Thói “ngồi lê đôi mách”.
Con người thường đánh giá và bàn luận về những người khác, bất chấp việc đó có gây tổn thương cho các đối tượng được nói đến hay không. Theo Robin Dunbar, nhà nghiên cứu ở ĐH Oxford (Anh), mục tiêu của việc “tám” không phải là để đưa ra sự thật, thông tin chính xác, mà là để một nhóm người tạo cơ hội xích lại gần nhau, dù rằng điều đó có thể ảnh hưởng không tốt đến đối tượng “bị tám”.
- Cũng tự nhiên thôi, không “tám” thì có mà “độc - cô” à! Tuy nhiên, cũng đừng quá đáng đến nỗi “Đâm bị thóc, thọc bị gạo”.
Tật đánh bạc.
Máu “đỏ đen” dường như đã bám rễ sâu trong đầu óc nhiều người khắp nơi trên thế giới. Theo kết quả một công trình nghiên cứu về thần kinh đăng trên tạp chí Neuron: khi thắng bạc, não của con người được kích thích sảng khoái để tiếp tục bài bạc. “Con bạc thường cho rằng việc suýt thắng là sự kiện đặc biệt, khuyến khích họ tiếp tục đánh bạc. Não người bị kích thích bởi việc suýt thắng giống như khi thắng bạc, dù rằng hai thứ đó khác nhau hoàn toàn”, Like Clark ở ĐH Cambridge (Anh) nói. Khi thua, người ta trở nên say sưa hơn (hay cay cú!) và quên hết những tính toán hợp lý, kỹ lưỡng trước khi bước vào canh bạc.
Làm quá nhiều.
Căng thẳng thần kinh có thể khiến con người suy nhược, chán nản, thậm chí dẫn đến tự tử. Môi trường làm việc hiện đại gây căng thẳng cho rất nhiều người. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, trên 600 triệu người khắp thế giới làm việc hơn 48 tiếng một tuần, nhiều người phải làm thêm giờ mà không được trả thêm tiền. Khoảng một nửa số người đi làm ở Mỹ về nhà vẫn làm việc. Những công nghệ tiên tiến như điện thoại thông minh và Internet băng thông rộng khiến ranh giới giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi mờ dần đi. Các chuyên gia y tế khuyên rằng, tập thể dục thường xuyên và ngủ đầy đủ là biện pháp tốt nhất để loại bỏ căng thẳng thần kinh.
Xâu, xiên, xăm, xẻ.
Dự báo tới năm 2015, khoảng 17% dân Mỹ trải qua quá trình làm đẹp nào đó. Một vài người gọi đó là tự khai sáng, là nghệ thuật, là giết thời gian, là nổi loạn, là chống đối. Một số người thích xâu, xiên, khuyên, xẻ, xăm… để thay đổi hình dáng dáng đầu, kéo dài cổ, trang trí tai, miệng, ngực, bụng… Những hành động này có từ thời xa xưa, khi con người vô cùng sùng bái tôn giáo hay muốn thể hiện sức mạnh, địa vị.
Có lẽ nhiều người ngày nay làm thế để khiến mình đẹp hơn hay đơn giản chỉ để thông báo rằng mình thuộc một nhóm người nào đó. Tuy nhiên, việc làm “đục đẽo” cơ thể như vậy thường gây bất tiện trong sinh hoạt, dễ gây sưng tấy, viêm nhiễm, lây bệnh nguy hiểm… Ngoài ra, những hình xăm kì dị trên bắp tay, trang sức gắn trên lưỡi, móc xâu trên ngực, bi nằm dưới da… khiến người ngoài nhìn vào không mấy thiện cảm.
Nói không thật.
Không ai lý giải thỏa đáng tại sao con người nói dối nhiều thế. “Nói dối liên quan tới lòng tự trọng. Chúng tôi cho rằng, khi nào con người cảm thấy lòng tự trọng của mình bị đe dọa thì họ ngay lập tức nói dối để giữ sĩ diện”, nhà tâm lý học Robert Feldman ở ĐH Massachusetts (Mỹ), nói. Feldman đã tiến hành nghiên cứu tần suất nói dối của một số người, trong đó 60% số người được khảo sát nói dối ít nhất một lần trong cuộc nói chuyện kéo dài 10 phút.
- Theo nhiều nhà nghiên cứu: một câu nói dối thường dài hơn câu nói thật 30%, người ta nói dối trong email vì mục đích công việc nhiều hơn trong thư viết tay và nói dối qua điện thoại dễ hơn nói dối trực tiếp.
Lừa dối.
Dù hầu hết mọi người cho rằng thật thà là đức tính tốt, nhưng cứ 5 người Mỹ thì có 1 người cho rằng gian lận trong việc đóng thuế là có thể chấp nhận được và đó không phải vấn đề đạo đức. Khoảng 10% số người được nghiên cứu nói rằng đôi lúc có thể ngoại tình mà không cảm thấy có lỗi với bạn đời. Theo một vài nghiên cứu, những người đề cao các quy tắc đạo đức thường bị lừa dối nhiều nhất. Những kẻ dối trá nhất lại thường tỏ ra có đạo đức nhất, và biện minh rằng dối trá là hành động có thể chấp nhận được trong một số tình huống nhất định.
- Ngày càng nhiều người nổi tiếng và chính trị gia được coi là những tấm gương đạo đức lại đi ngoại tình. Theo nhiều chuyên gia, lý do thật đơn giản: đàn ông ham muốn sex hơn đàn bà, và nam giới có quyền lực càng có xu hướng lừa dối bạn đời.
Thói ức hiếp người khác.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng hơn một nửa học sinh trung học từng bắt nạt hay bị bắt nạt. Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2009 ở châu Âu, trẻ em ức hiếp bạn bè ở trường thì thường bắt nạt anh chị em ruột ở nhà.
- Nhưng bắt nạt người khác không chỉ là hành động của trẻ con. Một nghiên cứu cho thấy 30% nhân viên văn phòng ở Mỹ bị sếp hay đồng nghiệp ức hiếp, thể hiện qua việc giấu thông tin quan trọng khiến nhiệm vụ khó hoàn thành, tung tin đồn nhảm và các cố tình sỉ nhục khác…
Trộm cắp.
Nhiều người ăn trộm vì túng thiếu. Nhưng có không ít người ăn cắp chỉ vì cảm thấy kích động trước vật họ nhìn thấy. Một nghiên cứu trên 43.000 người ở Mỹ chỉ ra rằng, 11% trong số đó thừa nhận từng ăn cắp đồ trong cửa hiệu ít nhất một lần dù rằng họ thừa sức mua. Theo một số nhà nghiên cứu, thuốc Naltrexone có thể giúp con người kìm chế cảm giác thèm muốn đồ vật.
- Thuốc giúp phong tỏa tác động của những chất gây nghiện nội sinh thôi thúc con người ăn cắp và kìm nén cảm giác sảng khoái trong não khi thực hiện hành động đó.
Khao khát bạo lực.
Bạo lực là vấn đề xuyên suốt lịch sử loài người. Theo các nhà khoa học, tổ tiên loài người trong quá khứ thậm chí còn yêu hòa bình hơn con người ngày nay, dù có bằng chứng cho thấy loài người ăn thịt đồng loại trong thời kỳ tiền sử. Con người dường như thèm muốn bạo lực giống như khao khát tình dục, thức ăn và ma túy. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, những hành động bạo lực của con người gắn liền với bản năng sinh tồn.
- “Hành động hiếu chiến ở các loài nói chung đều liên quan đến việc đấu tranh sinh tồn hay tranh giành bạn tình, và điều này phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, xã hội, sinh sản, và lịch sử của các loài. Loài người là một trong những loài hiếu chiến nhất”, nhà sinh vật học David Carrier ở ĐH Utah (Mỹ) nhận định.
Giữ mãi thói quen xấu.
Có lẽ tất cả các điều trên vẫn dễ giải quyết hơn là việc từ bỏ thói quen xấu. Con người thường cảm thấy “ghét” khi bị nhắc đến các thói quen xấu có liên quan đến mình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều người đã nhận thức được mối nguy hại của những thói quen xấu nhưng vẫn không bỏ được. Họ thường viện lý lẽ cho thói quen xấu của mình, ví dụ như: “Nó đã làm hại tôi đâu”, “Bà tôi hút thuốc cả đời mà vẫn sống đến 90 tuổi đấy thôi”…
Theo: “10 tật xấu phổ biến nhất của con người”/(Live Science).