Ngày 20/11 là ngày lễ rất quen thuộc của chúng ta hằng năm, vậy có bao giờ bạn tự hỏi Ngày nhà giáo Việt Nam được thành lập như thế nào? Nó có ý nghĩa gì? Nhân dịp kỷ niệm 36 năm chúng ta cùng ôn lại một chút về ngày lễ ý nghĩa này nhé!
> Những đồ dùng gắn liền với thầy cô giáo trong ký ức của thời học sinh
Nguồn gốc của ngày nhà giáo Việt Nam
Tháng 07/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập tại Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên (Tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).
Năm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (Thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 - 30/08/1957 tại Warszawa (Hội nghị có 57 nước tham dự), lấy ngày 20/11/1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".
Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".
Ý nghĩa của Ngày nhà giáo Việt Nam
Ngày Nhà giáo Việt Nam (còn được gọi là Ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20/11 tại Việt Nam. Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục, là Ngày nhà giáo, ngày của sự "Tôn sư trọng đạo" với mục đích tôn vinh những con người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Vào ngày này, các học sinh, sinh viên thường đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy cô giáo.
Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại các hoạt động giáo dục và tìm ra phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục. Và như đã trở thành thông lệ, vào Ngày nhà giáo Việt Nam tất cả các trường trong cả nước lại sôi nổi tổ chức các hoạt động văn nghệ do những học sinh trong trường thực hiện, tổ chức các lễ mít-tinh chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam, dựng trại, thi cắm hoa... cùng rất nhiều hoạt động khác có ý nghĩa.
Ngày 20/11 hàng năm đã trở thành dịp đặc biệt để những bạn học trò thể hiện tình cảm của mình với những người đã luôn tận tình truyền đạt kiến thức, dìu dắt mình lớn lên. Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam chúng ta vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc như tôn sư trọng đạo, ăn quả nhớ kẻ trồng cây hay không thầy đố mày làm nên… Đó cũng là thời gian để suy ngẫm, để nhớ về những kỉ niệm với thầy cô.
Người lái đò thầm lặng vùng cao
Nghề giáo, một trong những nghề cao quý từ lâu đã được nhiều người tôn vinh và kính trọng. Nhắc đến ngành nghề này chúng ta có biết bao câu chuyện nói về những tấm gương sáng. Câu chuyện của cô giáo Hoàng Thị Bình - hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Quản Bạ, Hà Giang sẽ cho ta thấy một phần cuộc sống của những người lái đò ấy.
Gần 24 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Hà Giang, cô Hoàng Thị Bình hiểu hơn ai hết tính cách, cuộc sống, phong tục tập quán của người dân nơi đây. Là giáo viên giảng dạy tại nơi mà điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trình độ nhận thức của học sinh còn nhiều hạn chế, có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của các giáo viên là được nhìn thấy các em đến lớp đầy đủ, khỏe mạnh, chăm chỉ học hành mỗi ngày.
Ngày nhà giáo Việt Nam sắp đến, theo sao đó là cái Tết truyền thống của dân tộc, nếu như ở những tỉnh miền xuôi hay thành phố, Tết đến, học trò đến chúc Tết thầy cô thì ở vùng cao thầy cô phải tổ chức đi “chúc Tết” học trò. Thường vào dịp trước hoặc sau Tết, các thầy cô giáo trong trường đến thăm và tặng quà cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay thuộc diện hộ nghèo ở các bản xa.
Đó là nét đẹp của thầy cô ở vùng cao được duy trì hàng năm, là nguồn động viên lớn cho các em khi Tết đến xuân về, để các em có thêm động lực, sức mạnh để học tập. Mỗi phần quà mang giá trị vật chất không lớn, có thể chỉ là bộ quần áo mới, chiếc mũ len, đôi tất ấm… nhưng chính sự quan tâm của các thầy cô đã cho thấy tất cả tình thương yêu và cổ vũ các em vượt qua mọi khó khăn.
Ngày 20/11 là khoảng thời gian để tất cả các thế hệ học trò ở những ngành nghề khác trong xã hội dành thời gian để chia sẻ và tri ân tới thầy, cô. Những người từng ngày âm thầm lặng lẽ cống hiến hết cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người của đất nước.
Đã bao lâu rồi bạn chưa thăm lại thầy cô? Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam - Ngày 20/11 sắp đến hãy dành thời gian cùng bạn bè để tri ân đến thầy cô và cùng tạo ra một Ngày nhà giáo Việt Nam ý nghĩa nhé.
Thảo Nguyên - Kênh tuyển sinh