Bộ GD-ĐT vừa thông báo giáo viên muốn lên hạng 1 cần phải tham gia biên soạn, biên tập, phát triển tài liệu, chương trình bồi dưỡng giáo viên, nhưng để đạt được điều này không hề dễ.

hoạt động giảng dạy

Giáo viên tham gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2

Bộ GD-ĐT đã ban hành 4 thông tư số 01, 02, 03, 04 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20.3.2021 quy định về bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non công lập.

Khó để nâng hạng cao

Theo đó, ở tất cả các cấp học, giáo viên (GV) đều được xếp từ hạng 3 (bỏ hạng 4), do vậy với GV mới ra trường nếu đáp ứng đủ các điều kiện cũng sẽ được xếp hạng từ hạng 3. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quản lý, việc xét nâng hạng theo quy định trước đó lẫn theo thông tư mới đều rất khó, nhất là ở mục nhiệm vụ đối với GV hạng 1.

Cụ thể, ở bậc mầm non, để đạt hạng 1, GV phải tham gia biên tập hoặc biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng GV mầm non cấp huyện trở lên. Bậc tiểu học thì GV phải tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng GV, học sinh tiểu học hoặc tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Ở bậc THCS, THPT cũng có yêu cầu tương tự, GV phải tham gia biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương…

Chia sẻ về thực tế nâng hạng GV, bà B.T, hiệu phó của một trường tiểu học ở TP.HCM, cho biết cả trường gần 60 GV nhưng không ai đạt được hạng 1, kể cả hiệu trưởng và hiệu phó.

“Tôi đang tính làm hồ sơ để lên hạng 1 nhưng thấy khó lòng đạt đủ các tiêu chuẩn. Từ trước tới giờ, trường mình chỉ có GV hạng 2 là cao nhất thôi, còn lại chủ yếu là hạng 3, 4, mà hầu hết các trường đều như vậy. Theo thông tư mới, ở mục a (phần 1, điều 5) quy định GV tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng GV, học sinh tiểu học hoặc tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn. Nhưng lại không ghi rõ là biên tập, biên soạn tài liệu như thế nào. Phần chương trình này ở cấp trường, huyện hay thành phố? Thực tế thì từ trước giờ là người phụ trách chuyên môn tôi vẫn mở các lớp hướng dẫn GV nhưng việc biên soạn tài liệu theo quy chuẩn nào đó thì chưa”, bà B.T phân tích.

Những quy định chưa cụ thể

Ngoài ra, tiêu chí yêu cầu GV tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cũng không ghi rõ là ở cấp nào. Theo bà B.T, năm trước tất cả thành viên trong ban giám hiệu đều tham gia, nhưng từ năm học tới (theo Thông tư 25 Bộ GD-ĐT) thì mỗi thành phố chỉ thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nên bản thân GV mỗi trường chỉ tham gia ở cấp trường.

“Việc nâng hạng rất khó, trong khi đó nếu cùng bậc thì mức lương giữa hai hạng chênh lệch nhau không nhiều”, bà B.T nói thêm.

Tương tự, khi nói về các yêu cầu để đạt được hạng 1, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cho rằng khó lòng đáp ứng đủ được các tiêu chí. Trong đó, đặc biệt là yêu cầu “tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương”.

Bởi theo ông Khoa, sách giáo khoa trước đây thường do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm biên soạn, còn hiện nay việc soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới dù giao cho nhiều đơn vị và có mời GV tham gia nhưng số lượng rất ít, chưa kể vướng nhiều tiêu chí khác nên hầu như hiện nay cả quận 1 chưa có GV nào đạt hạng 1”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Ngoài ra, ở mục b (phần 3, điều 5), để được hạng 1, GV phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV tiểu học hạng 1. Tuy nhiên theo bà B.T, hiện như ở quận bà, Phòng GD-ĐT mới chỉ tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho GV hạng 2, chưa có lớp bồi dưỡng GV hạng 1, nên bản thân bà không biết phải tìm lớp học này ở đâu.

Hiệu trưởng các trường công lập khác ở TP.HCM cũng đều cho rằng các tiêu chuẩn đối với GV hạng 1 là quá cao, khó có GV nào đáp ứng được kể cả những GV nằm trong ban giám hiệu nhà trường.

Cách thay đổi thăng hạng và xếp lương của giáo viên có gì mới?

Giáo viên có cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay không?

Theo Thanh Niên