 7 tuổi, hay gọi nhầm tên  bác sỹ Baer thành bác sỹ Bear (bác sỹ Gấu) vốn sẵn ngọt ngào thì bác đối xử như người cha với con gái nhỏ. Bạn Miles mới tí tuổi đầu mà hung ha hung hăng nhưng dũng cảm thì bác đề cao tính dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao như kiểu trưởng phòng khen nhân viên cốt cán.


Bạn Karl thì cũng ngổ ngáo nhưng lại ưa nịnh, dễ bị dắt mũi thì bác lấy oai của bố trị con hư ra đè nén rồi vừa đàn áp vừa xoa dịu, tâng bốc làm cu cậu ngấm thuốc và ngoan như cừu. Với các nhân cách lớn, bác cũng tùy người mà cho thuốc, khiến cho nhân cách nào cũng yêu thích bác ấy.
Nói tóm lại phương châm luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, thành thực thương yêu, chân thành đối xử của bác ấy đã hiệu quả, các nhân cách đều cởi mở, quý bác ấy hết lòng, giáng sinh còn chung tay góp sức mua quà cho bác ấy nữa.


Dần dần, những vết thương lòng của từng nhân cách đều được hàn gắn và sẵn sàng cho tiến trình hòa nhập, hợp thể với Karen. Đây là phần 3 của cuốn sách, mang phong vị của sự ly biệt như những ngọn nến dần dần tự tắt, đầy cảm động.


Đọc xong cuốn sách này, mọi định kiến về cái gọi là “bệnh rối loạn đa nhân cách” tan luôn trong gió. Mới biết, trước nay mình chỉ hiểu một cách rất lớ ngớ rằng tâm thần là những người đánh mất tâm trí vẫn thường thấy lang thang vô định ngoài đường phố, thật chẳng khác nào kẻ dẫm chân trong vũng nước mưa mà cứ tưởng rằng mình đang bơi trong biển.