Trò chuyện với gia đình và bạn bè
Lời khuyên này của các chuyên gia không quá mới nhưng chưa bao giờ là cũ với những con người có ít thời gian cho những người thân yêu.
“Bạn bè” và “gia đình” mới thực sự là liều thuốc hiệu nghiệm với bạn bởi bạn cần hiểu rằng chia sẻ những cảm nhận, hy vọng, mong muốn, nỗi đau là cách nhanh nhất làm vơi đi căng thẳng.
Đều đặn tham gia các hoạt động thể thao hàng ngày
Nếu bạn muốn cái đầu của bạn “thoáng” hơn, hãy nghĩ đến việc chơi thể thao. Ngay cả khi căng thẳng làm bạn thấy uể oải, cũng hãy thử cố gắng đứng dậy và bước tới phòng tập, hoặc tới một không gian mở nào đó để đi bộ, bơi lội, đạp xe,...
Khi về nhà, bạn đã thấy tinh thần mình khác hẳn, đúng không?
Luôn cười
Lúc vui, bạn cười. Vậy ngược lại, bạn có nghĩ tập... cười cũng làm bạn tự nhiên thấy phấn chấn hơn? Các nhà khoa học đã cho thấy ngay cả khi bạn cười một cách... không tự nhiên cho lắm, căng thẳng trong bạn cũng... bất ngờ giảm nhẹ.
Vậy còn chờ gì nữa mà không thử xem một bộ phim hài, đọc truyện tranh hay lên mạng tìm những hình ảnh ngộ nghĩnh buồn cười rơi nước mắt?!
Chấp nhận điều bạn chẳng thể thay đổi
Nghe có vẻ hơi bi quan, tuy nhiên nghĩ kỹ bạn sẽ thấy có những thứ bạn chẳng bao giờ thay đổi được, ví dụ như việc... bạn đang già đi chẳng hạn.
Ai cũng sẽ phải già đi và bạn đừng than rằng “tôi già quá!” hay “tôi không còn trẻ nữa” mà ảnh hưởng đến việc học hỏi đón nhận cái mới, đặt mục tiêu cao hơn trong công việc, giúp đỡ mọi người hay yêu một ai đó chẳng hạn. Tự phụ sẽ khiến bạn không dám làm những việc mà bạn muốn làm.
“Đầu hàng” lối sống thiếu lành mạnh
Dùng quá nhiều đồ uống có cồn, cafein, hút đủ các loại thuốc lá... chắc chắn sẽ giúp bạn dễ tăng stress. Truyền thông vẫn nhắc bạn liên tục về những điều này đúng không?
Vì thế, nếu đang có ý định tập hút thuốc lá, vì bạn tưởng rằng hút thuốc lá làm giảm căng thẳng tức thì, bạn hãy từ bỏ ngay trước khi biến thành một kẻ phụ thuộc vào nó.
Không hối hả
Hãy tự cân bằng cuộc sống của bạn bằng việc sắp xếp thời gian một cách hợp lý nhất có thể, để bạn vẫn đảm bảo mình có thể làm hết mọi việc mà một ngày của bạn vẫn không trôi qua vội vã.
Cứ “chạy đua” liên miên cùng công việc, bạn sẽ phải “chào thua” những trận stress và tạo cơ hội để nó tích tụ trong bạn mỗi ngày.
Ngủ đủ giấc
“Thần dược” của bạn là đây. Một giấc ngủ quyết định khả năng phục hồi về thể chất và tinh thần của bạn, nên không phải bỗng nhiên các chuyên gia khuyên bạn nên đảm bảo ngủ được 6 - 8 tiếng mỗi ngày.
Để thực hiện điều này, bạn cần quan tâm đến chiến lược “Không hối hả”.
Có kế hoạch làm việc
Sắp xếp công việc theo thứ tự quan trọng để đặt kế hoạch làm việc nào trước, việc nào sau, việc nào cần gấp và việc nào có thể tà tà là cách khá hiệu quả giúp cái đầu của bạn khỏi bị nổ tung trước núi việc được giao trước mắt.
Dĩ nhiên căng thẳng lúc ấy làm sao dám gõ cửa nhà bạn.
Giúp người là giúp mình
Thử hướng sự quan tâm của bạn đến một người bạn thân cũng đang rơi vào tình trạng tương tự, để cả hai cùng... cười nhạo sự căng thẳng khi cùng chia sẻ các biện pháp làm cuộc sống bớt phức tạp hơn.
Nếu một người bạn của bạn nhanh chóng thoát khỏi stress, bạn cũng sẽ thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Cố gắng đừng lo âu
Thế giới sẽ không diệt vong, ngày tận thế còn lâu mới đến nếu như bạn bị đuổi việc, bạn bị sếp mắng hay con cái bạn... chưa kịp ngoan.
Mọi chuyện luôn có hướng giải quyết và cách tháo gỡ nếu bạn tỏ ra bình tĩnh đón nhận mọi việc, có biện pháp xử lý khéo léo và không lo ngại mọi điều tồi tệ xảy ra.
Càng lo lắng, bạn sẽ chỉ càng làm mọi chuyện rối lên khi bạn thiếu tỉnh táo. Vậy hãy chỉ cho phép mình được sợ một điều duy nhất nào đó, để thấy rằng mọi điều tồi tệ khác cũng chỉ là... chuyện nhỏ mà thôi.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam