Kỉ niệm thời học sinh luôn đem đến cho chúng ta nhiều cảm xúc để nhớ về. Đặc biệt là hình ảnh về những thầy cô mà chúng ta yêu quý. Nhân ngày 20/11 sắp đến, cùng Kênh Tuyển Sinh kể về những vận dụng gắn liền với các thầy cô giáo trong ký của thời học sinh chúng ta nhé.
> Ý nghĩa của ngày 20/11 - Ngày nhà giáo Việt Nam
Phấn viết bảng
Nhắc tới quãng đời học sinh thì không thể không nhắc đến tiếng đọc trầm ấm của thầy cô, tiếng cạch cạch đều đặn mỗi khi viết bảng. Thời học sinh, từng dòng chữ phấn trắng trên tấm bảng đen luôn in đậm trong lòng mỗi chúng ta.
Vì thế mà mới có câu hát: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi”, từng lời thơ của nhà thơ Lê Văn Lộc cùng âm điệu sâu sắc của nhạc sĩ Vũ Hoàng. Bài hát Bụi Phấn như nói lên công ơn của người những người làm thầy cô, đem lại con chữ, nét người cho mỗi học sinh.
Thế nhưng ngoài những kỉ niệm tuyệt vời ấy, chúng ta thời học sinh còn được diện kiến tuyệt chiêu “Phi phấn thần chưởng”. Dù thậm thụt ăn vặt ở góc nào, làm việc riêng có kín đến mức nào hoặc nói chuyện thì thầm ra sao thì viên phấn vẫn bay đến đúng địa điểm mà nó cần đến.
Tôi vẫn nhớ như in vào những ngày đầu hè năm lớp 11, cậu bạn ngồi cùng bàn tôi đang mãi ba hoa về chuyến du lịch đợt Tết Nguyên đán của mình. Thì bỗng từ bục giảng, viên phấn do thầy dạy Lý của chúng tôi bay thẳng vào miệng cậu. Tội thì tội nhưng cả lớp được trận cười vang. Đến sau này, mỗi khi đến thăm thầy, thầy đều gọi cậu bằng biệt danh “Đớp phấn”.
Thước kẻ
Có lẽ từ rất lâu rồi, cây thước kẻ đã gắn bó với nghề dạy học, đã trở thành một “phương tiện” bất di bất dịch của nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên các cấp học phổ thông. Mấy ai lên lớp dạy lại không có cây thước trên bàn?
Thầy cô dùng thước trước là để gạch chân các đề mục trên bảng lớp cho thẳng hàng, ngay ngắn, thước giúp giáo viên vẽ hình cho chuẩn, giúp thầy cô làm hiệu lệnh khi gõ xuống bàn để các em bắt đầu và kết thúc một hoạt động học tập nào đó.
Thước còn giúp thầy cô ổn định trật tự khi các em ồn. Chỉ một tiếng cốc gõ trên bàn vang lên, lớp học đang ồn ào náo nhiệt lập tức im lặng như tờ trong phút chốc. Học trò nào mắc lỗi, chỉ cần thầy cô nhấp nhứ cây thước trong tay thì “hồn bay phách lạc”.
Nhiều học sinh cá biệt rất quậy phá, ngỗ nghịch nhưng cũng nên người nhờ những trận roi của thầy cô. Cảm xúc nhất là khi chúng tôi học lớp 9, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi dạy môn Toán. Hôm đó, cả lớp tôi phạm lỗi vì không làm bài tập môn Hóa học, đến giờ sinh hoạt, cô chủ nhiệm gọi tất cả những bạn không làm bài tập lên đứng ở góc bảng.
Tất cả chúng tôi đều đứng úp mặt và quay mong ra ngoài, cô đánh mọi người mỗi người ba roi, nhưng vừa đánh cô vừa khóc. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu, cô xem cả lớp như con của mình, đánh thì sót mà phải phạt để học sinh nhớ, không lười biếng nữa.
Sổ Ghi đầu bài
Nếu Diêm Vương có cuốn sổ Sinh tử khiến người người hoảng sợ thì thời học sinh cuốn sổ Ghi đầu bài cũng có tính chất như thế. Sổ Ghi đầu bài sẽ đánh giá tiết học của lớp ra sao, ghi lại những cái tên vi phạm trong lớp như: không học bài cũ, nói chuyện riêng, làm việc riêng, chưa vệ sinh lớp,... Đây sẽ là điểm số thi đua của lớp trong tuần, học kỳ hay thậm chí là cả năm học.
Chính vì thế, cá nhân nào vi phạm và bị ghi trong sổ Ghi đầu bài thì sẽ thành “tội phạm thiên cổ” bị cả lớp chỉ trích. Thời tôi đi học, vì thành tích của lớp, bạn nào bị ghi vào sổ đầu bài thì sẽ bị mời phụ huynh lên trường để làm việc với giáo viên chủ nhiệm. Khi đó, chúng tôi vừa bị đòn từ giáo viên, về nhà còn bị no đòn từ ba mẹ. Vì vậy, sổ Ghi đầu bài luôn là nỗi ám ảnh của bao thế hệ học sinh.
Cây viết máy
Nếu vật dụng ít đọng lại kỉ niệm giữa học sinh với giáo viên của mình nhất thì có lẽ chính là cây viết mà thầy cô luôn mang theo bên người. Ấn tượng của chúng ta về nó luôn chỉ là những lời phê, những con điểm mực đỏ sau mỗi bài kiểm tra.
Nhưng với chúng tôi thì khác, cây bút của thầy chủ nhiệm luôn gắn liền với mọi kỉ niệm thời học sinh cấp 2. Chúng tôi may mắn khi được thầy làm chủ nhiệm của 4 năm học THCS, có lẽ vì thế mà tình cảm của thầy trò thân thiết hơn hẳn. Bọn bạn tôi luôn kính trọng và xem thầy như cha của mình. Khi phạm lỗi, thầy là người phạt đầu tiên nhưng cũng là người bao bọc để học sinh không phải ăn những trận đòn no nê từ ba mẹ.
Vào ngày 20/11 cuối cấp, thấy chiếc bút máy của thầy đã cũ, cả lớp cùng bàn nhau mua tặng thầy một cây bút mới. Lần đầu tiên đi mua quà tặng 20/11 (vì trước đây mỗi khi mua quà đều do ba mẹ chúng tôi mua và tặng riêng), cả lớp tôi cảm thấy số tiền đóng góp sao quá ít ỏi. Đủ mọi mẫu mã, đủ mọi loại giá.
Cây viết mà chúng tôi đòng lòng chọn thì có giá quá cao, cây phù hợp với số tiền đóng góp thì không thực sự đẹp. Hôm 19/11, chúng tôi trang trí lớp học, mua hoa cho các thầy cô giáo bộ môn và chờ mong đến tiết của thầy giáo kính yêu. Thầy rất vui và xúc động khi nhận được món quà, thầy bảo: “Thực ra, thầy không cần quà từ các em. Chỉ cần các em học thật giỏi, đi đúng với nguyện vọng và đam mê của mình là được.”
Mỗi năm học mới, thầy đều viết cho chúng tôi một lá thư hỏi thăm, mỗi người lá. Đều đặn như thế, dù đã đi làm chúng tôi vẫn được nhận những lá thư từ thầy vào mỗi năm học mới. Vẫn nét chữ bút máy ngay ngắn, tinh gọn, vẫn câu chuyện về trường lớp, về những dặn dò của thầy theo từng năm tháng. Đến nay, dù thư đã ngã màu ố vàng, những mỗi học sinh lớp tôi đều gìn giữ món quà vô giá này như thầy vẫn luôn gìn giữ món quà từ chúng tôi tặng.
Đã bao lâu rồi bạn chưa hỏi thăm thầy cô của mình? Bao lâu rồi chưa đến thăm người thầy từng giảng dạy, la mắng mỗi khi mình phạm lỗi trong học tập? Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, đừng ngại ngùng mà gửi đến cho những "người cha, người mẹ" của mình một lời chúc, một món quà tràn đầy yêu thương nhất nhé.
Kênh tuyển sinh - Tin tức tổng hợp