Bộ GD-ĐT công bố về tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp của giáo viên từ cấp 1 đến cấp 3. Nhiều giáo viên thắc mắc có cần phải học để lấy bằng bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không.
Giáo viên có cần đi học để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp?
Trước những thắc mắc của giáo viên, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), lý giải đây là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực, mà không riêng gì ngành giáo dục. Cụ thể, luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 điều 33).
Nghị định 101 ngày 1.9.2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 điều 26).
Do đó, nội dung quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong các thông tư số 01, 02, 03, 04 ban hành ngày 2.2.2021 của Bộ GD-ĐT là thực hiện quy định của luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ.
Đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định: Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này theo hướng mở rộng quy định tại luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế. Chỉ khi đó, giáo viên mới có thể sử dụng chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng chuyên ngành để thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
> Sở GD&ĐT TP.HCM nói gì về việc chọn sách giáo khoa?
> Bảo hiểm giáo dục là gì? TOP 4 bảo hiểm giáo dục tốt nhất cho trẻ
Theo Thanh Niên