Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đã đến lúc đặt ra yêu cầu giáo viên các cấp phải có trình độ chuẩn cử nhân đại học sư phạm và có lộ trình loại dần những bậc đào tạo giáo viên thấp hơn

Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, song nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục, cần giải pháp đột phá từ việc nâng cao chất lượng giáo viên.

Từ chối giáo viên hệ trung cấp

Khoảng 3 tháng trước, hàng chục giáo viên của 2 huyện nghèo Mường Lát và Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đồng loạt lên tiếng vì bỗng dưng thất nghiệp do không đủ điều kiện tuyển dụng lại. Trong số này có cả những giáo viên đã có thời gian dạy học từ 2-8 năm ở các vùng đặc biệt khó khăn như các nhà giáo Lương Văn Tích, Vi Văn Hoạch, Vi Văn Chuân, Lương Văn Xoa, Hà Thị Huyền, Hà Thị Doanh… Điều đáng buồn, đa số họ là đối tượng do huyện cử đi học nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tại địa phương. Thế nhưng, vì chỉ tốt nghiệp trung học sư phạm, trong khi tỉnh Thanh Hóa chỉ cho phép tuyển dụng những giáo viên có trình độ đại học (ĐH), CĐ sư phạm bậc tiểu học nên các giáo viên này nghiễm nhiên bị loại khỏi đợt tuyển dụng này.

Không chỉ riêng Thanh Hóa, trong thông báo đối tượng tuyển dụng viên chức đối với giáo viên THCS của UBND huyện Tam Nông, Phú Thọ hồi tháng 11-2013 cũng ghi rõ: “Là những người có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên, hệ đào tạo chính quy tập trung, các chuyên ngành sư phạm”.

Quyết định chỉ tuyển giáo viên tiểu học có trình độ ĐH, thấp nhất là CĐ, đã đẩy các giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu vùng xa, vào con đường cùng. Rõ ràng theo quy định của Nhà nước, đối với bậc giáo dục tiểu học, trình độ TC sư phạm vẫn đạt chuẩn. Trường hợp việc tuyển dụng giáo viên có trình độ ĐH, CĐ là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thì việc “nâng cao” này cần có một lộ trình để những giáo viên gắn bó với miền núi có thời gian, điều kiện nâng cao trình độ chứ không phải “vắt chanh bỏ vỏ”. Chưa hết, đối với những giáo viên đi học theo hình thức cử tuyển thì việc loại bộ phận giáo viên này khỏi việc tuyển dụng vô hình trung đã bỏ phí nguồn ngân sách nhà nước, chính sách cử tuyển của nhà nước vì thế cũng không đạt yêu cầu đặt ra. Trong khi đó, lâu nay nhà nước vẫn đang ưu tiên việc sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ.

Muốn xoá phải có lộ trình

Với kinh nghiệm nhiều năm trên cương vị giám đốc một sở GD-ĐT, ông Trương Kim Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lào Cai (nghỉ hưu tháng 7-2013) thừa nhận giáo viên huyện nghèo vùng cao nếu không thể xin việc ở vùng cao thì hầu như không thể xin việc được ở nơi khác, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. “Không thể có trường hợp giáo viên không đạt chuẩn ở huyện miền núi lại có thể xin việc ở các huyện miền xuôi. Quyết định như vậy thì con đường sự nghiệp của các giáo viên này cũng coi như bị khép lại” - ông Minh nói.

Kiến nghị xóa bỏ đào tạo sư phạm bậc cao đẳng, trung cấp

Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trong giờ học Ảnh: TẤN THẠNH

Chuyên gia này cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế giáo viên vùng xuôi thường không muốn lên miền núi, vùng sâu vùng xa. “Ngay đến học sinh giỏi của Lào Cai cũng không muốn về Lào Cai làm việc. Tôi đã phải trực tiếp về các trường sư phạm ở Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… vận động sinh viên lên miền núi làm việc nhưng họ cũng không lên nhiều, mà số lên thì đến 70% là sau 3-5 năm sẽ lại về xuôi khiến chúng tôi bị hẫng về đội ngũ” - ông Minh cho biết. Chuyên gia này khẳng định đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục phải có đội ngũ giáo viên tốt, cần ưu tiên tuyển dụng đối với các cử nhân sư phạm. Tuy nhiên, ông Minh cũng nhấn mạnh: “Không thể làm giáo dục theo kiểu giật cục, bảo ngưng là ngưng, bảo xóa là xóa mà phải có lộ trình nhất định. Dân gian có câu “được mùa chớ phụ ngô khoai, đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”.

Thực tế cho đến tận những ngày cận kề năm học 2013-2014, việc tuyển dụng giáo viên tiểu học của huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hoàn tất. Thời điểm đó huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cũng mới nhận được 7 hồ sơ đạt chuẩn trình độ như tỉnh yêu cầu.

Tìm lối ra cho trường CĐ sư phạm

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số giáo viên phổ thông hiện nay hơn 800.000 người, giáo viên mầm non là gần 200.000 người, con số này gần như đã đủ so với quy mô học sinh hằng năm. Vì thế, nhu cầu tuyển mới để đáp ứng số giáo viên tăng hằng năm cũng như bù đắp số lượng giáo viên về hưu gần như không đáng kể. Nhiệm vụ đào tạo giáo viên của các trường CĐ sư phạm gần như đã tiệm cận, bão hòa với nhu cầu. Thế nhưng, như đánh giá của ông Trương Kim Minh, “các trường sư phạm không muốn giảm quy mô, vì không ai muốn cắt đi nguồn ngân sách đều đều của nhà nước”.

Tính đến năm 2012, cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có 14 trường ĐH sư phạm và 40 trường CĐ sư phạm. Quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trong thời gian tới là những trường sư phạm truyền thống như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Đà Nẵng… sẽ được phát triển mạnh, trong đó Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TPHCM xây dựng thành trung tâm đào tạo sư phạm hàng đầu của cả nước.

Câu hỏi được đặt ra, nếu giáo viên các cấp yêu cầu phải có trình độ cử nhân thì số phận các trường CĐ sư phạm sẽ như thế nào? Theo GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi các trường CĐ dần dần không đào tạo giáo viên (giáo viên chủ yếu được đào tạo ở các trường ĐH) thì việc chuyển các trường CĐ địa phương thành trường cộng đồng là hợp lý. Tuy nhiên, đây không phải là mục đích kiện toàn, nâng cấp cơ sở đào tạo, giáo viên mà phải hiểu đây là cách để duy trì sự tồn tại của các trường CĐ sư phạm khi nó không còn chức năng đào tạo giáo viên nữa. Thực chất là nếu trường CĐ sư phạm nào khi biến thành trường cộng đồng mà chưa đủ điều kiện để thành cơ sở đào tạo giáo viên trình độ cử nhân 4 năm thì các trường CĐ cộng đồng đó sẽ nằm ngoài mạng lưới các trường sư phạm. Và như vậy, không nên thành lập thêm các trường CĐ sư phạm ở các tỉnh chưa có loại trường này.

Hệ CĐ chỉ bồi dưỡng giáo viên

Bộ GD-ĐT cho hay khó tính chuyện giải tán được trường nào, vì còn đội ngũ cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất, không thể đẩy đi đâu được. Giải pháp mà bộ đưa ra là các trường, khoa sư phạm sẽ gánh nhiệm vụ đào tạo lại, bồi dưỡng cho hơn 1 triệu giáo viên, lực lượng được cho là “cần phải nâng cấp chứ không thể thay mới được”. Một lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD-ĐT cho rằng thời gian học ĐH, CĐ của các giáo viên chỉ là thời gian có được những kiến thức cơ bản, còn sự trưởng thành trong công việc của các thầy cô chính là ở giai đoạn sau này. Vì vậy, việc tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại một cách toàn diện cho giáo viên là rất cần thiết.

Chưa hết, các giáo viên hiện có nhiều trình độ, khó tập trung bồi dưỡng, đào tạo lại trong cùng thời điểm nên các trường sư phạm có thể hoạt động quanh năm.

Phải có định hướng đào tạo sư phạm

GS Đinh Quang Báo cho hay ông không nhất trí với quan điểm ngưng đào tạo bậc TC và CĐ sư phạm ngay trong năm học tới; tuy nhiên, cần đặt ra yêu cầu giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT phải có trình độ chuẩn cử nhân ĐH sư phạm 4 năm ở hầu hết các môn học từ bây giờ và có định hướng thiết kế lộ trình và điều kiện để thực hiện sau một thời gian ngắn. GS Báo nói thêm khi quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên phải xem xét khả năng cơ sở đó có thể phát triển, có đủ năng lực đào tạo chương trình cử nhân ĐH tối thiểu 4 năm hay không?

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, lại cho biết ông đồng ý với việc xóa bỏ 2 hệ này. Tuy nhiên, TS Tiến cũng nhấn mạnh, giáo viên các cấp phổ thông cần đào tạo ĐH nhưng phải có sự phân biệt rõ ràng về mô hình, phương thức, nội dung đào tạo.

Theo Yến Anh, NLĐ