12 điều cần ghi nhớ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016
1.Thời gian thi: Từ 1/7 – 4/7/2015: Kỳ thi THPT Quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày từ 1 - 4/7/2015.
Theo Quyết định 3538/QĐ-BGDĐT trước đó thì kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 9 - 12/6/2015. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các trường, Bộ quyết định dời kỳ thi THPT Quốc gia sang đầu tháng 7 (như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây) để học sinh cũng như phụ huynh ổn định tâm lý và có thêm thời gian ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác cũng là để các Sở Giáo dục & Đào tạo không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
2. Môn thi:8 môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ: Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại.
Riêng đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh có các chứng chỉ quốc tế uy tín theo quy định tại Công văn số 6031 của Bộ Giáo dục & Đào tạo ngày 23/10/2014 sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cũng liên quan đến môn thi Ngoại ngữ, thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Do đó, các thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn này khi xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh muốn sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ, sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh, phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia.
Ngoài ra, thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, sẽ được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo quyết định và báo cáo Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Cũng theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo về kỳ thi THPT quốc gia thì thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài 4 môn thi tối thiểu, phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.
Với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước dự thi để được xét tuyển sinh ĐH, CĐ, phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định.
3. Thi theo cụm: Kế thừa những ưu điểm của việc tổ chức thi theo cụm trong các kỳ thi tuyển sinh 2016 theo hình thức “3 chung” những năm qua, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì.
Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh).
Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì, nhằm đảm bảo công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.
4. Đề thi THPT quốc gia theo hướng mở: Đề thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014; đề thi tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
5. Giữ thang điểm 10: Sau khi trưng cầu ý kiến về việc nên xây dựng thang điểm 20 hay giữ thang điểm 10 truyền thống để đảm bảo thích nghi với yêu cầu của kỳ thi sử dụng kết quả cho hai mục đích, Bộ GD-ĐT quyết định giữ thang điểm 10 trong quy chế thi THPT quốc gia để tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh.
Theo đó, điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10; điểm lẻ có thể đến 0,25; không quy tròn điểm.
6. Không làm tròn điểm: Tất cả các bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25, nhưng không quy tròn điểm. Việc không quy tròn điểm tính trên điểm từng bài thi cũng như tổng điểm từng tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển ĐH, CĐ.
Điều này khác biệt so với quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây vốn cho phép nếu tổng điểm ba môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5 và có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1 thì quy tròn thành 1. Ngoài các bài thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy, việc chấm bài thi tự luận sẽ theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT.
Theo đúng quy trình, trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm. Sau đó sẽ tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.
Ở hai lần chấm này, nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau dưới 0,5 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, dưới 1 điểm đối với môn khoa học xã hội thì hai cán bộ chấm thi sẽ thảo luận thống nhất điểm.
Trường hợp lệch nhau từ 0,5-1 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, từ 1-1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội, hai cán bộ chấm thi phải thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm.
Còn trường hợp điểm hai lần chấm lệch nhau trên 1 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, trên 1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh. Quy trình chấm thi rất chặt chẽ và được quy định cụ thể trong quy chế. Các hội đồng thi sẽ phải tuân thủ nghiêm túc, đảm bảo cho kỳ thi được an toàn, minh bạch, công bằng.
7. Điểm liệt trong xét tốt nghiệp THPT là 1,0: Theo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh đạt 1,0 điểm/bài thi trở xuống, thí sinh bị kỷ luật hủy bài thi đối với một trong số các môn thi tối thiểu đã đăng ký sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Như vậy, mức điểm liệt của kỳ thi THPT quốc gia là 1,0.
8. Thí sinh được mang gì vào phòng thi?: Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.
Năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang vào phòng thi Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì).
Thí sinh còn được phép mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình, nhưng đó là các máy chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Lưu ý thí sinh tuyệt đối không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
9. Các loại máy tính thí sinh được mang vào phòng thi THPT quốc gia 2015
Theo Quy chế, trong kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia và thi ĐH - CĐ, thí sinh được sử dụng các loại máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.
Danh sách cụ thể các máy tính cầm tay thông dụng đáp ứng yêu cầu nói trên gồm có:
Casio FX 570 MS, FX 570 ES, FX 570 ES Plus và FX 570 VN Plus, FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus.
VinaCal 500MS, 570 MS, 570 ES Plus và 570 ES Plus II.
Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES plus function, VN 570 RS, VN 570 ES và VN-570ES Plus.
Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM,
Canon F-788G, F-789GA
Trường hợp thí sinh cố tình mang theo tài liệu hay các vật dụng không liên quan đến việc làm bài thi, các phương tiện thu phát thông tin không được quy định trên vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.
10. Thí sinh có quyền phúc khảo bài thi: Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi và phải nộp lệ phí phúc khảo theo quy định. Theo đó, sở GD-ĐT nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến hội đồng thi.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo.
11. Xét tốt nghiệp THPT: 50% điểm xét học bạ: Theo quy chế thi THPT quốc gia, các sở GD-ĐT có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh dự thi. Việc xét tốt nghiệp dựa trên kết quả bốn môn thi tối thiểu và điểm trung bình cả năm lớp 12. Như vậy, điểm tốt nghiệp của mỗi thí sinh sẽ được tính:
Điểm xét tốt nghiệp = {(Tổng điểm bốn môn thi + điểm khuyến khích (nếu có) : 4) + điểm trung bình các môn lớp 12 + điểm ưu tiên (nếu có)} : 2.
Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 1,0 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp THPT.
12. Tối đa 16 nguyện vọng: Về việc công nhận tốt nghiệp THPT, các Sở Giáo dục & Đào tạo có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh dự thi. Kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp.
Theo dự thảo, mức điểm liệt cũng nâng lên từ thang điểm 1 năm trước lên điểm 2. Vì vậy việc tính điểm tốt nghiệp THPT, gồm 50% kết quả học lực lớp 12 và 50% điểm thi tốt nghiệp, cũng thay đổi. Cụ thể, năm ngoái kết quả tốt nghiệp THPT lấy tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp THPT cộng với kết quả trung bình học lực lớp 12 sau đó chia cho 4 thì năm nay sẽ chia 8.
Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi (có mã vạch để nhận dạng từng đợt xét tuyển) và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. TS dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển TS chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng nhưng có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường. Đồng nghĩa với việc, mỗi thí sinh có tối đa 16 nguyện vọng.
Lịch thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 các môn cụ thể:
Ngày | Buổi | Môn thi | Thời gian làm bài | Giờ phát đề thi cho thí sinh | Giờ bắt đầu làm bài |
1/7 | Sáng | Toán | 180 phút | 7g25 | 7g30 |
Chiều | Ngoại ngữ | 90 phút | 14g15 | 14g30 | |
2/7 | Sáng | Ngữ văn | 180 phút | 7g25 | 7g30 |
Chiều | Vật lí | 90 phút | 14g15 | 14g30 | |
3/7 | Sáng | Địa lí | 180 phút | 7g25 | 7g30 |
Chiều | Hóa học | 90 phút | 14g15 | 14g30 | |
4/7 | Sáng | Lịch sử | 180 phút | 7g25 | 7g30 |
Chiều | Sinh học | 90 phút | 14g15 | 14g30 |
Thời gian thi làm bài cụ thể các môn như sau:
- Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý: thi tự luận, 180 phút.
- Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học: thi trắc nghiệm, 90 phút.
- Các môn Ngoại ngữ: có phần viết và trắc nghiệm, 90 phút.
Thống nhất thời điểm bóc túi đựng đề thi tại phòng thi trên toàn quốc:
- Buổi sáng: 07 giờ 45
- Buổi chiều: 14 giờ 15